TS Lê Khắc Hiệp: 'Tăng tuổi về hưu là xu thế tất yếu'

VietnamFinance trân trọng giới thiệu bài viết của ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu.

TS Lê Khắc Hiệp.

Gần đây, trong xã hội và trên các phương tiện thông tin truyền thông, rộ lên các cuộc tranh luận về việc nên hay không nên tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động.

Đứng từ nhiều góc cạnh khác nhau để phân tích, có thể thấy cả giữ nguyên hay tăng tuổi nghỉ hưu đều có những mặt lợi hay hại. Một trong những lý do chính nhất được đưa ra nhằm tăng tuổi nghỉ hưu là vì hiện nay do mức sống và điều kiện chữa trị bệnh ở nước ta đã tăng lên nhiều, dẫn đến tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam cũng tăng theo, do vậy, kéo dài thời gian Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) phải trả lương hưu nên nếu tiếp tục giữ tuổi hưu như cũ thì có khả năng cao dẫn đến vỡ Quỹ BHXH trong tương lai gần.

BHXH đang được hưởng “lợi thế tự nhiên”

Thoạt nhìn, đấy là điều dễ hiểu. Nhưng trong khuôn khổ bài báo này, chúng ta sẽ phân tích xem các chính sách về BHXH hiện nay đã tối ưu và khai thác hết tiềm năng của mình chưa.

Bảo hiểm, về bản chất là thu phí bảo hiểm từ rất nhiều người (số phí thường không lớn) để chi trả tiền bảo hiểm (lớn hơn phí rất nhiều) cho những người (số ít) mà sự kiện được bảo hiểm (tai nạn, tử vong…) xảy ra đối với họ. Còn BHXH hiện nay về thực chất là thu một tỷ lệ bắt buộc từ lương của người lao động để chi trả cho một số trường hợp như trả thu nhập cho người lao động khi phải nghỉ việc vì ốm đau, thai sản, trả tiền tử tuất và phổ biến nhất là trả lương hưu.

Tuy thu phí là bắt buộc và cố định theo thu nhập của người lao động, nhưng số tiền chi trả ra là không xác định được vì có rất nhiều người cả đời không được lĩnh một đồng tiền nghỉ ốm hay thai sản nào, thậm chí cả lương hưu (do mất trước tuổi nghỉ hưu chẳng hạn) hay nếu được lĩnh lương hưu, tuy biết số tiền mình được lĩnh hằng tháng nhưng không ai có thể biết mình sẽ được lĩnh trong bao năm.

Có rất nhiều loại hình bảo hiểm với các sự kiện được bảo hiểm khác nhau, trong bài này, để đơn giản, tác giả sẽ chỉ đề cập đến loại hình bảo hiểm hưu trí.

Đối với các công ty bảo hiểm thương mại, có rất nhiều sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện, nhưng nguyên tắc chung là người tham gia bảo hiểm có thể chọn loại phí bảo hiểm cố định, đúng đến một thời điểm nào đấy sẽ dừng đóng phí để được nhận tiền bảo hiểm thường kỳ, số tiền bảo hiểm sẽ được tính theo tiền phí bảo hiểm người mua đã chọn.

Hoặc ngược lại, nếu người mua chọn số tiền bảo hiểm được hưởng trong tương lai, công ty bảo hiểm sẽ tính số phí mà người mua bảo hiểm phải đóng thường kỳ. Căn cứ để tính toán phí hay số tiền bảo hiểm là các thông số như chi phí quản lý, tuổi thọ trung bình (xác định được) và kết quả đầu tư trong tương lai, do các chuyên gia tính phí tính toán dựa trên nhiều yếu tố giả định khác nhau về kinh tế.

So với các công ty bảo hiểm, BHXH Việt Nam có những thuận lợi khổng lồ mà không công ty bảo hiểm nào dám mơ ước, nhưng thực sự chưa khai thác hết tiềm năng để sử dụng có hiệu quả nhất Quỹ BHXH.

Khác với các công ty bảo hiểm, BHXH dù không phải khai thác đã có hàng chục triệu khách hàng phải đóng phí bắt buộc, không mất công sức khai thác, marketing, trả hoa hồng cho đại lý khai thác bảo hiểm. Ngoài ra, yếu tố lãi suất, mà là lãi suất gộp, một yếu tố mà các công ty bảo hiểm phải hết sức tính toán để đưa đủ vào phí để giảm phí, tăng cạnh tranh, trong tính toán phí BHXH hầu như không được chú trọng.

