Trường Sa có đảo Phan Vinh

Đột ngột, sừng sững nhô lên giữa trùng khơi những cột mốc chủ quyền biển đảo Việt, trong chuỗi đảo chìm nổi Trường Sa có một hòn đảo nhỏ mang tên Phan Vinh.

Đổ bộ lên đảo Phan Vinh.

... Thời điểm chúng tôi đến đảo Phan Vinh, đại tá Phạm Ngọc Chấn, Chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân nay mang hàm tướng đã lâu. Trên hải trình của con tàu HQ-996 ấy đại tá kể cho chúng tôi sự tích trong hàng ngàn hòn đảo chủ quyền Việt Nam duy nhất có hòn đảo được mang tên một người anh hùng.

Cột mốc Chủ quyền

Đó là Nguyễn Phan Vinh, chàng trai quê ở Điện Bàn, Quảng Nam. Phan Vinh theo cách mạng đánh giặc từ năm 13 tuổi, trưởng thành từ vùng địch hậu nổi tiếng. Anh tập kết ra Bắc vào bộ đội Hải quân. Đường Hồ Chí Minh trên biển với những con tàu Không số huyền thoại tiếp tế chi viện cho chiến trường đã lựa chọn những chiến sĩ quê miền Nam ưu tú nhất trong đó có Phan Vinh. Chàng trai quê Điện Bàn cùng đồng đội đã dũng cảm mưu trí nhiều lần đưa những chuyến tàu chở vũ khí vào miền Nam yêu dấu.

Quà đất liền tặng đảo

Chuyến tàu vận chuyển vũ khí mang số C235 do anh Phan Vinh chỉ huy đi bến Hòn Hèo, Hòn Khói, Khánh Hòa, đúng dịp tổng tấn công Mậu Thân. 22 giờ đêm 27/2/1968 anh Vinh quyết định từ ngoài khơi xa cho tàu mở hết tốc lực tiến thẳng vào hải phận miền Nam. 23 giờ thì bắt được đảo Hòn Tre. Thấy rõ 12 tàu địch giăng thành hai tuyến trong và ngoài. Nhìn thấy cả đèn điện thành phố Nha Trang sáng trưng. Anh Vinh cho tàu lách qua hàng tàu địch ngăn chặn, đâm vào bến. Rất đúng bến Hòn Hèo. Mười hai giờ khuya, tàu C235 bắt đầu thả hàng. Thả được tất cả 30 tấn, phần lớn là súng và đạn B40, B41.

Nhưng tình thế hiểm nguy. Tàu C235 lọt trong vòng vây dày đặc của kẻ thù. Sau khi thả hàng xuống bãi đúng quy định để anh em du kích mò vớt họ đối mặt với từng trận mưa đạn tới tấp bắn thẳng vào tàu. Phương án đánh đắm tàu được đưa ra. Nhiều thành viên tàu hy sinh. Số còn lại rời tàu. Cuộc chiến đấu không cân sức trên núi Hòn Hèo bắt đầu từ 6 giờ sáng diễn ra vô cùng ác liệt…

Khách tham quan Phòng truyền thống.

Sau này anh em du kích địa phương đã tìm thấy, quanh chỗ anh Vinh nằm rất nhiều dấu vết bông băng đỏ thấm máu khô. Nhìn tư thế anh Vinh hy sinh, có thể đoán ra anh đã chiến đấu đến giọt máu cuối cùng…

Trận ấy, tàu C235 hy sinh 14 người và bị địch bắt một. Chỗ anh Vinh nằm, trên đồi cao, nhìn thẳng ra biển Đông.

Sau này người lính Hải quân dũng cảm Nguyễn Phan Vinh đã được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT.

Mười năm sau, năm 1978, trong những ngày xanh hòa bình, biển đảo Việt Nam, đặc biệt là chủ quyền các đảo của quần đảo Trường Sa bị đe dọa- đại tá Phạm Văn Chấn tiếp tục câu chuyện:

Đầu năm 1978, tình hình ở khu vực quần đảo Trường Sa diễn biến phức tạp. Âm mưu của nhiều nước lăm le chiếm cứ một số đảo trong đó có đảo Hòn Sập mang tên đảo Phan Vinh sau này.

