Truy tố lại, VKS có phải ra cáo trạng mới?

Đến nay chưa có văn bản nào hướng dẫn rằng VKS có được sử dụng cáo trạng cũ để truy tố nếu kết quả điều tra lại hay điều tra bổ sung không có gì khác hay không.

Sau khi tòa hủy án để điều tra lại hay trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nếu kết quả không có gì mới, VKS thường dùng cáo trạng cũ để truy tố. Mới đây một vụ tương tự đã bị tòa cấp trên “bắt giò”, cho rằng vi phạm tố tụng nghiêm trọng… Đầu tháng 9 vừa qua, TAND tỉnh Khánh Hòa đã xử phúc thẩm lần ba vụ tham ô xảy ra tại Phòng Địa chính TP Nha Trang. Trước đó, xử sơ thẩm lần ba, TAND TP Nha Trang đã phạt nguyên phó Phòng địa chính Nguyễn Thị Quỳnh Phương 12 tháng tù treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nguyên nhân viên Phòng địa chính Nguyễn Văn Thanh 16 tháng 11 ngày tù về tội tham ô tài sản. Truy tố bằng cáo trạng cũ, bị hủy án Tại phiên phúc thẩm đã xảy ra một tình huống khá lạ: Đại diện VKS tỉnh không tranh luận gì về nội dung mà chỉ đề nghị tòa hủy bản án sơ thẩm vì vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Theo đại diện VKS, sau khi tòa phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm lần hai để điều tra, xét xử lại từ đầu, đã có kết luận điều tra mới số 45 và kết luận điều tra bổ sung nhưng VKSND TP Nha Trang lại không truy tố bằng cáo trạng mới mà vẫn sử dụng lại bản cáo trạng cũ (số 8 ngày 8-1-2009). Mặt khác, VKSND TP Nha Trang cũng không tống đạt lại cáo trạng cho các bị cáo trước phiên sơ thẩm lần ba. Đồng tình, TAND tỉnh Khánh Hòa cũng nhận định cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Mặt khác, có một số tình tiết cấp sơ thẩm đã điều tra không đầy đủ, chưa làm rõ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được. Vì thế TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại từ đầu. Luật quy định sao? Trong vụ án trên, sở dĩ VKSND TP Nha Trang dùng cáo trạng cũ truy tố hai bị cáo vì kết quả điều tra lại không có gì mới và VKS vẫn giữ nguyên quan điểm buộc tội. Cạnh đó, VKS cũng không tống đạt cáo trạng bởi những người tham gia tố tụng vốn đã từng được tống đạt bản cáo trạng này trước phiên xử sơ thẩm lần hai rồi. Trong thực tiễn xét xử, nhiều tòa chấp nhận cho VKSND dùng cáo trạng cũ để truy tố nếu kết quả điều tra lại không có gì mới. Ảnh: HTD Điều đáng nói là trong thực tiễn xét xử hiện nay, rất nhiều tòa chấp nhận cho VKS dùng cáo trạng cũ để truy tố nếu kết quả điều tra lại không có gì mới và họ không xem đó là vi phạm tố tụng nghiêm trọng như trong vụ án trên. Chỉ cần trước đó VKS có văn bản thông báo với tòa rằng đã tiến hành điều tra lại từ đầu, thấy không có gì mới nên giữ nguyên quan điểm truy tố và cáo trạng cũ. Vậy luật quy định ra sao? Theo nhiều chuyên gia, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) chưa có quy định riêng điều chỉnh vấn đề này. Điều 252 BLTTHS (điều tra lại hoặc xét xử lại vụ án hình sự) chỉ quy định chung là sau khi tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại thì cơ quan điều tra tiến hành điều tra lại, VKS truy tố lại và tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại theo thủ tục chung. Cạnh đó, cho đến nay cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn là VKS có được sử dụng cáo trạng cũ để truy tố nếu kết quả điều tra lại không có gì khác hay không. Theo hướng nào? Đem vấn đề đi trao đổi với các chuyên gia, chúng tôi đã nhận được hai luồng quan điểm khác nhau. Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM), nếu hủy án để điều tra lại thì mọi vấn đề đều phải bắt đầu lại, nghĩa là phải điều tra lại từ đầu, truy tố lại từ đầu, xét xử lại từ đầu theo thủ tục chung. Do vậy, dù kết luận điều tra không có gì thay đổi nhưng cơ quan điều tra vẫn phải ra kết luận mới, VKS cũng phải ra cáo trạng truy tố mới. Đồng tình, luật sư Trịnh Thanh (Đoàn Luật sư TP.HCM) bổ sung thêm: Về nguyên lý, khi một bản án bị hủy thì cáo trạng truy tố cũng đương nhiên bị hủy theo nên không thể sử dụng để truy tố lại. VKS bắt buộc phải ra một cáo trạng mới với mốc thời gian mới để đảm bảo căn cứ pháp lý. Ngược lại, Thẩm phán Nguyễn Xuân Thủy (TAND tỉnh Đắk Lắk) và một thẩm phán TAND TP.HCM lại cho rằng VKS chỉ phải ra cáo trạng mới nếu kết quả điều tra lại có sự thay đổi. Còn nếu không có gì thay đổi, VKS chỉ cần gửi một công văn sang tòa thông báo là được sử dụng cáo trạng cũ để truy tố. Theo hai vị thẩm phán này, làm như vậy không sai và hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến nội dung vụ án. Cần hướng dẫn Hiện nay sau khi tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung, rất nhiều VKS cũng sử dụng cáo trạng cũ để truy tố nếu không đồng ý với quyết định của tòa hoặc kết quả điều tra bổ sung không có gì mới. Chuyện này mặc nhiên được các cơ quan tố tụng chấp nhận mà không coi đó là vi phạm tố tụng. Để việc áp dụng pháp luật được thống nhất, thiết nghĩ các cơ quan tố tụng trung ương cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể là trong trường hợp hủy án điều tra lại hay trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nếu kết quả không có gì mới thì VKS được sử dụng cáo trạng cũ hay phải ban hành cáo trạng mới. Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa Trái luật Về nguyên tắc, sau khi tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì vụ án được trở lại giai đoạn điều tra, truy tố. Vì vậy, dù kết quả điều tra bổ sung như thế nào thì VKS cũng phải ra quyết định truy tố bằng bản cáo trạng khác. Kể cả trường hợp sau khi tòa án trả hồ sơ, VKS không đồng ý với quyết định trả hồ sơ của tòa án thì VKS vẫn phải ra quyết định truy tố bằng một bản cáo trạng khác. Thực tiễn xét xử, một số VKS đã không ra quyết định truy tố bằng bản cáo trạng khác mà vẫn để bản cáo trạng cũ rồi làm công văn chuyển hồ sơ đến tòa án để thụ lý lại. Cách làm này là trái pháp luật! Ông ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao Để tiết kiệm Thông thường, mọi người có quan điểm nên truy tố bằng cáo trạng cũ để tiết kiệm thời gian cũng như kinh phí. Mặt khác, nếu một vụ án nội dung vẫn như cũ mà có hồ sơ quá nhiều cáo trạng cũng dẫn đến dễ bị lẫn lộn. Tôi nghĩ truy tố bằng cáo trạng cũ cũng không sao, chỉ cần VKS gửi một văn bản sang tòa thông báo rằng sau khi điều tra lại từ đầu, nhận thấy không có tình tiết nào mới cần bổ sung, thay đổi nên giữ nguyên quan điểm truy tố, giữ nguyên cáo trạng ra ngày bao nhiêu, số cụ thể và thời điểm năm nào là được. Dù luật không quy định rõ nhưng trên thực tế nếu giữ nguyên cáo trạng cũ cũng không vi phạm gì bởi nếu làm cáo trạng mới thì không cần thiết vì nội dung cũng vậy, không có gì thay đổi, chẳng qua chỉ là bước thủ tục. Kiểm sát viên cao cấp VÕ VĂN THÊM, Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao HỒNG HÀ - NHẤT NAM

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20110913112827388p0c1063/truy-to-lai-vks-co-phai-ra-cao-trang-moi.htm