Dư địa còn rất lớn

Theo quy định của Luật BHXH, người tham gia BH đóng đủ tiền bảo hiểm trong 15 năm sẽ bắt đầu nhận được lương bảo hiểm khi về hưu (hiện nay nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi) và mức lương bảo hiểm được nhận bằng 45% mức lương trung bình hàng tháng khi đi làm. Nếu đóng trên 15 năm thì mỗi năm được tính thêm 2% nữa vào lương hưu, nhưng tối đa không quá 75% lương trung bình.

Để minh họa, xin xem xét trường hợp phổ biến sau: một người đã đóng phí bảo hiểm 30 năm, khi về hưu ở tuổi 60 sẽ được lĩnh lương hưu hàng tháng là 75% của lương trung bình. Lương trung bình được tính bằng tổng lương hàng tháng chia cho số tháng đã đóng. Như một người đi làm, lúc mới đi làm lương có thể là 4 hay 5 triệu 1 tháng, những năm cuối, lương hoàn toàn có thể là 14, 15 triệu sau 30 năm đi làm, tổng lương đã lĩnh có thể là 3,6 tỷ, chia cho số tháng đã đóng là 360 tháng thì lương trung bình của người này là 10 triệu và sẽ nhận được mức lương hưu tối đa là 7,5 triệu đồng/tháng.

Để cho đơn giản, một người đi làm trong 30 năm có mức lương trung bình 10 triệu đồng 1 tháng, với lãi suất đầu tư 5%/năm (thấp hơn nhiều so với mức bình quân lãi suất ổn định nhất là lãi suất trái phiếu chính phủ), mức đóng BHXH chỉ ở mức là 20% mức lương (đến nay đã lên đến 26%) thì nếu mỗi năm đóng BHXH 24 triệu, với lãi suất thuần 5% thì sau 30 năm người đó đã đóng cho BHXH 30x(24 triệu đồng + 1,2 triệu đồng) là 756 triệu đồng gốc và lãi đầu tư, nhưng nếu tính theo lãi gộp cũng với số năm ấy thì số tiền đã đóng cùng mức đầu tư tối thiểu 5% phải là khoảng 1,7 tỷ đồng. Dễ dàng nhận thấy cách biệt khổng lồ trong hai cách tính, mà chính các công ty bảo hiểm thương mại khi tính phí bắt buộc phải tính lãi gộp.

Giả sử sau 30 năm đi làm, người tham gia đóng bảo hiểm đã đóng cho BHXH cả gốc và lãi là 1,7 tỷ thì chỉ với lãi suất 5%, 1 năm từ số tiền này cho lãi đến 85 triệu, gần bằng số tiền ông ta được lĩnh (7,5 triệu x 12 tháng = 90 triệu).

Thêm vào nữa, BHXH đã quy định bất chấp người đóng BHXH có mức lương thực nhận thế nào, họ không được đóng bảo hiểm cao hơn mức trần là 20 lần mức lương cơ sở mà Nhà nước quy định hàng năm. Thử tưởng tượng một người có mức lương một vài trăm triệu (không thiếu các công ty tư nhân, nước ngoài làm ăn tốt) cũng chỉ được đóng theo mức lương là khoảng 20 triệu tùy theo quy định của BHXH. Chắc BHXH sợ người lao động đóng phí BHXH cao sau này sẽ được lĩnh lương hưu cao.

Đây là một điều không thể hiểu nổi vì cách tính lương hưu của BHXH đã rất thấp và chắc chắn, tại sao lại lo có những người đóng trước cho mình số tiền lớn như vậy trong thời gian dài có thể nhận được lương hưu cao về sau. Chắc chắn những người có khả năng đóng phí cao như vậy sẽ là đối tượng được các công ty bảo hiểm thương mại hết sức săn đón.

Rõ ràng, việc tăng độ tuổi về hưu trong bối cảnh tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng cao là một xu thế tất yếu, phù hợp với việc phát triển của thời đại. Nhưng theo chúng tôi, dư địa của việc phát triển quỹ BHXH trong các điều kiện hiện nay còn rất lớn như tiết giảm chi phí, đầu tư có trách nhiệm và hiệu quả, bỏ bớt những chính sách không giống ai và chỉ tự hạn chế chính mình.

Theo Vietnamfinance.vn

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/ts-le-khac-hiep-tang-tuoi-ve-huu-la-xu-the-tat-yeu-d33775.html