Quân chủng Hải quân, đặc biệt với sự tinh nhạy quyết đoán của Tư lệnh Đô đốc Giáp Văn Cương đã quyết định nhanh chóng việc tổ chức lực lượng đóng giữ các đảo Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông, Hòn Sập, An Bang. Ngày 30/3/1978, một phân đội gồm 31 chiến sĩ của trung đoàn 146, Vùng 4 Hải quân do Thiếu úy Vũ Xuân Hà chỉ huy, có Trung đoàn trưởng Cao Ánh Đăng đi cùng trên tàu 680 thuộc Đoàn 128 đã ra đóng giữ đảo Hòn Sập. Cũng chính thời điểm này, để tôn vinh chiến công của người anh hùng Nguyễn Phan Vinh và phát huy truyền thống vẻ vang của những chiến sĩ trên mặt trận đường Hồ Chí Minh trên biển, Quân chủng Hải quân quyết định đặt tên cho đảo Hòn Sập là đảo Phan Vinh.

Những chú chó, người bạn thân gần của lính trên đảo.

Buổi sáng ở góc đảo Phan Vinh

Tôi đang đứng bên tấm bia chủ quyền đảo Phan Vinh thuộc thị trấn Trường Sa huyện Trường Sa của tỉnh Khánh Hòa.

Chân đặt trên lớp cát mịn màng của đảo, lòng rưng rưng cảm phục công sức cùng lòng quả cảm của bao lớp cán bộ chiến sĩ Hải quân Việt Nam từ năm 1978 đến nay đã chắc tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền của hòn đảo mang tên người anh hùng Phan Vinh. Đã chắc tay súng, lại thêm vững tay dựng xây nữa. Bên cạnh điểm đảo Phan Vinh A, có thêm đảo Phan Vinh B, cách đảo Phan Vinh A gần 5 hải lý về phía Tây.

… Những hộp xà phòng thơm đặt ngay ngắn trên từng cái khay chỗ vừa đón khách dưới tàu lên gợi cảm giác là lạ. Quý khách tất nhiên. Nhưng đời sống lính đảo không còn gian nan như nhiều năm trước.

Chiến sĩ đảo Phan Vinh

Phòng truyền thống đặt trong câu lạc bộ của đảo có một góc nổi bật cung cách trình bày thông tin về huyền thoại Tàu Không Số 235 và hòn đảo này mang tên Phan Vinh như thế nào… Toát lên vẻ trịnh trọng, thiêng liêng hơi hướng của gia phả nhà, của địa linh đảo.

Hỏi chuyện bất kỳ cán bộ chiến sĩ nào, họ đều làu thông tộc phả gia phả truyền thống Phan Vinh! Thoáng chút tự dưng xấu hổ bởi mình trước khi lên đảo chỉ mới láng máng?

Trang trọng là bàn thờ Bác tuy giản dị nhưng nghiêm cẩn ở câu lạc bộ và cả nơi sinh hoạt của anh em cán bộ chiến sĩ. Có hình của tướng Giáp tươi tắn, oai phong.

Một câu khẩu hiệu ấn tượng Cảnh giác phát hiện. Lấy tĩnh chế động.

Trên đầu hoặc góc giường của lính thoáng những khung kính lấp lánh ảnh của người thân. Mà vợ con, người yêu của họ hết thảy đều tươi tắn xinh đẹp.

Ấn tượng nhất là hai chữ nổi bật chỗ chứa nước ngọt của đảo. Đó là chữ máu-nước. Để ấn tượng thêm những vị trí rau tăng gia mởn xanh trên đảo. Chỗ thì vườn nơi thì chênh vênh thèo đảnh sát mép nước mặn.

Vườn rau Thanh niên

Không kịp kê biên. Nhưng độc đáo số lượng chó, con vật thân gần, trung thành nhiều gấp 2 lần cư dân đảo. Đảo nào ở Trường Sa cũng có. Có đảo nhan nhản. Để vui đảo vui nhà. Để cải thiện. Đảo Phan Vinh còn cất công đổi, chuyển đi các đảo khác sợ cùng huyết thống, giống cẩu thoái hóa nhanh.

Văn công đến đảo

Lâu lắm mới hồi lại cảm giác hồi hộp. Hao hao như anh lính dự trận. Được dự một buổi tập trận giả định trên đảo.

