TS.Lê Thống Nhất: Hội viên có được hỏi đâu mà phát ngôn nhân danh Hội

Theo TS.Lê Thống Nhất: “Dù không trình bày cụ thể lời giải môn Toán trong bài thi trắc nghiệm nhưng học sinh vẫn phải tư duy hợp lý để lựa chọn đáp án đúng".

LTS: Ngày 28/9, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố phương án thi THPT quốc gia 2017. Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ có 5 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (tổ hợp Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học Xã hội (tổ hợp Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân). Thí sinh sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan , trừ môn Ngữ văn.

Năm 2017, là năm đầu tiên môn Toán thi dưới dạng trắc nghiệm nên đã gây ra nhiều tranh luận, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ chuyên ngành Phương pháp giảng dạy Toán, Lê Thống Nhất - Phó Tổng Thư ký Hội Giảng dạy Toán phổ thông về phương thức thi này.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Phóng viên: Đại diện Hội Toán học Việt Nam lo lắng, thi trắc nghiệm môn Toán sẽ làm phá hỏng mục tiêu đào tạo ra những con người “có phương pháp tư duy, khả năng đặt vấn đề, giải quyết vấn đề”. Ý kiến của Tiến sĩ về vấn đề này như thế nào?

TS.Lê Thống Nhất: Trước hết, tôi không đồng ý với một số báo sử dụng câu: “Hội Toán học Việt Nam phản đối thi trắc nghiệm môn Toán”.

Bởi tôi biết, các hội viên của Hội Toán học Việt Nam không hề được hỏi ý kiến về vấn đề này.

Nếu Hội Toán học Việt Nam thực sự thận trọng thì cần trưng cầu ý kiến hội viên và cho Bộ GD&ĐT biết tỷ lệ phần trăm về số hội viên phản đối hình thức thi trắc nghiệm môn Toán trong kỳ thi THPT Quốc gia 2017.

Hầu như đa số, kể cả những nhà toán học nổi tiếng như GS. Vũ Hà Văn chỉ băn khoăn về lộ trình mà thôi, GS.Hà Huy Khoái - Nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam cho rằng thi trắc nghiệm là “không xấu” và GS.TS. Đào Trọng Thi thì khẳng định đã đủ yếu tố để thi trắc nghiệm môn Toán THPT quốc ngay kỳ thi 2017.

TS. Lê Thống Nhất (áo kẻ trắng) giới thiệu với GS. Ngô Bảo Châu về sản phẩm BigSchool (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ngay đối với học sinh THPT thì vẫn còn những kỳ thi quan trọng như kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, kể cả vòng chọn đội tuyển dự thi Olympic Toán học Quốc tế (IMO) vẫn thi với hình thức tự luận. Như vậy có phải “trắc nghiệm hóa” mọi kỳ thi Toán ở Việt Nam đâu?

Với cuộc thi mà số học sinh thi rất lớn thì hình thức thi phù hợp hơn đã được đặt ra và Bộ GD&ĐT đã chọn đó là thi trắc nghiệm. Với hình thức này thời gian làm bài thi đã rút xuống chỉ còn 60 phút và bài thi được chấm khách quan bằng máy.

Điều này vừa giảm áp lực thi và vừa giảm áp lực chấm, việc chấm khách quan hơn nhiều so với việc chấm bài tự luận (mệt mỏi vì chấm với số lượng bài lớn, tiêu cực,..).

Tuy nhiên, nếu cho rằng việc thi trắc nghiệm làm cho người dạy bỏ qua việc rèn luyện tư duy cho học sinh là chưa đúng.

Bởi với một số dạng đề trắc nghiệm môn Toán, do học sinh không phải trình bày bài giải nên có thể sử dụng máy tính khoa học cầm tay để nhanh chóng tìm ra đáp số, những bài toán như thế trong thi trắc nghiệm chỉ mang tính kiểm tra kĩ năng tính toán.

