Truy tìm “đầu nậu” phá nát rừng đặc dụng Phong Quang Phóng to Hình ảnh gỗ nghiến bị đốn hạ tại rừng đặc dụng Phong Quang (ảnh Vietnamplus).

Mỗi chiếc thớt nghiến khi được đưa sang cột mốc biên giới được trả tới hơn 1 triệu đồng. Một ngày, một người có thể vác tới hàng chục chiếc thớt.

Số tiền “khủng” này được một đầu nậu phía bên kia biên giới chi trả… Thông tin trên được một cửu vạn tiết lộ.

“Máu” rừng không ngừng chảy

Câu chuyện phá rừng từ lâu đã không còn mới, nhưng chưa bao giờ hết nóng, nhất là khi diện tích rừng đặc dụng ngày càng bị thu hẹp. Bên cạnh đó, sự lộng hành của lâm tặc lại càng trở nên trắng trợn và manh động hơn.

Theo số liệu thống kê, khi mới thành lập rừng đặc dụng Phong Quang – huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang có diện tích là 9.200ha. Sau đó được điều chỉnh và phân định ranh giới Việt Nam với Trung Quốc và mở rộng diện tích ở xã Minh Tân thêm 97,67ha. Tuy nhiên đến nay, rừng chỉ còn lại khoảng hơn 8.000 ha, được phân thành 2 phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và bảo vệ sinh thái. Mỗi phân khu có diện tích khoảng hơn 4.000 ha. Phần lớn, diện tích rừng nằm trên địa bàn 4 xã là Minh Tân, Thuận Hòa, Phong Quang, Thanh Thủy. Trong một vài năm gần đây, tình trạng rừng đặc dụng Phong Quang bị lâm tặc xẻ thịt nóng hơn bao giờ hết bởi ở đây còn rất nhiều cây gỗ nghiến cổ thụ. Gỗ nghiến được đốn hạ bằng cưa xăng, rồi được cắt thành khúc nhỏ, vận chuyển qua biên giới bằng người dân bản địa. Vấn đề này đã được báo chí phản ánh rất nhiều, nhưng dường như, câu chuyện này cho đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Hình ảnh gỗ nghiến bị đốn hạ tại rừng đặc dụng Phong Quang (ảnh Vietnamplus).

Tháng 6/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra quyết định đóng cửa rừng tự nhiên, nhưng trên thực tế, rừng đặc dụng Phong Quang vẫn đang bị “xẻ thịt” dần dần, cây gỗ nghiến cổ thụ vẫn ngày đêm đứng trước tình trạng bị đốn hạ bất cứ lúc nào.

Theo tìm hiểu của PV, tại khu vực Lũng Chuối thuộc địa bàn xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, đã có ít nhất 3 cây gỗ nghiến với đường kính lên đến 2m và khối lượng 20m3 vừa bị lâm tặc đốn hạ. Đây là những cây gỗ nghiến cổ thụ, có tuổi đời lên đến trăm năm. Những cây gỗ nghiến này đều nằm ở vị trí khoảnh 21, 22 thuộc tiểu khu 117 E. Tất cả những cây gỗ nghiến này đều vừa bị đốn hạ không lâu sau khi được kiểm lâm phát hiện. Những cây này đều còn xanh lá, phần thân bị xẻ ra thành nhiều miếng thớt to để dễ bề vận chuyển. Ở hiện trường còn vương vãi những vỏ bao thuốc, chai nước, hộp sữa và rất nhiều mùn cưa từ những cây gỗ này, chứng tỏ hành động của lâm tặc là có kế hoạch và được suy tính rất kĩ càng.

Được biết, tình trạng tàn phá rừng ở khu vực Lũng Chuối (Minh Tân, Vị Xuyên) đã diễn ra từ rất lâu, nhưng đến nay diễn biến ngày càng phức tạp và manh động hơn. Các đối tượng lâm tặc không khai thác vào ban ngày như trước, mà nay chủ yếu thực hiện vào ban đêm. Thậm chí bọn chúng còn sử dụng vũ khí nóng và lợi dụng cả người dân bản địa để trợ giúp chúng trong quá trình khai thác gỗ trái phép.

Mặc dù là rừng đặc dụng được bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao lâm tặc lại có thể vào rừng khai thác cây gỗ nghiến to lâu năm một cách dễ dàng như vào chỗ không người. Liệu có sự buông lỏng quản lý của ban quản lý rừng, chính quyền địa phương hoặc có mối quan hệ nào bất thường, mờ ám ở đây hay không?

“Lực bất tòng tâm”

Để làm rõ những uẩn khúc này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Lương Văn Đoàn, Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Không những thừa nhận thực trạng này, ông Đoàn còn bày tỏ quan điểm về sự bất lực của chính quyền địa phương trong vấn đề bảo vệ rừng.

