Truyền thông phòng chống HIV/AIDS tại khu công nghiệp ở Hải Dương: Nhiều bất cập

Hải Dương có 13 khu công nghiệp, với khoảng 77.000 công nhân. Tuy nhiên, công nhân làm việc tại đây vẫn chưa được tiếp cận nhiều với những kiến thức về phòng chống HIV/AIDS.

Hải Dương có 13 khu công nghiệp, với khoảng 77.000 công nhân. Tuy nhiên, công nhân làm việc tại đây vẫn chưa được tiếp cận nhiều với những kiến thức về phòng chống HIV/AIDS. Một trong những nguyên nhân là khó khăn trong việc tiếp cận và thiếu nhân lực làm công tác tuyên truyền.

Đã xuất hiện những mẫu HIV dương tính

Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Hải Dương đang tiếp nhận và điều trị cho 895 bệnh nhân, trong đó người nhiễm HIV chủ yếu là nhóm trong tuổi lao động từ 15-49 tuổi. Mặc dù chưa thống kê, nhưng đã xuất hiện người nhiễm trong nhóm dân di biến động ở công nhân tại các khu công nghiệp.

Tư vấn cho công nhân tại khu công nghiệp. Ảnh: T.H

Hai vợ chồng anh Phùng Danh T. (Tứ Kỳ, Hải Dương) bị nhiễm HIV từ năm 2006. Tuy nhiên, anh T. cho biết, vợ anh hiện vẫn làm công nhân tại khu công nghiệp. “Mình không biết là ở công ty mọi người có biết hay không? Nhưng vợ mình vẫn làm ở đây từ khi biết có bệnh”. BS. Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Hải Dương cho biết, đây có thể chỉ là một trong nhiều trường hợp công nhân khu công nghiệp được phát hiện nhiễm HIV nhưng lại giấu bệnh không cho công ty biết. Trong khi đó, Hải Dương có 13 khu công nghiệp, với khoảng 77.000 công nhân. Tuy nhiên, công nhân làm việc tại đây vẫn chưa được tiếp cận nhiều với những kiến thức về phòng chống HIV/AIDS. Một trong những nguyên nhân là khó khăn trong việc tiếp cận và thiếu nhân lực làm công tác tuyên truyền.

BS. Nguyễn Văn Hải cho biết, do đây là số dân di biến động, công nhân thay đổi liên tục nên việc truyền thông cho công nhân khu công nghiệp gặp khá nhiều khó khăn. Việc quản lý người lao động tại các khu công nghiệp còn nhiều bất cập làm gia tăng tỷ lệ di biến động của một bộ phận người lao động. Việc chuyển dịch cơ cấu lao động trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất làm gia tăng các vấn đề xã hội như: Mất trật tự an ninh xã hội, tình dục không an toàn làm gia tăng tỷ lệ nạo phá thai trước hôn nhân...

BS. Phạm Thị Huyền, Trạm trưởng Trạm y tế của Công ty Brother, Khu công nghiệp Phúc Điền (Hải Dương) cho biết, trạm y tế được thành lập từ năm 2009, có 8 người, trong đó có 1 bác sĩ, 1 dược sĩ và 5 điều dưỡng có nhiệm vụ khám, theo dõi bệnh cho hơn 7.000 công nhân trong Công ty Brother, trong đó có test nhanh phát hiện HIV. Tuy nhiên đến nay chưa phát hiện bệnh nhân HIV nào. Công tác phòng chống HIV/AIDS chủ yếu là truyền thông qua lồng ghép vào với phát thanh bệnh dịch theo hàng quý, phát tờ rơi, bản tin y tế, phòng chống các bệnh được treo ở bản tin y tế 3 tháng cập nhật một lần... Đại diện Công ty Brother cho biết, độ tuổi trung bình của công nhân ở đây là 18-35 tuổi, thường xuyên làm ca, có hơn 1.000 người có gia đình ở các tỉnh xa. Hiện tại, công ty có khu ký túc xá cho 2.500 công nhân nhưng mới chỉ có 1.500 công nhân ở. Còn lại là thuê nhà trọ bên ngoài với nhiều lý do. Chính vì thế, việc quản lý công nhân ngoài giờ là rất khó.

Thực tế cho thấy, việc thông tin về phòng chống HIV/AIDS đến với người lao động vẫn còn thiếu và yếu, do việc phối hợp giữa cơ quan và công nhân khu công nghiệp là rất ít. BS. Hải cho biết thêm, việc truyền thông gián tiếp bằng loa truyền thanh, phát tờ rơi về HIV/AIDS đều không được do nhiều nguyên nhân mà chủ yếu là lồng ghép truyền thông HIV vào các chương trình khác.

Làm gì để giảm thiểu lây nhiễm HIV cho công nhân tại khu công nghiệp?

BS. Nguyễn Văn Hải cho biết, thời gian tới Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hải Dương sẽ chú trọng thực hiện các giải pháp để giảm thiểu lây nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao trên địa bàn, tập trung hơn việc tuyên truyền giảm thiểu lây nhiễm HIV cho công nhân tại các khu công nghiệp. Do số lượng công nhân trên địa bàn tỉnh nhiều nên trung tâm đã có văn bản tham mưu với UBND tỉnh, đề xuất phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố Hải Dương, Đoàn Thanh niên... triển khai lồng ghép các buổi tuyên truyền giáo dục phòng, chống HIV/AIDS, sức khỏe sinh sản... cho công nhân để nâng cao kiến thức phòng tránh, bảo vệ sức khỏe cho công nhân. Bên cạnh đó, trung tâm cũng tập trung thực hiện các giải pháp để giảm thiểu lây nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao trên địa bàn. Hiện nay, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Hải Dương đang tạo điều kiện bố trí, cấp phát thuốc theo nhu cầu đăng ký của bệnh nhân, thậm chí cấp phát thuốc vào những ngày nghỉ để bệnh nhân có thể tiếp cận điều trị thường xuyên, liên tục và không lo ngại bị lộ danh tính, bị phân biệt đối xử, kỳ thị.

Việc tiếp cận để truyền thông về phòng chống HIV đối với người lao động trong các khu công nghiệp, chế xuất hiện là khó khăn chung của nhiều địa phương. Tuy nhiên, để hoạt động này đạt hiệu quả thì công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất cần có nhiều hơn nữa chính sách hỗ trợ để giảm rủi ro về lây nhiễm HIV, tạo môi trường làm việc ổn định, hài hòa cho người lao động. Đặc biệt, việc phòng chống HIV/AIDS tại nơi làm việc không những giúp các doanh nghiệp bảo vệ được người lao động mà còn giúp doanh nghiệp đứng vững và phát triển... Việc nâng cao nhận thức cho công nhân lao động tại nơi làm việc, nơi cư trú sẽ góp phần ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS trong cộng đồng.

Nguyễn Hạnh

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/truyen-thong-phong-chong-hiv-aids-tai-khu-cong-nghiep-o-hai-duong-nhieu-bat-cap-n125256.html