TS. Nguyễn Đức Kiên: Rất cần siêu ủy ban để “dỡ miếu, đuổi thần”

Trong khi đề xuất thành lập “siêu ủy ban” của Bộ Kế hoạch và đầu tư đang vấp phải nhiều băn khoăn, lo lắng, thậm chí là phản đối, thì TS. Nguyễn Đức Kiên lại rất ủng hộ ý tưởng này và ông cho rằng đây chính là một cách để “dỡ miếu, đuổi thần”.

Ảnh minh họa.

Khi câu chuyện Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước ( SCIC ) trực thuộc Bộ Tài chính bị “cáo buộc” là làm chậm quá trình thoái vốn nhà nước ở doanh nghiệp, làm doanh nghiệp càng trở nên tụt hậu còn chưa được giải quyết, thì mới đây Bộ Kế hoạch và đầu tư lại gây xôn xao dư luận bởi dự thảo thành lập Ủy ban quản lý và giám sát vốn và tài sản nhà nước.

Ủy ban này sẽ “nắm thóp” 30 tập đoàn, tổng công ty có vốn nhà nước, trong đó bao gồm cả SCIC.

Xung quanh câu chuyện có nên thành lập “ siêu ủy ban ” có rất nhiều tranh luận trái chiều nhau.

Trong đó có ý kiến lo ngại rằng, thành lập siêu ủy ban khác nào thêm một SCIC “bố”, chỉ là quy mô to hơn và có thể sẽ “phiền phức” hơn.

Và nếu nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của SCIC thì có lẽ lo ngại này cũng không phải là không có căn cứ.

Theo đó, ngày 20/6/2005 Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được thành lập theo Quyết định số 151 của Thủ tướng Chính phủ, làm địa diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong gần 1.000 doanh nghiệp.

SCIC ra đời với kỳ vọng cải cách kinh tế nói chung và cải cách doanh nghiệp nhà nước nói riêng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.

Theo lộ trình, SCIC sẽ phải thực hiện thoái vốn ở đa số các doanh nghiệp không nằm trong 4 lĩnh vực kinh doanh cần có bàn tay của nhà nước sau: Đầu tư chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội; Đầu tư phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; Đầu tư và hỗ trợ hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích; Và đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư.

Tuy nhiên, sau 11 năm thành lập, cho tới nay SCIC đã bỏ qua nhiều kỳ vọng ban đầu đặt ra khi thành lập.

Tới thời điểm tháng 6 năm nay, SCIC vẫn viện đủ các lý do để không chịu thoái vốn khỏi một số “con gà đẻ trứng vàng” như Vinamilk, các công ty dược (nằm ngoài 4 lĩnh vực mà nhà nước cần giữ vốn) – nguồn thu chủ yếu nuôi SCIC.

Trong khi vai trò quản lý của SCIC ở các công ty này thì bị cho là mờ nhạt.

TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Quá trình hành động của SCIC gặp phải nhiều chỉ trích từ phía các chuyên gia kinh tế vì diễn ra quá chậm chạp và có phần không “sòng phẳng”.

Đây là lý do tại sao mà nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng "siêu ủy ban" được thành lập sắp tới sẽ “dẫm” lại vết xe đổ của SCIC, sẽ lại “biến tướng”.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chính vì sự chây ỳ này của SCIC, nên rất cần có sự ra đời và hoạt động của một ủy ban giám sát và quản lý vốn nhà nước để đẩy nhanh hơn nữa tiến trình thoái vốn.

Trao đổi với Bizlive, ông Kiên cho biết: “Trong cách sử dụng từ của người xây dựng luật thì gọi “siêu ủy ban” này là cơ quan quản lý nhà nước về vốn. Đây là một bước đi đúng để triển khai nghị quyết XII và nghị định của Chính phủ của Bộ Kế hoạch và đầu tư. Bản thân tôi nghĩ chúng ta nên ủng hộ việc này”.

Theo ông Kiên thì việc thành lập một “siêu ủy ban” hay cơ quan quản lý nhà nước về vốn sẽ giúp tạo ra một “người cầm trịch” trong việc thoái vốn, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước hiện nay. “Điều này phù hợp với chủ trương của chính phủ là đẩy nhanh, mạnh hơn nữa quá trình thoái vốn nhà nước ở các doanh nghiệp quốc doanh”, ông Kiên khẳng định.

Ông Kiên nhấn mạnh: Chúng ta cần thoái vốn nhà nước, để vốn nhà nước chỉ chiếm tối đa dưới 35% ở các doanh nghiệp. Bởi theo luật doanh nghiệp hiện nay thì có 35% vốn trở lên là có quyền phủ quyết. “Và sẽ không nhà đầu tư nào dại dột bỏ 65% vốn vào doanh nghiệp mà vẫn không có quyền được lựa chọn phương thức hoạt động và phương hướng phát triển của doanh nghiệp đó”, ông Kiên phân tích.

Đứng trước băn khoăn về vấn đề “siêu ủy ban” có thể sẽ trở thành một mô hình na ná như SCIC như hiện nay – sẽ lại khó khăn trong thoái vốn, lại lặp lại quy trình 10 năm qua, ông Kiên nhận định: Cho tới hôm nay có thể nói SCIC không đạt yêu cầu so với mô hình mà chúng ta đặt ra ban đầu.

“Ở đây có vấn đề lợi ích nhóm gây cản trở, chi phối từ trong hành động, làm sai lệch ý nghĩa ban đầu của việc thành lập SCIC”, ông nói.

Và có thể vì những lo ngại này mà mô hình “siêu ủy ban” đã vấp phải nhiều phản đối ngay từ khi còn trong trứng nước”.

Tuy nhiên, chúng ta cần thực hiện bước đi này như một cách “dỡ miếu, đuổi thần”, để loại bỏ nhóm lợi ích, như thế mới đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa được, ông Kiên chia sẻ.

Ông Kiên cho biết: Hiện nay chúng ta đã có chủ trương, có luật pháp rõ ràng về việc thành lập công ty quản lý vốn nhà nước rồi, nên việc cần làm bây giờ là hành động.

Tuy nhiên, vẫn phải chú ý rằng, chúng ta cần làm đúng ngay từ đầu, cần một bộ máy điều hành mới, với tư duy mới.

Và trong “siêu ủy ban” sẽ quy trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho từng người, từng đối tượng. Nghĩa là người nào làm sai, làm thất thoát vốn nhà nước người đó phải chịu trách nhiệm với hành động, quyết định của mình.

Ông Kiên cũng cho biết thêm rằng: Chúng ta đã có Cương lĩnh năm 2011, có Hiến pháp năm 2013 và có luật Đầu tư công, luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh dẫn đường. Theo đó doanh nghiệp nhà nước chỉ được hoạt động trong 4 lĩnh vực quy định tại điều 5 luật Đầu tư công.

“Ngoài 4 lĩnh vực trên thì nhà nước sẽ không có quyền “nhúng tay” vào hoạt động của doanh nghiệp”, ông Kiên nói.

NGUYỄN THOAN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-te-dau-tu/ts-nguyen-duc-kien-rat-can-sieu-uy-ban-de-do-mieu-duoi-than-1810784.html