Bên cạnh những bài toán trắc nghiệm như thế còn rất nhiều dạng bài mà máy tính không giúp nổi học sinh mà học sinh cần phải nắm vững, thậm chí nắm khái quát vấn đề và có tư duy phán đoán nhanh để lựa chọn được đáp án đúng.

Nếu các thầy cô dạy được điều này thì hoàn toàn có thể rèn luyện khả năng tư duy cho học sinh trong đó có cả khả năng đặt vấn đề và giải quyết vấn đề.

Có ý kiến cho rằng, môn Toán thi trắc nghiệm sẽ tạo lợi thế cho những học sinh có tư duy nhanh nhưng khả năng trình bày tự luận kém. Theo ông điều này có đúng không?

TS.Lê Thống Nhất: Khả năng trình bày bài làm không chỉ có yêu cầu ở môn Toán, mà tất cả các môn học sinh đều phải học cách trình bày bài. Tuy nhiên khả năng trình bày không được xếp vào thành tố của năng lực Toán học.

Mặt khác khả năng tư duy nhanh một vấn đề chính là ưu thế của người có năng lực Toán học nên dù không trình bày cụ thể lời giải trong bài thi trắc nghiệm nhưng học sinh vẫn phải tư duy theo một con đường hợp lý (trong đầu mình) để đi tới việc lựa chọn đáp áp đúng vấn đề quan trọng lúc này không phải là hình thức thi mà là đề thi.

Có nghĩa là, trong đầu học sinh vẫn phải “trình bày nhanh” lời giải của bài toán.

Bạn có thể tưởng tượng, có những câu đố mà bạn nói được đúng đáp án rất nhanh trong khi hỏi bạn tại sao lại nghĩ ra đáp án đó, bạn có lý giải được không?

Quá trình ấy diễn ra quá nhanh trong bộ não nhưng viết ra giấy lại rất khó. Bởi vậy sự lo lắng về việc học sinh trốn được điểm yếu trong trình bày bài trong khi tư duy lại nhanh có lẽ chưa lo lắm. Chỉ lo học sinh không tư duy nhanh được mà thôi.

Ông nghĩ sao về khả năng xảy ra trường hợp may mắn dẫn đến điểm số không thể hiện đúng thực lực của thí sinh bởi thi trắc nghiệm thí sinh vẫn có điểm vì khoanh bừa.

TS.Lê Thống Nhất: Chọn hú họa đáp án vẫn có thể cứu thoát được học sinh khi thi trắc nghiệm môn Toán cũng như bất cứ môn nào, thậm chí cả những cuộc thi trên truyền hình mà các bạn đã xem.

Nhưng tại sao lại không để ý tới những bài thi tự luận môn Toán rất khó mà học sinh lại giải được, thậm chí độc đáo. Khi ấy chúng ta sẽ khen học sinh đó giỏi hay nghi ngờ học sinh đó trúng tủ?

Với kinh nghiệm luyện thi Đại học môn Toán của mình và cũng được những học sinh đó xác nhận là do trúng tủ khá nhiều. Vậy hú họa khi thi trắc nghiệm và trúng tủ khi thi tự luận cũng ngang nhau mà thôi.

Thi trắc nghiệm giải quyết bài toán cho số học sinh thi lớn và còn mang lại sự khách quan khi chấm thi.

Số bài thi tự luận bị đánh giá sai ở cả khâu coi thi hoặc chấm thi đã thống kê đầy đủ chưa? Khoanh bừa sợ hơn hay chấm bừa sợ hơn? Chấm bừa do áp lực mệt mỏi chấm quá nhiều bài hoặc đôi khi do tiêu cực.

Nếu cứ suy đến cùng như vậy thì chúng ta biết tin vào hình thức thi nào hơn? Bởi vậy trong việc tuyển dụng cán bộ, người ta không chỉ dừng ở thi viết (trắc nghiệm hay tự luận) mà còn bổ sung bài thi vấn đáp nữa. Qua thi cử đánh giá chính xác năng lực là việc rất khó!

