TS Cấn Văn Lực: Tỷ giá 2017 không mất quá 2%, lãi suất khó giảm

Áp lực lên tỷ giá là tương đối lớn nhưng vẫn hoàn toàn trong tầm kiểm soát của NHNN với các biện pháp đang được sử dụng như trấn an về mặt tâm lý, kiên định chống đô la hóa, phát hành tín phiếu NHNN để tăng tính hấp dẫn của VND và giảm hấp dẫn USD.

Trả lời phỏng vấn mới đây bên lề Diễn đàn Kinh tế 2017, đánh giá về ba biến số kinh tế lạm phát, lãi suất và tỷ giá trong năm 2017, TS. Cấn Văn Lực, Phó TGĐ, cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT BIDV, cho rằng mục tiêu lạm phát 5% trong năm 2017 có tính khả thi cao, lãi suất khó còn dư địa giảm còn tỷ giá sẽ tiếp tục phải đối diện với nhiều áp lực tương đối lớn.


TS Cấn Văn Lực - Phó TGĐ, cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT BIDV
Ảnh: Thanh Thủy

Theo ông Lực, kinh tế Việt Nam năm 2017 về cơ bản sẽ có chút thuận lợi hơn so với năm nay. Kinh tế thế giới dự kiến sẽ tăng trưởng tốt hơn. Giá cả hàng hóa trên thế giới cũng được dự báo tăng nhưng mức tăng không nhiều.

Điển hình như dầu thô, giá đạt bình quân 42-44 USD/thùng năm 2016 và dự kiến tăng lên khoảng 52-53 USD/thùng trong năm sau. Với mức tăng trên, lạm phát của thế giới vẫn khá thấp. Nhờ đó, các nước sẽ vẫn còn “room” để có thể thực hiện chính sách tiền tệ - tài khóa tương đối tích cực, kể cả nới lỏng.

Chỉ tiêu lạm phát của Việt Nam đặt ra ở mức 5% là phù hợp và nhiều khả năng đạt được. “Nhưng tất nhiên cần sự cố gắng và phối hợp chính sách”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Về lãi suất, biến số kinh tế này đã ở mặt bằng mới thấp hơn trong năm 2016. TS. Cấn Văn Lực cho rằng với tình hình lạm phát 5% so với năm trước và tiếp tục đặt mục tiêu duy trì mức lạm phát này trong năm tới, lãi suất của Việt Nam sẽ khó giảm thêm vì hiện mặt bằng lãi suất đã ở mức khá thấp (khoảng 6-10%/năm).

So với khu vực, lãi suất thực của Việt Nam thực tế không phải quá cao. Bên cạnh các nguyên nhân về lạm phát và rủi ro của Việt Nam cao hơn một số nước khiến phải chi lãi suất cao theo quy luật thì thị trường của Việt Nam chưa phát triển cũng là nguyên nhân khiến chi phí bị đẩy lên cao hơn ở cả phía ngân hàng, doanh nghiệp,…

Tỷ giá trong tháng 11/2016 biến động mạnh và có xu hướng tăng sau 10 tháng đầu năm ổn định. Đánh giá về diễn biến tỷ giá từ giờ đến cuối năm, ông Lực cho rằng tỷ giá còn một số áp lực dù vậy vẫn hoàn toàn trong tầm kiểm soát của NHNN.


Tỷ giá ổn định 10 tháng đầu năm nhưng biến động mạnh trong tháng 11
Nguồn: SSI Researach

Áp lực đối với tỷ giá USD đến từ khả năng Fed tăng lãi suất sau cuộc họp FOMC tổ chức 2 tuần tới (13-14/12/2016) đang khá cao. Chỉ số CME FedWatch Tool định giá Fed-funds futures có thời điểm cho rằng khả năng Fed sẽ tăng lãi suất đã lên tới gần 100%. Cùng đó, kinh tế Mỹ tiếp tục các nhà hoạt định, phân tích dự báo sẽ tăng trưởng tốt nhờ tác động của chính sách của Tổng thống mới đắc cử sẽ có hiệu ứng tích cực. Điều này được dự báo sẽ giúp đồng USD tiếp tục tăng giá và gây áp lực đến đồng tiền nhiều quốc gia trong khu vực.

Ông Lực cũng chỉ ra hiện đã có một số NHTW đang bắt đầu có chính sách điều chỉnh tỷ giá theo hướng không để mất giá quá nhiều. Bởi nợ công và nợ nước ngoài đều bị ảnh hưởng khi đồng nội tệ của quốc gia đó mất giá quá nhiều nên các quốc gia đều phải cân nhắc để đảm bảo cân bằng để vừa hỗ trợ xuất khẩu vừa cần tránh áp lực quá lớn lên nợ công.

Dù phải đối mặt với nhiều áp lực trong những ngày cuối năm này, nhưng theo nhận định của TS Cấn Văn Lực, tỷ giá vẫn hoàn toàn trong tầm kiểm soát của NHNN nhờ quan hệ cung cầu ngoại tệ đang được đảm bảo, dự trữ ngoại hối cùng các động thái trấn an về mặt tâm lý, kiên định chống đô la hóa, phát hành tín phiếu NHNN để tăng tính hấp dẫn của VND và giảm hấp dẫn USD.

Trong năm tới, theo ông Lực, tỷ giá sẽ tiếp tục chịu nhiều áp lực từ việc Fed dự kiến còn tiếp tục tăng lãi suất, đồng USD cũng được dự báo tiếp tục tăng giá sẽ tạo áp lực tỷ giá lên các đồng tiền trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Lực cũng chỉ ra chính sách tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm đã linh hoạt hơn. Cùng đó cung cầu ngoại tệ sẽ được đảm bảo từ nguồn cung xuất siêu (có thể vẫn giữ ở mức một vài tỷ USD trong năm tới) và giải ngân FDI, ODA và các nguồn vốn khác như du lịch, kiều hối dự báo vẫn tăng ở mức độ tốt cũng sẽ giúp đảm bảo cung cầu ngoại tệ. Với dự trữ ngoại hối trên 40 tỷ USD, NHNN hoàn toàn có thể kiểm soát tình hình tỷ giá năm tới.

TS Cấn Văn Lực nhận định dù tình hình kinh tế quốc tế còn nhiều biến động nhưng có thể đồng nội tệ năm tới sẽ không bị mất giá quá 2% nếu sử dụng các chính sách quản lý, kiểm soát hợp lý.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/ts-can-van-luc-ty-gia-2017-khong-giam-qua-2-lai-suat-kho-giam-20161204083150221p149c166.news