Trường Sa luôn in đậm trong trái tim người Hà Nội

Đã gần hai tháng trôi qua, kể từ ngày đoàn đại biểu thành phố Hà Nội đi thăm, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK 1, nhưng mỗi lần nói về chuyến đi này, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc (Trưởng đoàn công tác ra Trường Sa đợt ấy) vẫn không giấu được những cảm xúc tự hào. Chia sẻ với báo Lao động Thủ đô, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc luôn nhấn mạnh: “Trường Sa luôn in đậm trong trái tim người Hà Nội”.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận hoa chúc Đoàn công tác hải trình bình an từ Thiếu tướng Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội .

Những hoạt động đong đầy ý nghĩa

Hà Nội đã tổ chức nhiều đoàn ra Trường Sa nhưng có lẽ Đoàn công tác ra Trường Sa do Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc làm Trưởng đoàn là đoàn có quy mô lớn nhất từ trước tới thời điểm hiện tại. Số lượng thành viên tham gia đoàn lên tới 150 người, bao gồm đại diện lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ VN TP Hà Nội, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội Thành phố.

Trong đó lãnh đạo xã, phường, thị trấn chiếm tới 50% tổng số thành phần tham gia đoàn. Bên cạnh đó là đại biểu một số doanh nghiệp tiêu biểu, đại biểu HĐND Thành phố, đội văn nghệ xung kích và phóng viên báo, đài của Thành phố. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, sự phối hợp của Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, chuyến công tác Trường Sa của đoàn thành phố Hà Nội đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp.

Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, các hoạt động của đoàn đã đảm bảo đúng và vượt kế hoạch đề ra. Đặc biệt việc thăm và tặng quà của đoàn có nhiều đổi mới theo hướng xã hội hóa và tất cả quà tặng đều được chuyển đến tận tay chiến sỹ.

Xúc động lễ chào cờ trên đảo Trường Sa Lớn.

Trong chuyến đi, đoàn công tác đã tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, động viên, tặng quà quân, dân huyện đảo Trường Sa và nhà dàn DK1, Lữ đoàn tàu ngầm 189, Tàu ngầm 182 (Hà Nội), 4 tàu trực sẵn sàng chiến đấu, 3 trạm Hải đăng.

Đoàn cũng đã dự lễ khởi công công trình nhà văn hóa đa năng tại đảo Len Đao, dự lễ khánh thành nhà văn hóa đa năng trên đảo Tiên nữ (trong đó có 2 công trình do thành phố Hà Nội ủng hộ kinh phí đầu tư).

Cụ thể, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đầu tư xây dựng công trình nhà văn hóa đa năng tại đảo Len Đao trị giá 37 tỷ đồng; Tặng “Quỹ vì Trường Sa thân yêu” 1,5 tỷ đồng, trong đó tặng trực tiếp quân chủng Hải quân 1 tỷ đồng; Tặng thuốc chữa trị thông thường trị giá 230 triệu đồng. Tặng tủ cấp đông, máy tính, quạt tích điện và các nhu yếu phẩm khác tổng trị giá trên 3 tỷ đồng.

Ngoài ra đoàn còn tặng trên 1.000 kg quà các loại là đặc sản Hà Nội, trên 2.000 thẻ Viettel cho tập thể, cán bộ, chiến sĩ các điểm đảo, nhà giàn, nhà đèn, tổng trị giá gần 1,5 tỷ đồng. Giá trị quà tặng ngoài từ nguồn ngân sách Thành phố, đoàn đã kêu gọi xã hội hóa được hơn 3 tỷ đồng, gồm 2,8 tỷ tiền mặt và hơn 2 tấn hàng hóa trị giá khoảng 500 triệu đồng. Tất cả quà tặng đều được chuyển đến tận tay các chiến sĩ.

