TS Lê Hồng Sơn: Luật không cấm vượt đèn vàng, khi...

Cách quy định đối với đèn vàng có tính hướng dẫn, mềm hơn quy định đối với đèn đỏ. Quy định này là không cấm, mà mang tính hướng dẫn...

LTS:- Trong bài "Giao thông Việt Nam: Đừng để phạt cao đầy túi tham" , TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra VBQPPPL (Bộ Tư pháp) đã đi vào phân tích nhiều vấn đề được coi là nền tảng, cốt lõi để hoàn thiện "Nền văn hóa giao thông" như Hạ tầng thể chế, pháp luật về GTĐB.

Ảnh minh họa

Trong đó, ông chỉ ra nhiều quy định còn bất cập như quy định "tăng mức xử phạt”, “xử phạt nặng” đối với hành vi vi phạm; tình trạng cán bộ CSGT nhũng nhiễu, tiêu cực, nhận hối lộ... và đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ phía bạn đọc.

Trong bài tiếp, vị chuyên gia này tiếp tục chỉ ra những "hạt sạn" khác như quy định "xử phạt vượt đèn vàng", "quy định bình chữa cháy"... Để rộng đường dư luận, báo Đất Việt xin đăng tải phần tiếp theo trong bài viết của ông.

Đèn vàng: Thế nào là "Được" và "Cấm"?

Còn có những “hạt sạn” khác. Đơn cử, gần đây, dư luận nói nhiều đến quy định của Nghị định 46 đưa mức xử phạt đối với hành vi vượt đèn vàng ngang mức xử phạt đối với hành vi vượt đèn đỏ. Nghị định đã được ban hành, có hiệu lực thi hành. Một số người có trách nhiệm cũng đã có giải thích, bảo vệ tính đúng đắn của quy định này. Theo tôi, một khi công luận lên tiếng, ta cần tĩnh tâm xem lại tính đúng đắn, sự hợp lý của nó.

Người có trách nhiệm nói: “Luật GTĐB đã quy định về lỗi vượt đèn vàng như lỗi vượt đèn đỏ”. Vậy cần xem lại Luật đã quy định như thế nào? Tại khoản 3 điều 10 Luật 2008: “ Tín hiệu đèn giao thông có ba mầu, quy định như sau: a)Tín hiệu xanh là được đi; b)Tín hiệu đỏ là cấm đi; c)Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi qua vạch dừng thì được đi tiếp…”.

Đồng ý là luật đã quy định “Tín hiệu vàng là phải dừng lại”, tuy nhiên, để hiểu đúng Luật, ta cần nhìn tổng thể. Lưu ý ở điều này có các nội dung như: “Được”, “Cấm” (Tín hiệu đỏ là cấm đi ). Đây là loại quy phạm mệnh lệnh,cấm đoán nghiêm khắc, chặt chẽ. Tương ứng với nó là chế tài phải nghiêm khắc, chặt chẽ.

Cách quy định đối với đèn vàng lại có tính hướng dẫn, mềm hơn quy định đối với đèn đỏ. Cách quy định này là không cấm, mà mang tính chất hướng dẫn, tính chất của dự lệnh nhiều hơn. Công luận cũng phân tích thêm về yếu tố kỹ thuật, quán tính phương tiện, phản xạ tâm lý của người điều khiển phương tiện khi có đèn vàng để kiến nghị sửa quy định này cho phù hợp. Tôi cho rằng, nên có sự phân biệt trong việc xử lý đối với hành vi vượt đèn vàng và hành vi vượt đèn đỏ. Như vậy sẽ bảo đảm tính hợp pháp, tính hợp lý cũng như tính khả thi. Đồng thời, cần căn chỉnh mức thời gian lệch pha giữa đèn vàng và đèn đỏ ở 2 chiều đường cho hợp lý, không để xảy ra hiện tượng xung đột phương tiện tại điểm giao cắt đồng mức, các ngã ba, ngã tư có đèn tín hiệu giao thông.

Thêm một ví dụ khác, theo tôi, cũng có tác động không thuận lợi đối với tâm lý, ý thức cũng như việc hình thành văn hóa giao thông đối với người điều khiển phương tiện giao thông - xe ô tô 4 chỗ. Tại thông tư số 57/2015/BCA quy định xe này phải trang bị 1 bình chữa cháy loại nhỏ. Công luận lên tiếng. Xem lại Luật phòng cháy, chữa cháy thì thấy rằng Luật quy định về phòng cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới : “Phương tiện giao thông cơ giới từ 4 chỗ ngồi trở lên… phải bảo đảm các điều kiện theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy”. Đến Nghị định 79/2014 NĐ-CP của Chính phủ có quy định : “ Phương tiện giao thông cơ giới từ 4 chỗ ngồi trở lên…có phương tiện chữa cháy phù hợp…hoặc theo quy định của Bộ Công an”. Về hình thức, Luật và Nghị định có giao cho Cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy; cho Bộ Công an quy định. Tuy nhiên, về nội dung, Luật chỉ có quy định mang tính nguyên tắc, định tính như “bảo đảm các điều kiện”, “có phương tiện chữa cháy phù hợp”. Đến Bộ quản lý ngành thì chốt thành Bình chữa cháy loại nhỏ.

Công luận cho rằng xe 4 chỗ mà phải có Bình chữa cháy là không phù hợp vì nhiều lẽ. Khi có phản ứng của công luận, cơ quan có thẩm quyền lại có chủ trương không kiểm tra, xử phạt xe 4 chỗ không có Bình chữa cháy. Người đưa ra chủ trương này chỉ ở cấp Cục thuộc Bộ, và cũng không có văn bản phù hợp.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/ts-le-hong-son-luat-khong-cam-vuot-den-vang-khi-3317169/