Lực lượng địch sử dụng đổ bộ đánh chiếm đảo… Đội hình tiến công gồm… Biệt kích người nhái trang bị gọn nhẹ dùng thuyền đánh cá áp sát đảo. Thời tiết xấu để tiếp cận đảo hoặc xuồng cao tốc cơ động đánh chiếm đảo

Hướng tiến công chủ yếu Tây bắc đảo Tây nam đảo… Mục tiêu tấn công nhà đảo N1…

Phan Vinh cũng như hầu hết các đảo của Trường Sa, bây giờ đã có hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời. Chưa phải là dư dả nhưng điện có thể xài dài dài cả ngày lẫn đêm. Đó là kết quả của phong trào hướng về biển đảo mà cụ thể là do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động phong trào Chiếu sáng Trường Sa. Tại đảo Phan Vinh, tôi gặp một tốp cán bộ kỹ thuật của Công ty Mặt trời Bách Khoa từ đất liền ra đang lắp đặt thêm các thiết bị trong hệ thống chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời ấy. Trước đây khi chưa có hệ thống này, tại nhiều đảo nổi đảo chìm để có đèn đọc sách báo hoặc chống nóng, anh em có sáng kiến dùng tụ điện làm nguồn ắc quy. Dùng vỏ lon đồ hộp cắt ra làm cánh quạt. Tổ chức Đoàn của đảo đã từng phát động một giải thưởng mang tên Phan Vinh để đặt tên cho những sáng chế nho nhỏ nhưng mang lại tiện ích lớn như thế.

Điện mặt trời ở đảo Phan Vinh

Ấn tượng lâu hơn với cái bảng in vi tính Chế độ tài chính đảo Trường Sa hiện hành (căn cứ vào thông tư số 166/2007NĐCP) treo trang trọng trong vị trí phòng họp đảo Phan Vinh. Trên tờ ấy tiêu chuẩn từ sĩ quan cấp tá nghĩa là từ anh đảo trưởng, sĩ quan chuyên nghiệp, sĩ quan có số đến anh binh nhì nghĩa vụ đuợc những gì. Lương và phụ cấp các khoản... Tất tật đều công khai. Bên cạnh là bảng thông báo tài chính của Lữ đoàn. Tiêu chuẩn quân trang quân lương. Tiêu chuẩn nhu yếu phẩm tiêu chuẩn bồi dưỡng chiến đấu. Chế độ tài chính đảo Trường Sa hiện hành. Chế độ tiền lương, chế độ trợ cấp hưởng lương và 7 mức phụ cấp. Rồi tiền ăn đảo Trường Sa… Tiền căng tin nhu yếu phẩm. Tiền bồi dưỡng sau chiến đấu. Lại có cả mục tiền ăn lễ tết trong đó bánh chưng Tết là 3 cái/ người. Cả tiêu chuẩn ngày Giỗ Tổ Hùng Vương…

Thông tin về huyền thoại Tàu Không Số 235 và tên đảo Phan Vinh luôn hiện diện ở Phòng Truyền thống đảo.

Lúc đầu ngó tấm bảng, tôi cứ băn khoăn xen chút lẩn thẩn, treo như thế, công khai như thế để làm gì? Những chiến sĩ giữ đảo ngày đêm đối diện với trời với nước với những toan tính thù địch khi vô hình khi hữu hình bằng những vòng lượn của các con tàu lạ đầy tham vọng đang lởn vởn quấy rối ngoài kia… Vậy thì bày ra làm chi những con số mang tính thiệt hơn như thế?

Nhưng những ngày ở Phan Vinh và nhiều đảo khác, tôi chợt hiểu ra sự công khai minh bạch với người lính vùng biên viễn này là cực kỳ quan trọng! Mỗi người phải biết chức phận của mình, sau nữa là nhiệm vụ cụ thể của mình là gì... Khó có cái gì bưng bít họ được! Người lính đảo nơi tít mù khơi xa này dường như đang năng động hội nhập và không thể tách rời với xã hội dân sự hiện đại? Hội đồng quân nhân, một hình thức dân chủ, công đoàn trong LLVT là khái niệm. Nhưng những tấm bảng cụ thể kia là biểu hiện là chi tiết sinh động cho khái niệm ấy!

Xuân Ba

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/truong-sa-co-dao-phan-vinh-1171464.tpo