Ngay khi đặt chân đến các đảo Trường Sa, đ/c Nguyễn Thị Bích Ngọc cùng đoàn đã có những hoạt động rất ý nghĩa

Bên cạnh đó, đoàn đã thăm hỏi, tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt, công tác của cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên các đảo, nhà giàn DK1 của huyện đảo Trường Sa. Đoàn đã tổ chức nhiều buổi biểu diễn giao lưu văn nghệ tại các điểm đảo, nhà giàn, tàu trực SSCĐ.

Những buổi biểu diễn văn nghệ với những lời ca, tiếng hát hào hùng, tha thiết như sợi dây kéo tình cảm giữa đất liền và đảo xa, giữa Thủ đô Hà Nội và Trường Sa thêm gần gũi, không còn khoảng cách, đã để lại ấn tượng rất tốt đẹp đối với quân, dân trên huyện đảo.

Đoàn cũng đã đăng ký giao ước thi đua, thắt chặt tình đoàn kết với các đơn vị. Đặc biệt đoàn đã phát động cuộc thi viết, sáng tác thơ ca, nghệ thuật với chủ đề “Hà Nội vì Trường Sa” với 5 hình thức: Hội họa, phóng sự ảnh, sáng tác nhạc, phóng sự, ký sự và mỹ thuật. Cuộc thi nhanh chóng được đông đảo các thành viên trong đoàn và các chiến sĩ hưởng ứng, tạo nên không khí rất sôi nổi, gắn kết các thành viên trong đoàn với các chiến sĩ, gắn kết Hà Nội với Trường Sa.

Kết quả, Ban tổ chức đã trao 64 giải thưởng nhất, nhì, ba và khuyến khích cho các tập thể và cá nhân có tác phẩm, bài viết hay ca ngợi về biển đảo Việt Nam và tình cảm đối với trường Sa thân yêu.

Những tình cảm, dấu ấn khó phai mờ

Chia sẻ với báo Lao động Thủ đô, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, đối với bà chuyến đi lần này vô cùng đặc biệt. Giữa biển cả mênh mông, nơi chỉ có những con sóng bạc đầu, gặp những người lính đảo ngày đêm hướng về đất liền, bà và các thành viên trong đoàn đã có rất nhiều cảm xúc.

Đoàn Hà Nội đi vào cuối tháng tư, với miền Bắc chưa phải là đỉnh điểm của nắng nóng, nhưng giữa bao la biển khơi, cái nắng chớm hè cũng đã rất dữ dội. Vượt qua hải trình hàng trăm hải lý, một số thành viên của đoàn chìm vào những cơn say sóng kinh khủng, nhưng rồi đoàn cũng đã tận mắt nhìn ngắm, tận tay chạm vào đất, hít thở vị nồng ngái đậm mùi biển cả của vùng đảo thiêng liêng.

Đ/c Nguyễn Thị Bích Ngọc ân cần thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/8

Trong hải trình 10 ngày ra thăm đảo, đoàn đại biểu thành phố Hà Nội đã dừng chân ở nhiều điểm, như nhà dàn DK1, đảo Cô Lin, Sinh Tồn, Đá Đông, Trường Sa lớn… Dù đã trở về thành phố, liên miên với bộn bề công việc nhưng Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc vẫn nhớ như in những hình ảnh không thể nào quên tại mỗi điểm dừng chân, mỗi khi gặp gỡ, giao lưu với các chiến sĩ và nhân dân sinh sống trên đảo.

Trong các cuộc giao lưu văn nghệ, các thành viên trong đoàn và các chiến sĩ cùng hòa giọng hát vang những giai điệu thấm đẫm khí phách hào hùng của Tổ quốc, chan chứa tình yêu thương. “Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình/ Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá/ Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả/ Nơi bão tố dập dồn, chăng lưới, bủa vây…. Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi/ Mấy ngàn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ/ Ngọn đuốc Hòa bình, bao người đã ngã/ Máu của người nhuộm mặn sóng biển Đông…” Những giai điệu tự hào vẽ lên hình hài Tổ quốc, thôi thúc tinh thần quật khởi và tình yêu dân tộc.

