TS Lê Đăng Doanh: Cần xóa nỗi sợ 'không dám lớn' của DN Việt

Theo TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, để doanh nghiệp phát triển, cần xóa bỏ nỗi “sợ không dám lớn” của doanh nghiệp Việt Nam cũng như tình trạng doanh nghiệp càng lớn, thanh tra, kiểm tra càng nhiều hơn.

Ảnh: TS Lê Đăng Doanh

Cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ với 1.500 doanh nghiệp là sự kiện được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, ông đánh giá thế nào về những điều mà doanh nghiệp đã kiến nghị, những vấn đề vướng mắc nhất với doanh nghiệp hiện nay là gì thưa ông?

Sau cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp, dự kiến Thủ tướng Chính phủ sẽ họp với các bộ, ngành để giải quyết các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.

Chúng ta cũng đã có tham vọng phát triển 1 triệu doanh nghiệp trong thời gian tới. So với dân số gần 100 triệu người như hiện nay, mật độ doanh nghiệp của Việt Nam còn thấp xa so với các nước, kể cả so với Campuchia. Điều quan trọng là 10 doanh nghiệp được thành lập thì chỉ có một đơn vị sống sót sau một năm. Như vậy, có thể thấy tính chuyên nghiệp của các doanh nghiệp khởi nghiệp của chúng ta còn thấp. Điều cũng có thể nhận thấy chính là chúng ta hô hào khởi nghiệp thì trước tiên phải hoàn thiện môi trường kinh doanh.

Phải làm sao cho môi trường kinh doanh ổn định, có thể dự báo được để doanh nghiệp biết sẽ phải hoạt động thế nào. Còn hiện bảo khởi nghiệp đi nhưng sau khi khởi nghiệp thì lại thay đổi. Đây là điều đáng tiếc.

Điều thứ hai mà chúng ta có thể thấy chính là nỗi “sợ không dám lớn” của doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp càng lớn, thanh tra, kiểm tra, thăm hỏi sức khỏe càng nhiều hơn. Đây là yếu tố khiến doanh nghiệp sợ lớn. Nếu kinh doanh theo hộ gia đình, họ có thể thương lượng để được hưởng theo mức tính thuế khoán. Còn nếu là doanh nghiệp, đã lớn rồi thì phải thực hiện theo Luật Kế toán, phải thống kê chứng từ, có cán bộ chuyên trách và bị giám sát rất chặt chẽ. Hiện với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc giám sát càng chặt chẽ hơn.

Để khuyến khích doanh nghiệp phát triển, cần giảm bớt các “chênh lệch” về điều kiện kinh doanh giữa doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể.

Tại cuộc gặp trước với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng đã nhắc đến việc không hình sự hóa các hoạt động kinh tế. Sau một năm nhìn lại ông thấy có những thay đổi như thế nào?

Tôi thấy các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ rất đúng và rất mừng vì điều này. Sau cuộc gặp với Thủ tướng, nhiều việc đã có sự tiến bộ nhất định. Tuy vậy, qua trình bày của các doanh nghiệp và các cuộc điều tra của VCCI, có thể thấy chi phí ngoài quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp vẫn tăng. Mật độ thanh, kiểm tra các doanh nghiệp vẫn rất nhiều. Nay sở đến thanh kiểm tra, hôm sau thấy quận xuống rồi cả phường cũng xuống “thăm hỏi vui vẻ”. Như vậy, doanh nghiệp phải tiếp, chi phí nhiều quá. Những cái này chưa đến mức hình sự hóa nhưng đây là một hình thức nhũng nhiễu ngoài pháp luật và chúng ta phải xử lý.

Chúng ta phải có quy định nghiêm về việc không được chồng chéo trong thanh, kiểm tra doanh nghiệp.

Đến nay, vẫn còn tình trạng chỉ sau khi doanh nghiệp lên tiếng nhiều lần, Chính phủ có chỉ đạo thì ở các cấp dưới mới vào cuộc giải quyết. Vậy cần làm gì để giải quyết tình trạng này?

Tôi rất hoan nghênh việc Thủ tướng sâu sát với các vấn đề của doanh nghiệp. Đây là việc chúng ta cần đánh giá cao, thể hiện sự tận tụy, gắn bó với người dân, doanh nghiệp. Chính nhờ có sự chỉ đạo của Thủ tướng mà vấn đề của quán cà phê Xin Chào được giải quyết nhanh.

Vấn đề cơ bản trong thời gian vừa qua là Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nhiều nhưng chuyển biến rất chậm. Những chuyển biến trong thực tế với doanh nghiệp vẫn còn rất xa so với chỉ đạo từ trên Chính phủ xuống. Hy vọng sau cuộc gặp với doanh nghiệp, chỉ đạo của Thủ tướng sẽ được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, có hiệu quả và tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ hơn.

Cảm ơn ông

Phạm Tuyên

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/kinh-te/ts-le-dang-doanh-can-xoa-noi-so-khong-dam-lon-cua-dn-viet-1150181.tpo