Truyện Kiều lại lên sân khấu kịch

Nhà hát Kịch Việt Nam công diễn vở 'Kiều', dựa theo tác phẩm 'Truyện Kiều' của đại thi hào Nguyễn Du

Hạ tuần tháng 11/2016, Nhà hát Kịch Việt Nam công diễn vở “Kiều”, dựa theo tác phẩm “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du. Với bàn tay đạo diễn của NSND Anh Tú, “Kiều” chứa nhiều lát cắt về nghệ thuật, hứa hẹn mang đến cho khán giả những cảm xúc mới khi xem vở diễn.

Một cảnh trong vở kịch "Kiều". Ảnh: NHKVN.

Vẹn nguyên giá trị thời đại

Tác phẩm "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du đã từng xuất hiện nhiều lần trong nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp như tuồng, chèo, cải lương, ca kịch, thanh xướng kịch, múa ba lê Thúy Kiều… Có cả kịch hình thể “Nguyễn Duy với Kiều” hay thử nghiệm Kiều với opera của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo… Đến nay, “Truyện Kiều” lại một lần nữa lên sân khấu, là sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam. Vở diễn mang tên “Kiều” là sự kết hợp của nhiều yếu tố từ kịch, ca, hình thể, hứa hẹn mang lại hơi thở nghệ thuật mới mẻ và thú vị.

NSND Anh Tú, đạo diễn vở kịch cho biết, vở diễn được nhà văn Nguyễn Hiếu chuyển thể từ tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du và được dàn dựng với nhiều lát cắt mới về nghệ thuật. Nghệ sĩ trẻ Diễm Hương (trong vai nàng Kiều) thổi hơi thở của thời đại vào nhân vật, khi Thúy Kiều cũng bị mê hoặc trước cái đẹp, mờ mắt trước những lời ngon tiếng ngọt. Xem kịch “Kiều”, mọi người được gặp nhân vật nàng Kiều không phải là một cô gái cam chịu, chấp nhận số phận, mà là người biết đấu tranh, có những lúc muốn bứt phá… Trong vở diễn, khán giả sẽ thấy nàng Kiều đau khổ, vùng vẫy trong xã hội phong kiến đầy đen tối…

Đạo diễn, NSND Anh Tú cho biết, tư tưởng dựng vở Kiều lần này của Nhà hát Kịch Việt Nam là phải giữ đúng nguyên tác, với bao nhiêu tang thương cho thân phận người thiếu nữ tài sắc. Nhưng ê kíp sáng tạo cũng không bê nguyên xi câu chuyện vào vở diễn theo kiểu tái hiện lại “Truyện Kiều”, mà chú trọng khai thác những giá trị nổi bật của tác phẩm. Trong đó, nhấn mạnh giá trị hiện thực trong tác phẩm, phê phán xã hội phong kiến bất công, tàn bạo, đồng thời phản ánh nỗi khổ đau, bất hạnh của con người, đặc biệt là người phụ nữ dưới chế độ phong kiến. Trong vở diễn này, bên cạnh việc ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, đạo diễn Anh Tú cũng chú trọng khai thác vẻ đẹp trong tâm hồn con người, vẻ đẹp của tài, sắc, của tình yêu, của lòng hiếu thảo, trái tim nhân hậu, đức tính vị tha, thủy chung, chí khí anh hùng… Đặc biệt, đạo diễn Anh Tú còn muốn khai thác sâu hơn vẻ đẹp, sự lương thiện trong tâm hồn mỗi nhân vật. Ngay cả đối với những nhân vật phản diện như Tú Bà, vẫn có những giây phút bị lương tâm cắn rứt, cho dù cuối cùng chút tính người ấy vẫn không chiến thắng được cám dỗ của đồng tiền, không vượt qua được cái ác.

Một trong những giá trị nổi bật, mang hơi thở thời đại, được NSND Anh Tú khai thác đưa vào vở kịch, là tính dự báo trong “Truyện Kiều”. Xem vở diễn này, khán giả nhận thấy một tiếng chuông cảnh báo, đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đó là khi nào quyền lực “bẩn”, đồng tiền “bẩn” và không chân chính lên ngôi, thì những giá trị về đạo đức, giá trị nhân văn sẽ bị đảo lộn, vùi dập.