Tình cảm đong đầy trong những cái bắt tay, cái ôm thật chặt

Khi thăm và tặng quà nhân dân sống trên đảo, các cháu nhỏ dường như không biết lạ, quấn quít kể cho đoàn công tác nghe những câu chuyện về cuộc sống mộc mạc của các bé trên đảo. Cuộc sống ở đảo không ồn ào, đông đúc náo nhiệt như ở đất liền, không tiện nghi, hiện đại, không nhà kính, ô tô, điều hòa… Nhưng cái chân thật, cái đẹp và niềm hạnh phúc không vì thế mà thiếu vắng.

Hạnh phúc bắt gặp ở đây ở cái bắt tay rất chặt, là nụ cười tỏa nắng, là nếp sống bình dị. Những tiếng cười, giọng nói, cái bắt tay, đôi câu trò chuyện nếu ở đất liền chỉ là điều giản dị đời thường, nhưng giữa đảo xa lại là niềm hạnh phúc, khát khao. Giữa dài rộng vô tận của biển cả mới cảm nhận được cái quý giá của giọng nói, tiếng cười, sự trân quý của những lời động viên chia sẻ.

Hồi tưởng lại những ngày đáng nhớ đó, Chủ tịch HĐND Thành phố vẫn như thấy hiển hiện rõ nét hình ảnh những chiến sĩ giản dị, mạnh mẽ triển khai những công việc rất thường nhật nhưng lại mang dấu ấn chủ quyền biển đảo. Đó là việc các chiến sĩ trẻ chăm tưới vườn rau, chăn nuôi gia súc, gia cầm, quét dọn sân nhà… Đó là hình ảnh các chiến sĩ tập trận, thay ca đổi gác với kỷ luật quân đội nghiêm minh. Những người lính và nhân dân sinh sống trên đảo chính là minh chứng rõ nét nhất vùng trời này, thềm lục địa này là của Việt Nam.

Mầm xanh nơi đầu sóng ngọn gió.

Trong câu chuyện Chủ tịch HĐND Thành phố chia sẻ, chúng tôi cảm nhận bà rất ấn tượng đối với thời khắc đoàn cùng lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân và các đơn vị dự lễ chào cờ trên đảo. Khi lá cờ đỏ được kéo lên tung bay trước gió, nổi bật trên nền trời bao la xanh thẳm, khi giai điệu quốc ca trầm hùng vang lên, tình yêu Tổ quốc dường như nhân lên gấp bội trong sâu thẳm mỗi người.

Với Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc, bà đã từng dự rất nhiều lễ chào cờ, nhưng khi nói về lễ chào cờ ở Trường Sa - nghi lễ chào cờ được tổ chức tại cột mốc chủ quyền nơi biển đảo xa xôi, ánh mắt bà dường như bừng sáng hơn. Bà bảo: Dự nghi lễ chào cờ ở Trường Sa thấy Tổ quốc ta thật vĩ đại, nhân dân ta thật anh hùng. Trong mỗi người đều tự thôi thúc muốn nâng cao hơn tinh thần trách nhiệm với xã hội, Tổ quốc và nhân dân, hơn bao giờ hết mong muốn được chung tay gìn giữ, bảo vệ biển đảo quê hương, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của dân tộc.

Các chiến sĩ say sưa đọc báo

Ngoài nghi thức chào cờ, đoàn công tác còn dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại khu vực đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988, các chiến sĩ đã hy sinh trên vùng biển Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Một không khí thành kính thiêng liêng và vô cùng xúc động bao trùm khi đoàn lắng nghe diễn văn tưởng niệm.

