Truy tìm nguyên nhân gây ô nhiễm kéo dài ở Đà Nẵng

Hàng loạt các điểm nóng ô nhiễm môi trường vẫn tồn tại nghiêm trọng, kéo dài nhiều năm. Ngoài những nguyên nhân khách quan, đã lộ diện sự tiêu cực của cán bộ quản lý ngành môi trường thành phố.

Tiêu chí xây dựng Đà Nẵng là đô thị môi trường đã được chính quyền hướng đến gần 10 năm nay. Hàng loạt các dự án với mức đầu tư, cả chục triệu USD để phát triển hệ thống thoát nước, xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải rắn... đã triển khai. Những đầu tư thích đáng ấy đã mang lại hiệu quả ban đầu - bằng chứng là liên tiếp nhiều năm TP được công nhận là đô thị môi trường của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Tuy vậy, hàng loạt các điểm nóng ô nhiễm vẫn tồn tại nghiêm trọng, kéo dài nhiều năm. Ngoài những nguyên nhân khách quan, đã lộ diện sự tiêu cực của cán bộ quản lý ngành môi trường TP... Bài 1: Từ điểm nóng “điển hình” Hiện tượng cá chết trắng trên sông Cầu Trắng, dân Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu đổ bệnh ghẻ lở, ô nhiễm kinh hoàng do chất thải công nghiệp từ các nhà máy sản xuất bao bì, giấy... ở KCN Hòa Khánh vừa xảy ra vào trung tuần tháng 5.2010 đã “hâm nóng” lại vấn nạn ô nhiễm môi trường tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, điểm nóng thực sự về ô nhiễm môi trường tại Đà Nẵng vẫn là âu thuyền, kiêm cảng cá, liền kề khu công nghiệp thủy sản Thọ Quang, quận Sơn Trà. Ô nhiễm chồng lên ô nhiễm Từ năm 2006, khi một số nhà máy (NM) chế biến thủy sản xuất khẩu, sản xuất thức ăn nuôi tôm đi vào hoạt động, người dân phường Nại Hiên Đông, Mân Thái, quận Sơn Trà đã phải khốn khổ với vấn nạn sống chung với ô nhiễm. Ít nhất 2 lần người dân phường Mân Thái tụ tập, đập phá tường rào nhà máy, buộc chính quyền phải tạm đình chỉ hoạt động của một Cty. Nhưng rồi, tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn khi đồng loạt 7 NM chế biến thủy sản khác được tập trung vào KCN thủy sản Thọ Quang từ năm 2007-2008. Hệ thống chất thải gần như chưa qua xử lý đã đổ thẳng ra âu thuyền, làm vùng sông nước vốn tù đọng này càng đặc quánh vì ô nhiễm. Hơn 200 hộ dân thuộc diện tái định cư, được bố trí vào Vũng Thùng đã từ chối nhận đất vì... không chịu nổi ô nhiễm. Trước thực trạng đó, UBND TP.Đà Nẵng đã đình chỉ hoạt động của 5 DN chế biến thủy sản tại KCN này, phạt hành chính từ 22-30 triệu đồng. Buộc các DN phải khắc phục hậu quả, hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường. Nước thải KCN thủy sản Thọ Quang chưa qua xử lý đã thải thẳng ra môi trường. ... chưa có điểm dừng Việc xử lý kiên quyết của chính quyền đã làm lắng dịu sự phẫn nộ của người dân, song thực trạng ô nhiễm tại Vũng Thùng không vì thế mà thuyên giảm. Cuối năm 2008, khi triển khai dự án nâng cấp, mở rộng đường Bạch Đằng, kéo theo cảng Thuận Phước- cảng đầu mối thủy sản của miền Trung- buộc phải giải tỏa. Và TP lại chọn đúng âu thuyền Thọ Quang để di dời cảng cá này đến. Vậy là điểm nóng ô nhiễm lại bùng phát. Có thời điểm, đo đạc, quan trắc và thử nghiệm của Sở TNMT cho thấy mức độ ô nhiễm tại đây rất nghiêm trọng. Trong đó, nồng độ BOD vượt 14-35 lần, COD vượt 10-58 lần, Coliforms vượt 128 đến 2.400 lần. Không chỉ môi trường nước mà không khí cả khu vực Vũng Thùng bị ô nhiễm rất nghiêm trọng. Đặc biệt, khi hàng loạt khu đô thị mới được hình thành, người dân xây dựng lấp kín, mật độ dân cư dày đặc thì tình trạng ô nhiễm càng nặng hơn. Cây cầu Thuận Phước-biểu tượng mới của Đà Nẵng-nằm trên con đường du lịch ven biển nối các quận Liên Chiểu-Thanh Khê, Hải Châu đến Sơn Trà vừa đưa vào hoạt động năm 2009, thu hút đông đảo du khách và người dân đến thưởng ngoạn. Nhưng mùi xú uế nồng nặc của khu vực âu thuyền-cảng cá và KCN thủy sản Thọ Quang đã làm... mất giá trị. Thực trạng ô nhiễm chỉ tạm lắng rồi bùng phát bởi đến nay vẫn chưa có xử lý dứt điểm tận gốc. Khi người dân "kêu", chính quyền lại kiểm tra, xử lý. Các DN tại KCN thuy sản Thọ Quang thì đổ lỗi hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, các cống thoát nước chưa khớp nối, hở nắp... Dịch vụ xử lý nước thải quá đắt đỏ. Trong khi đó, có quá nhiều nguyên nhân gây ra ô nhiễm tồn tại ở vị trí này. Vì vậy, Chính quyền TP lại nhân nhượng, bằng cách chi ngân sách để bù vào việc xử lý môi trường, tăng cường các đội công tác chuyên ngành để ứng phó, xử lý ô nhiễm môi trường. Nhưng sự nhân nhượng ấy đã bị chính cán bộ thuộc hạ-ngành quản lý môi trường "phản bội", rút ruột ngân sách tư túi, để mặc cho môi trường bị hủy hoại, mặc cho người dân bị ảnh hưởng...

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/truy-tim-nguyen-nhan-gay-o-nhiem-keo-dai-o-da-nang/20105/185923.laodong