Với cách thi này, theo ông, thầy và trò cần thay đổi cách dạy và học như thế nào cho phù hợp?

TS.Lê Thống Nhất: Chắc chắn cách dạy và cách học phải có sự thay đổi. Điều quan trọng nhất là thầy và trò càng phải dạy và học cơ bản hơn, bản chất hơn, đặc biệt là không được sa vào các bài toán có tính đánh đố.

Bởi chúng ta phải hình dung rằng: Với bài thi tự luận môn Toán như trước đây thường có 10 câu nhỏ, mỗi câu thường 1 điểm và mỗi câu bình quân có 18 phút để làm bài nên nội dung mỗi bài sẽ lớn hơn, độ phức tạp cũng sẽ lớn hơn.

Trong khi đó, đề trắc nghiệm môn Toán bây giờ có 50 câu và làm bài trong 60 phút tức là mỗi câu bình quân 0,2 điểm và thời gian làm mỗi câu chỉ 1,2 phút nên nội dung mỗi câu không thể phức tạp hay đánh đố được.

Một số bài toán quen thuộc khi thi tự luận không phải cứ thế chuyển sang trắc nghiệm mà cần có các góc nhìn mới, nhất là những bài không thể dùng máy tính để tìm đáp số.

Cần làm quen với nhiều bài toán mới, chẳng hạn chỉ nhìn đồ thị (không cho hàm số) mà vẫn biết được tính chất đạo hàm thậm chí tính được đạo hàm tại một số điểm hay tính được tính phân trên đoạn nào đó của hàm số hoặc biết luôn phương trình tiếp tuyến tại một số điểm đặc biệt.

Dư luận đang xôn xao việc bùng nổ lò luyện thi trắc nghiệm sau khi Bộ chính thức công bố phương án thi quốc gia 2017. Vậy luyện thi có thực sự cần thiết với thí sinh không, thưa ông?

TS.Lê Thống Nhất: Lò luyện thi hiểu theo nghĩa bên ngoài nhà trường chỉ bùng nổ khi chính trong nhà trường chúng ta lúng túng trong việc thay đổi, bổ sung các vấn đề cần dạy và học.

Không phải lò nào cũng có những giáo viên am hiểu sự thay đổi này. Bởi vậy chuyện bùng nổ và chuyện có hiệu quả lại là hai chuyện khác nhau. Phần nhiều sự bùng nổ này xuất phát ở yếu tố tâm lý là chính.

Nếu các nhà trường giải quyết được sự hoang mang của thầy và trò thì các lò cũng khó mà bùng nổ.

Lưu ý thêm với các bạn học sinh, thi trắc nghiệm môn Toán không chỉ là thi tính nhanh mà còn thi nhiều kiến thức cơ bản trong chương trình đã quy định.

Bởi vậy, ngoài chuyện rèn luyện kĩ năng sử dụng thành thạo máy tính cầm tay các bạn cần tập trung vào học các kiến thức thật sự cơ bản, nắm thật đúng bản chất và ý nghĩa của các định nghĩa, định lí toán học.

Không những thế, thí sinh còn phải tập luyện các phương pháp để loại nhanh các đáp án ban đầu để dẫn đến lựa chọn 1 đáp án trong ít đáp án hơn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ động đưa ra hoặc tổ chức các Hội thảo để nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp dạy học phù hợp với hình thức thi cũng như việc công bố sớm các đề thi minh họa , cấu trúc đề thi trắc nghiệm môn toán.

Điều này vừa giúp cho việc ổn định tâm lý và giúp thầy trò tự tin trong việc giảng dạy, học tập môn toán đáp ứng với hình thức thi mới.

Xin trân trọng cảm ơn TS.Lê Thống Nhất.

Linh Hương

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tsle-thong-nhat-hoi-vien-co-duoc-hoi-dau-ma-phat-ngon-nhan-danh-hoi-post171352.gd