“Chúng tôi thành kính nghiêng mình, nhiều người trong đoàn mắt rưng rưng lệ thể hiện lòng biết ơn người đi trước, biết ơn Đảng, Bác Hồ, sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ. Tiếc thương các anh vô cùng. Đau đớn vô cùng. Nhưng cũng tự hào vì các anh. Các anh ở đây, hòa mình vào biển khơi muôn trùng sóng, tưởng cô đơn mà không cô đơn, bởi 90 triệu con dân đất Việt trong đất liền luôn hướng về các anh” – Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc cảm động nói.

Thêm trách nhiệm, thêm mong mỏi được cống hiến

Chuyến công tác của đoàn Hà Nội đã kết thúc, mỗi thành viên của đoàn đã trở lại vị trí làm việc với bộn bề công việc. Được tận mắt chứng kiến sự gian nan vất vả, khí phách kiên cường bất khuất của quân và dân huyện đảo Trường Sa, các thành viên trong đoàn đều tự rút ra nhiều nhận thức về chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Tình cảm của người dân Thủ đô đã được đoàn chuyển đến tận tay chiến sỹ bằng những món quà ý nghĩa

Đặc biệt là đối với các thành viên là lãnh đạo các địa phương. Từ nhận thức này chắc chắn họ sẽ nâng cao trách nhiệm của mình trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo những công tác tiếp theo trong thời gian tới của họ.

Chuyến công tác cũng để lại nhiều tình cảm tốt đẹp của đoàn thành phố Hà Nội đối với quân, dân huyện đảo Trường Sa và cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1, góp phần tăng thêm tình cảm gắn bó giữa Hà Nội và Trường Sa.

Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc tâm sự: “Trở về sau chuyến công tác, các thành viên trong đoàn lại bắt tay ngay vào công việc thường nhật, nhưng tôi tin rằng sau chuyến công tác này tất cả chúng tôi càng thêm yêu đất nước, Tổ quốc mình và vì thế sẽ luôn tự phấn đấu làm việc nhiều hơn, tốt hơn, trách nhiệm hơn nữa để xứng đáng với những hy sinh thầm lặng của những chiến sỹ nơi đảo xa, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Chủ tịch cũng cho biết thêm, thời gian tới, Hà Nội sẽ tăng cường làm tốt hơn nữa công tác vận động, kêu gọi các tổ chức và các cá nhân tham gia ủng hộ, giúp đỡ quân và dân trên các đảo thuộc huyện đảo trường Sa và nhà giàn DK1, góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, kịp thời động viên cán bộ chiến sĩ yên tâm công tác, vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội đi thăm, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa

Bên cạnh việc hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình, thành phố sẽ kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ để thiết lập và chuyển giao công nghệ, duy trì bảo dưỡng các công trình phục vụ các chiến sĩ như cung cấp rau quả, nước sạch, điện sinh hoạt… Thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tổ chức các đoàn đại diện các tầng lớp nhân dân Thủ đô đi thăm, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa, nhà giàn DK1.

Đồng thời chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí của Thành phố làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển đảo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trường Sa mãi trong trái tim của 9 triệu quân và dân Hà Nội.

Chia tay Chủ tịch HĐND Thành phố, chúng tôi ra về trong tâm trạng bồi hồi khó tả. Có lẽ những câu chuyện thấm đẫm tình người, tràn đầy lòng tự hào dân tộc mà bà chia sẻ cũng tiếp thêm sức mạnh, niềm tin và mong mỏi được cống hiến của chúng tôi.

Với một lòng nhiệt huyết, tình cảm vô bờ dành cho đất nước và Thành phố, dành cho Trường Sa, chúng tôi tin tưởng bà và các đồng chí lãnh đạo Thành phố, các cộng sự sẽ lãnh đạo chỉ đạo Thành phố ngày càng phát triển, để góp phần xây dựng và bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, ngay giữa lòng Thủ đô.

Bên chúng tôi chợt văng vẳng câu hát: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi rằng ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay?”.

Lê Thị Bích Ngọc

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/truong-sa-luon-in-dam-trong-trai-tim-nguoi-ha-noi-55083.html