TS Nguyễn Đức Kiên: Thua ngay trên 'sân nhà' nếu chưa hoàn thành tái cơ cấu vào năm 2018

Khi đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đàm phán về dệt may được coi là thành công của Việt Nam, bởi khi đó, ngành dệt may Việt Nam có thế mạnh là giá nhân công rẻ.

TS Nguyễn Đức Kiên

Thế nhưng chỉ 8 tháng sau, các nước cạnh tranh với Việt Nam đã xóa được lợi thế này của ta. Bởi thế, trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng, nếu Việt Nam chậm trễ trong tái cơ cấu nền kinh tế thì sẽ thua ngay trên "sân nhà" khi bước vào giai đoạn hội nhập toàn diện.

Phóng viên (PV): Đại biểu đánh giá thế nào về việc thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội năm 2016?

TS Nguyễn Đức Kiên: Năm 2016, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn nhưng chúng ta vẫn cân đối được các nguồn thu để bảo đảm được chi thường xuyên và chi của cả nền kinh tế, giữ được sự ổn định của kinh tế vĩ mô, đồng thời vẫn kiên trì bảo đảm an sinh xã hội và chi bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, nhược điểm của Việt Nam trong năm 2016 là chưa tiết kiệm được đầu tư công. Khi mẫu số giảm mà chi đầu tư công không giảm thì bội chi ngân sách năm 2016 sẽ tăng lên so với dự kiến. Khi bội chi tăng, các tổ chức tài chính quốc tế sẽ đánh giá giảm về sự ổn định của Việt Nam. Như thế có thể dẫn tới khả năng doanh nghiệp Việt Nam ra thị trường tài chính quốc tế vay vốn sẽ bị đắt lên. Năm 2017, 2018 sẽ là năm đỉnh trả nợ của Việt Nam khi các khoản vay ODA đều bắt đầu yêu cầu Việt Nam trả cả gốc và lãi. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa tái cơ cấu nền kinh tế xong, vẫn chưa chuyển đổi mô hình xong. Nếu nhìn dưới góc độ cả nhiệm kỳ và theo đúng đánh giá của Nghị quyết Đại hội Đảng, như thế là chúng ta chưa hoàn thành nhiệm vụ. Cho nên, gánh nặng đặt ra cho giai đoạn 2016-2020 đã khó lại càng khó hơn.

Vì thế, trong giai đoạn 2016-2020, đặc biệt là từ năm 2017, nếu Việt Nam không hành động quyết liệt thì đến năm 2021, bước vào giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện, chúng ta sẽ thua ngay trên “sân nhà”. Thách thức trong năm 2017-2018 kéo dài đến năm 2020 nặng ở chỗ ấy. Nó chỉ ra một điều, nếu Việt Nam không đổi mới xong mô hình tăng trưởng, không kết thúc thời kỳ chuyển đổi để lao vào đẩy mạnh tốc độ phát triển sản xuất là chúng ta thua ngay trên “sân nhà”.

PV: Là một chuyên gia kinh tế, đồng thời là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, theo đại biểu, mốc thời gian cụ thể nào cần đặt ra để Việt Nam phải hoàn thành xong việc tái cơ cấu nền kinh tế?

TS Nguyễn Đức Kiên: Đến năm 2018 mà không tái cơ cấu nền kinh tế xong thì đất nước ta sẽ thua ngay trên “sân nhà” trong hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là nhiệm vụ chính trị của cả hệ thống, nếu không tập trung làm được mà vẫn kiểu như thế này thì chúng ta sẽ thua.

PV: Đại biểu có thể nói rõ hơn?

TS Nguyễn Đức Kiên: Chúng ta thua bởi vì tất cả những thứ chúng ta coi là lợi thế cạnh tranh thì không còn là lợi thế nữa, chúng ta sẽ không cạnh tranh được. Ví dụ, riêng mặt hàng dệt may, tháng 2-2016, chúng ta có rất nhiều lợi thế. Nhưng những lợi thế đấy giờ đây đã bị Mi-an-ma, Cam-pu-chia, Băng-la-đét, Trung Quốc xóa được thế chênh lệch. Trung Quốc đã xóa toàn bộ chi phí thuế giá trị gia tăng của điện, nước, tiền thuê đất của đường giao thông trong khu công nghiệp dệt may, đưa thuế suất về 0%. Họ giải thích với WTO, đó là hạ tầng dùng chung nên không có tiền thuế. Toàn bộ phần chi phí này chiếm khoảng 12% chi phí giá thành sản xuất chung, bao gồm cả nhân công. Như vậy, phần chi phí tính vào giá thành sản phẩm của họ giảm hơn rất nhiều, tính ra còn lớn hơn cả phần lợi nhuận ròng của toàn bộ ngành dệt may Việt Nam. Trước đó, chúng ta nói nhân công của chúng ta rẻ dẫn tới giá thành rẻ, nhưng chỉ rẻ khi họ chưa được bỏ các khoản chi phí ấy. Vậy, những lợi thế của chúng ta trong chương dệt may trong TPP có còn nữa không? Chúng ta chưa kịp làm gì, họ đã làm rồi, chúng ta thua còn gì nữa? Chỉ 8 tháng trước còn là lợi thế, 8 tháng sau đã không còn là lợi thế nữa. Chỉ một ví dụ ấy đã cho thấy, nếu chúng ta làm chậm là chúng ta mất thời cơ!

PV: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Theo Báo QĐND

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/kinh-te/ts-nguyen-duc-kien-thua-ngay-tren-san-nha-neu-chua-hoan-thanh-tai-co-cau-vao-nam-2018-216958.html