Trưởng nhóm startup cần có tầm nhìn và khả năng kết nối

Người lãnh đạo một nhóm khởi nghiệp không phải là người giỏi chuyên môn, mà là người có tầm nhìn lớn và có khả năng gắn kết tất cả các thành viên trong nhóm.

Ý kiến trên đã được chuyên gia và các khách mời tham dự đúc kết tại Hội thảo “Nhân sự trong khởi nghiệp, làm sao để xây dựng nhóm nòng cốt” do Cộng đồng Angel 4 US tổ chức tại Saigon Innovation Hub, thuộc trung tâm tiết kiệm năng lượng (Sở khoa học và công nghệ TP.HCM).

Ông Phan Đình Tuấn Anh, sáng lập Angel 4 US gợi mở bốn vấn đề quan trọng trong tổ chức hoạt động của một nhóm khi khởi nghiệp gồm: Số lượng người trong nhóm khoảng bao nhiêu?; Các thành viên nhóm có kỹ năng, kinh nghiệm gì?; Mục tiêu của nhóm và phương pháp đo lường hiệu quả công việc?; Vai trò của người lãnh đạo và trách nhiệm của các thành viên nhóm.

Tất cả các bạn đang khởi nghiệp tham dự hội thảo sẽ chia thành các nhóm nhỏ, thảo luận để thống nhất câu trả lời cho những vấn đề được đặt ra ở trên.

“Hội thảo theo xu hướng mới đó là đối thoại và trao đổi mà không phải là nói và nghe theo hướng một chiều. Các bạn trẻ sẽ chia sẻ chính những câu chuyện của mình để có thể cùng tương tác để trao đổi, giúp đỡ lẫn nhau thì hiệu quả của hội thảo sẽ được nâng cao lên rất nhiều”- ông Tuấn Anh chia sẻ.

Sau thời gian 15 phút thảo luận, các nhóm đã giải đáp những vấn đề được đặt ra từ trước đó. Tất cả những ý kiến đó được ông Tuấn Anh đúc kết thành những quan điểm được chia sẻ đến tất cả mọi người.

Ông Phan Đình Tuấn Anh, sáng lập cộng đồng Angel 4 US chia sẻ những kinh nghiệm về xây dựng nhóm tốt khi khởi nghiệp. Ảnh: Hà Thế An.

Sáng lập cộng đồng Angel 4 US cho rằng, số lượng thành viên trong nhóm khởi nghiệp nên dưới 10 người. Số lượng này đủ để các tất cả những người trong nhóm có thể hiểu được nhau. Từ đó xây dựng mối quan hệ thân thiết và tạo dựng niềm tin cho nhau khi làm việc.

“Một nhóm khởi nghiệp trên 10 người sẽ tạo ra sự cồng kềnh và mất đi tính tinh gọn trong việc hợp tác, làm việc chung”- ông Tuấn Anh cho biết.

Chia sẻ vấn đề thứ hai, về kỹ năng và kinh nghiệm của mỗi cá nhân trong nhóm, ông Tuấn Anh khuyến nghị các startup cần phải hướng đến sự cân bằng.

Theo đó với mỗi nhóm, các thành viên cần có sự bổ trợ cho nhau. Một nhóm mạnh là các thành viên phải thấu hiệu được người bạn của mình có những điểm mạnh, yếu gì để khai thác điểm mạnh và hạn chế những điểm yếu đó, phục vụ cho công việc.

Ông Tuấn Anh nêu ví dụ: Trong mỗi một nhóm, có người có khả năng tư suy, ý tưởng tốt và có người lại mạnh về hành đổng và triển khai ý tưởng. Vì thế, người trưởng nhóm phải là người thấu hiểu những thành viên trong nhóm để gắn kết những thế mạnh đó, tạo ra những giá trị hiệu quả trong công việc.

Với vấn đề đo lường, ông Tuấn Anh chia sẻ, với mỗi giai đoạn phát triển của startup, các nhóm khởi nghiệp cần phải biết được dự án của mình đang ở giai đoạn nào. Khi xác định được dự án của nhóm đang ở giai đoạn nào, người lãnh đạo nhóm sẽ có kế hoạch tìm kiếm nguồn nhân lực phù hợp để phát triển dự án ở giai đoạn đó.

Các nhóm sẽ tương tác, thảo luận mở để có thể chia sẻ kiến thức, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Ảnh: Hà Thế An.

“Đối với những dự án ở giai đoạn tìm kiếm khách hàng và kiểm chứng mô hình kinh doanh, chúng ta cần tìm những người có đầy đủ kiến thức, kỹ năng để kiểm chứng ý tưởng và xây dựng phiên bản sản phẩm mẫu. Với những dự án đang ở giai đoạn thực hiện mô hình kinh doanh đã kiểm chứng, các bạn cần nguồn nhân lực thực hiện việc bán hàng và marketing, để mở rộng thị trường”- ông Tuấn Anh phân tích.

Ngoài ra, vấn đề cuối cùng để làm nên một nhóm khởi nghiệp tốt rất quan trọng đó là vai trò của người trưởng nhóm.

Ông Tuấn Anh chỉ rõ, khởi nghiệp tức là tạo ra một sản phẩm, dịch vụ nào đó rất mới và không rõ ràng. Do đó, nhóm khởi nghiệp phải luôn luôn có quá trình thử nghiệm và sai, sau đó tiếp tục điều chỉnh và thử nghiệm tiếp. Vai trò của người trưởng nhóm chính là ra quyết định. Quyết định đó có tốt hay không, có hiệu quả hay không phụ thuộc vào tầm nhìn của người trưởng nhóm và sự gắn kết ăn ý của tất cả các thành viên.

“Người đứng đầu phải dẫn dắt nhóm của mình cùng đi về một hướng. Đó chính là nền tảng để xây dựng một đội ngũ vững mạnh khi khởi nghiệp”- ông Tuấn Anh khẳng định.

Chị Đinh Thị Quỳnh Như, GĐ công ty luật An Luật chia sẻ, để có được một nhóm khởi nghiệp tốt, cần phải có thời gian làm việc để tất cả các thành viên hiểu về tính cách, khả năng của nhau. Điều quan trọng nhất là sự tin tưởng bắt đầu được tạo dựng sau quãng thời gian làm việc.

“Những “sóng gió” là những lần tranh luận, cãi vã trong khi làm việc không phải là dấu hiệu tiêu cực. Đó là quy luật phát triển tất yếu để có một nhóm mạnh. Chính những trải nghiệm như vậy sẽ giúp các bạn hiểu nhau hơn để có quá trình làm việc hợp tác lâu dài hơn. Điều quan trọng là tất cả cùng hướng về một mục tiêu chung và làm việc thật hiệu quả để đạt được mục tiêu đó”- chị Như nói.

Hà Thế An

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/truong-nhom-startup-can-co-tam-nhin-va-kha-nang-ket-noi-c7a453277.html