Truy nguồn gốc lá chắn tên lửa biển của Triều Tiên

Hệ thống phòng thủ bờ biển mới của Triều Tiên có thể bắt nguồn từ tên lửa chống hạm giống Kh-35 của Nga.

Tạp chí National Interest nhận định, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, phần lớn năng lực vũ khí thông thường của Triều Tiên đã trở nên lỗi thời. Những vũ khí chủ lực của Bình Nhưỡng như xe tăng, máy bay đều là những sản phẩm của thập niên 70-80, không còn đáp ứng được yêu cầu của chiến trường hiện đại.

Tuy nhiên, những năm gần đây, Triều Tiên bắt đầu đạt được những tiến bộ lớn trong việc phát triển các loại vũ khí hiện đại, trong đó, tên lửa chống hạm là một ví dụ. Đầu tháng 6, Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm hệ thống phóng thủ tên lửa mới.

Đây là vụ phóng tên lửa thứ 10 của Triều Tiên trong năm nay. Gần đây, Bình Nhưỡng có xu hướng bắn thử các loại vũ khí mới. Một số nhà phân tích nhận định, không loại trừ khả năng đây là vụ bắn thử tên lửa hành trình chống hạm vừa được công bố trong lễ diễu binh ngày 15/4 vừa qua.

 Hệ thống phòng thủ bờ biển KN-09 mới công bố hôm 15/4 của Triều Tiên. Ảnh: Bastion-karpenko.

Hệ thống phòng thủ bờ biển KN-09 mới công bố hôm 15/4 của Triều Tiên. Ảnh: Bastion-karpenko.

Trong đợt diễu binh kỷ niệm ngày sinh của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, Bình Nhưỡng đã công bố một loại tên lửa hành trình chống hạm mới được gọi là KN-09. Theo trang web North38, đã có một vài nhầm lẫn về phân loại của tên lửa này.

Hệ thống này từng được thử nghiệm trước đó nhưng nhiều nguồn tin mô tả là loại rocket phóng loạt, chứ không phải tên lửa hành trình chống hạm. Jeffrey Lewis, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Monterey, California nhận định, KN-09 có thể là phiên bản sử dụng trên đất liền của loại tên lửa chống hạm mà Triều Tiên từ thử nghiệm trong năm 2015.

“Nó trông giống hệt Kh-35 của Nga”, ông Lewis nhận xét. Tên lửa này có tầm bắn khoảng 130 km. Kh-35 có thiết kế và công nghệ dẫn đường khá giống tên lửa chống hạm Harpoon của Mỹ. Nó được đặt cho biệt danh “Harpoonski”.

Tên lửa chống hạm KN-09 rời bệ phóng. Ảnh: Military.com

Kh-35 được phát triển trước khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhưng tên lửa mới được đưa vào sử dụng trong Hải quân Nga từ năm 2003. Loại tên lửa giống Kh-35 được cho là xuất hiện tại Triều Tiên vào năm 2014, khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ phóng thử từ tàu chiến. Một vụ thử khác cũng được tiến hành trong năm 2015.

KN-09 được bố trí trên xe phóng cơ động bánh xích, mỗi xe phóng mang 4 đạn tên lửa. Vai trò của KN-09 có thể tương tự hệ thống phòng thủ bờ biển Bal-E của Nga được phát triển từ tên lửa chống hạm Kh-35.

Tuy nhiên, KN-09 sử dụng ống phóng khác và lớn hơn một chút so với Bal-E. Bộ tham mưu Liên quân Hàn Quốc (JSC) cho biết, vụ phóng thử đầu tháng 6, tên lửa đã bay được khoảng 200 km. Như vậy, Triều Tiên có thể đã nâng tầm bắn xa hơn so với phiên bản xuất khẩu của Kh-35.

Joseph S. Bermudez Jr, nhà phân tích nổi tiếng nhận định, năng lực công nghiệp tên lửa Triều Tiên có thể sao chép thành công Kh-35 và mở rộng tầm bắn. Phiên bản gốc của Kh-35 dùng trong quân đội Nga có tầm bắn 260 km, gấp đôi phiên bản xuất khẩu, Bình Nhưỡng có thể làm điều tương tự.

Quốc Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/truy-nguon-goc-la-chan-ten-lua-bien-cua-trieu-tien-889430.html