Theo ông Đoàn, tình hình khai thác gỗ trái phép chỉ nóng lên một vài tháng cuối năm, khi phía Trung Quốc có nhu cầu thu mua gỗ ngược lại. Vào thời điểm này, bọn lâm tặc lợi dụng sự nhàn rỗi của bà con dân bản để thuê họ vận chuyển gỗ trái phép. Sau khi đốn hạ xong cây gỗ, bọn chúng sẽ sử dụng cưa xăng (cưa máy chạy bằng xăng) để cắt khúc các cây gỗ thành những miếng nhỏ, có hình dạng như cái thớt rồi thuê người vận chuyển sang bên kia biên giới. Những thớt gỗ này rộng khoảng 35 – 40cm, dày khoảng 22-25cm và có cân nặng 35kg, có giá khoảng hơn 1 triệu đồng.

“Những người vận chuyển vác thớt gỗ trên lưng, khi đến đoạn đường sang biên giới thì họ thả lăn sang, bên kia ắt có người trả tiền. Thông thường những miếng thớt gỗ có giá khoảng 1 triệu đồng. Bộ đội biên phòng bắt được rất nhiều vụ vận chuyển gỗ lậu, nhưng không thể xử lý một cách triệt để mà chỉ có thể tịch thu rồi buộc những người dân quay về”, ông Đoàn bày tỏ.

Ông Đoàn cũng cho biết: “Có ba điểm mốc mà dân hay đi sang biên giới là 270, 272, 264. Người dân chủ yếu đi gỗ vào ban đêm, khi bị lực lượng chức năng phát hiện, họ chống đối quyết liệt. Các lực lượng chức năng khi gặp những tình huống đó có xin phép nổ súng bắn chỉ thiên để cảnh cáo, nhưng chính quyền địa phương không cho phép mà buộc phải dùng các biện pháp nghiệp vụ khác để đấu tranh”.

Như vậy, theo ý kiến của Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên thì mặc dù chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng bảo vệ rừng đều nắm được những điểm mốc, là con đường người dân hay đi, thế nhưng việc ngăn chặn nạn khai thác và buôn lậu gỗ thì dường như bất lực, mặc dù đã có sự vào cuộc mạnh mẽ. Câu hỏi đặt ra là vì sự liều lĩnh của người dân, sự ngang ngược, lộng hành của lâm tặc mà khiến các cơ quan chức năng phải nhăn trán, bóp đầu liệu có thỏa đáng?

Trong câu chuyện về thực trạng khai thác, buôn lậu gỗ trái phép thì cưa xăng chính là một trong những thiết bị, dụng cụ khiến rừng đặc dụng Phong Quang bị tàn phá với tốc độ chóng mặt trong thời gian gần đây.

Được biết, đây là loại cưa máy chạy bằng xăng, là tài sản của người dân. Chỉ mất 30 phút cưa bằng cưa xăng là có thể đốn hạ một cây gỗ nghiến cổ thụ. Trao đổi về vấn đề này, ông Đoàn cho biết, trước đây chính quyền địa phương có kế hoạch quản lý cưa xăng của người dân, tức là nhà nào có cưa xăng thì mang ra chính quyền và nộp lại, lúc nào cần sử dụng thì báo cáo chính quyền địa phương. “Nhưng dân ở đây họ mang cưa cũ ra nộp, còn cưa mới thì cất để nhà dùng nên mãi mà không quản lý được. Hiện nay chính quyền địa phương áp dụng một chính sách mới, đó là vận động dân nộp cưa xăng, ai nộp thì sẽ được đền bù 1 triệu đồng, còn nếu không nộp thì chỉ cần cơ quan chức năng bắt gặp là sẽ tịch thu ngay”, ông Đoàn chia sẻ.

Bên cạnh đó, khó khăn trong công tác quản lý và bảo vệ rừng Phong Quang theo ông Đoàn còn cần hợp tác của phía bên nước bạn. Lý giải vấn đề này theo ông Đoàn, phía bên kia có một đầu nậu, chuyên thu mua thớt gỗ nghiến với giá cao, chính vì vậy, người dân và lâm tặc mới liều mạng để khai thác cây gỗ nghiến.

Câu chuyện khai thác, buôn lậu gỗ trái phép cùng sự giải thích của vị Chủ tịch huyện Vị Xuyên đã ít nhiều chứng tỏ sự bất lực của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đối với vấn đề này. Sự sống còn của cây gỗ nghiến cổ thụ ở rừng Phong Quang và câu chuyện khai thác rừng trái phép, có lẽ sẽ cần một lời giải thích thỏa đáng và có trách nhiệm hơn từ chính quyền.

PHẠM DƯƠNG

Xem thêm video:

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/truy-tim-dau-nau-pha-nat-rung-dac-dung-phong-quang-a170184.html