Do thời lượng có hạn, nên vở diễn dừng lại ở trích đoạn Kiều nhảy sông Tiền Đường tự vẫn, sau gần 15 năm trôi dạt, mà không dựng phần cuối, là phần Kiều tái hồi Kim Trọng. “Rất có thể 5 hay 10 năm nữa, khi có điều kiện, tôi lại nghĩ đến chuyện dựng trường đoạn Kiều tái hồi Kim Trọng”, NSND Anh Tú chia sẻ.

Những thử nghiệm mới mẻ

Sau thành công của vở “Hamlet” năm 2015, năm 2016 này, Nhà hát Kịch Việt Nam có ý tưởng dàn dựng một tác phẩm của Việt Nam, chính vì vậy, Hội đồng nghệ thuật của nhà hát đã quyết định chọn tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du để đưa lên sân khấu kịch.

Đạo diễn, NSND Anh Tú, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam thừa nhận, đứng trước một tác phẩm đồ sộ, quá hay, quá quen thuộc với người Việt Nam, việc lựa chọn điểm nhấn nào, thông điệp gì để thể hiện cho vở diễn không bị loãng, không bị trở thành minh họa cho “Truyện Kiều” là điều vô cùng khó khăn, và áp lực rất lớn đối với đạo diễn cũng như ê kíp sáng tạo, dàn dựng. Nhưng NSND Anh Tú cũng cho rằng, nếu cứ thấy khó mà không làm, thấy áp lực mà không dám vượt qua thì làm sao có thể tiến xa được trên con đường nghệ thuật. Từ suy nghĩ ấy, anh cùng ê kíp dàn dựng đã mạnh dạn dựng và đưa “Kiều” lên sân khấu kịch với những thử nghiệm mới mẻ.

Trong vở kịch “Kiều”, ê kíp sáng tạo đã mạnh dạn đưa vào một số thử nghiệm mới, khi kết hợp những hình thức hát, múa xen lẫn, tạo thêm điểm nhấn trong những trường đoạn kịch tính cho vở diễn. Những câu Kiều “đắt” vốn đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí người Việt từ bao đời nay có khi được viết thành lời thoại, có lúc được ngâm, đôi khi lại thành ca từ réo rắt được nghệ sỹ thể hiện trên sân khấu. Nhạc sỹ Giáng Son được mời sáng tác ca khúc cho vở kịch, những tác phẩm âm nhạc dựa trên cơ sở âm nhạc dân gian Việt Nam, lời ca có khi mới mẻ, có khi dựa trên những câu Kiều kinh điển… khiến cho khán giả cảm thấy vừa gần gũi, những cũng vừa mới lạ.

Trong kịch “Kiều” lần này, đội ngũ sáng tạo đã khéo léo đưa những điệu múa cổ của người Việt như múa "Bài Bông" vào vở diễn. Các chi tiết trong trang phục cũng được thể hiện mang đậm nét văn hóa Việt. Sân khấu được tối giản, mạnh dạn bỏ đi những bục bệ thường thấy trong các vở kịch, thay vào đó, ê kíp sáng tạo đã chú trọng tới những đạo cụ độc đáo, như chiếc giá trống di động, có lúc được dùng làm ghế, khi làm xe ngựa… Xuyên suốt vở diễn, hình ảnh hoa sen được sử dụng trên sân khấu như hàm ý về cuộc đời một con người, từ lúc hé mở ban đầu, lúc sung mãn, lúc bung tỏa, lúc héo úa, tàn khô… nhưng vượt lên trên tất cả chính là sự dâng hiến cái đẹp, cái tinh túy nhất cho tình yêu, cho cuộc đời.

Có lẽ, có những thử nghiệm mới trong vở diễn chưa hẳn đã thuyết phục khán giả, nhưng với sự mạnh dạn đi tới, mạnh dạn khai phá, tìm tòi những giá trị trên con đường nghệ thuật của Nhà hát Kịch Việt Nam, hy vọng vở “Kiều” sẽ là một trong những tác phẩm thể nghiệm được yêu thích đối với công chúng yêu kịch Việt.

Phương Hà

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-hoa/truyen-kieu-lai-len-san-khau-kich-20161116165500617.htm