TS Lê Xuân Nghĩa: Dùng dự trữ ngoại hối xử nợ xấu...

"Đây là nguồn tiền tươi duy nhất và khả thi nhất hiện nay" - TS Lê Xuân Nghĩa

Ngày 17/10, báo Đầu tư dẫn lời TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) khẳng định, nguồn tiền tươi duy nhất để xử lý nợ xấu cho các NHTM là lấy từ Quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia.

Ảnh minh họa

"Đây là nguồn tiền tươi duy nhất và khả thi nhất hiện nay", TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.

Ông Nghĩa thừa nhận, dù là giải pháp nào, lấy tiền từ ngân sách hay từ Quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia chắc chắn đều không nhận được sự đồng thuận của dư luận. Về nguyên tắc ai làm người đó sẽ phải chịu, nợ xấu do ngân hàng và doanh nghiệp gây ra ,thì ngân hàng và doanh nghiệp phải tự gánh chịu.

Tuy nhiên, vị chuyên gia chấn an "Số tiền này không phải “cho không” để các ngân hàng xóa nợ, mà có thể cho các ngân hàng vay tái cấp vốn khẩn cấp hoặc tái cấp vốn dài hạn, sau đó trả dần. Có thể xem xét xóa một số khoản nợ nếu không thu hồi được", ông Nghĩa diễn giải.

Theo đó, ông đề xuất chỉ xử lý nợ xấu với những khoản vay nông nghiệp, cho vay vùng sâu vùng xavì nguyên nhân khách quan, không có khả năng đòi được nợ nữa thì nên có cơ chế xóa.

Ngoài ra, nợ xấu của một số doanh nghiệp nhà nước cũng nên xem xét xóa (vì đều sử dụng tiền ngân sách).

Vị chuyên gia cũng lưu ý, không phải khoản nợ nào của DNNN cũng có thể xóa. Với những doanh nghiệp quá yếu kém, không còn khả năng hoạt động thì nên có cơ chế phát mãi tài sản và xóa nợ.

"Với các doanh nghiệp này, nợ càng để lâu càng xấu, vừa làm bẩn sổ sách ngân hàng, vừa làm không khí xã hội căng thẳng", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Vì sao lấy tiền ngân sách xử lý nợ xấu NHTM?

Từng bàn về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, bản chất của đề xuất dùng tiền ngân sách xử lý nợ xấu, cụ thể là nợ xấu của các DNNN cũng chính là để cứu các NHTM.

"Đây là cách xử lý nợ bằng tiền tươi thóc thật, Chính phủ phải dùng ngân sách mua lại khoản nợ DNNN đã vay NHTM với một giá được hai bên thỏa thuận.

Bản chất ở đây là Chính phủ đang dùng tiền ngân sách (tiền thuế của dân) cứu các ngân hàng và DNNN thoát cảnh nợ nần. Về phía các ngân hàng, ngân hàng lấy lại được phần nào số vốn đang bị đóng băng hay có thể đã mất. Về phía các DNNN, các doanh nghiệp này có ông chủ nợ mới là chánh phủ và có khả năng là ông chủ nợ mới sẽ tha nợ cho họ và họ thoát khỏi cảnh nợ nần. Hay nói cách khác, là người dân đang phải gánh nợ thay các DNNN", TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Theo ông Hiếu, nếu sử dụng giải pháp này sẽ có điểm tích cực là nợ DNNN sẽ được mang ra khỏi hệ thống NHTM (tức là được xóa bỏ khỏi bảng cân đối kế toán của ngân hàng) đồng nghĩa với việc nợ xấu của các DNNN tại các NHTM cũng được dọn sạch.

Giải pháp trên cũng sẽ giúp các NHTM có vốn để quay vòng và từ đó đổ vốn vào nền kinh tế giúp phát triển sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, ông cũng băn khoăn trong bối cảnh bội chi đang quá lớn, việc tìm kiếm nguồn tiền để xử lý nợ xấu là không đơn giản.

"Nếu chỉ tập trung xử lý nợ xấu cho các DNNN cũng không phải điều dễ, số lượng lớn như vậy Chính phủ lấy tiền đâu xử lý?

Thứ hai, mua nợ của DNNN nghĩa là lấy tiền thuế của dân để cứu các DNNN và các NHTM có vốn nhà nước là những ngân hàng cho vay DNNN nhiều nhất thì có công bằng cho các doanh nghiệp tư nhân và những ngân hàng không có vốn nhà nước không?

Trên thực tế nhiều NHTM nhà nước bị chỉ định cho DNNN vay vốn, nay DNNN làm ăn thua lỗ, ngân hàng mang nợ xấu thì Chính phủ lại chìa tay cứu. Như vậy, là nhà nước đang tạo ưu thế, ưu đãi cho những NHTM nhà nước và các DNNN, những ngân hàng cổ phần sẽ phải chịu thiệt thòi. Điều này tạo ra sự bất công trong nền kinh tế Việt Nam", TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

TS Nguyễn Trí Hiếu: Chính phủ phải xử lý nợ xấu, nhưng....

Trao đổi thêm, TS. Bùi Quang Tín cho hay nợ xấu của ngân hàng không phải xuất phát từ nguồn tiền nào mà xuất phát từ các hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.

Điển hình như trường hợp của Ngân hàng Đông Á, khi thị trường BĐS lên thì việc cho vay ồ ạt, định giá tài sản không đúng cộng thêm năng lực quản trị yếu nên khi thị trường BĐS chết đã kéo theo hoạt động kinh doanh của ngân hàng cũng chết theo. Như vậy, các khoản nợ xấu thành nợ rất xấu tại các tổ chức tín dụng, NHTM chủ yếu là do vấn đề quản lý yếu kém, làm ăn thua lỗ của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp bất động sản gây ra. Nếu lấy tiền ngân sách để bù đắp khoản lỗ trên là vô lý.

An An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/ts-le-xuan-nghia-dung-du-tru-ngoai-hoi-xu-no-xau-3320994/