Trưởng lạch ở khu phố Đông Tác

Ở tuổi 55, ông Nguyễn Văn Lễ ở khu phố Đông Tác, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, Phú Yên đã giao tay lái tàu và nghề thuyền chài cho người con trai lớn để về nghỉ ngơi. Thế nhưng, mọi người lại thấy ông thường thức khuya, dậy sớm, bận bịu hơn với việc giải quyết hàng trăm chuyện lớn nhỏ trong ban lạch, trong khu phố. Dẫu vậy, ông vẫn cười hiền, thổ lộ: Đảm nhiệm 3 vai trò “vác tù và”gồm Trưởng lạch, Phó ban Nhân dân và Chủ tịch Hội Nông dân của khu phố 6, tôi giàu có hơn về tình cảm, luôn nhận được sự yêu quí, tín nhiệm của bà con trong khu phố dành cho mình.

Ông Nguyễn Văn Lễ (trái) đang giải thích với ngư dân trong khu phố chính sách mới theo Quyết định 965 của Chính phủ về hỗ trợ dầu cho ngư dân.

Ông mang dáng vẻ của một công chức Nhà nước về hưu nhiều hơn là một ngư dân vừa thôi đi biển. Ông có phong thái điềm đạm, hiền lành và tỉ mỉ, cùng đó là tấm lòng nhiệt thành, tâm huyết với việc lo cho bà con ngư dân trong ban lạch. Khu phố có 378 chiếc ghe, ông nắm rõ từng chủ phương tiện, từng ngành nghề. Tập hồ sơ lưu danh sách ngư dân nhận hỗ trợ dầu cùng quyển sổ ghi chép của ông, từng dòng, từng ô cột ghi khá rõ ràng, chi tiết các thông tin về tình hình mỗi phương tiện của bà con trong khu phố.

Ông kể, 12 tuổi, ông đã lặn lội theo cha đi biển đánh cá. 2 năm sau, cha mất, nhà nghèo quá, là người anh cả trong gia đình, ông phải bỏ học, dốc sức làm lụng để thay cha nuôi các em nhỏ. Ngày đó, ra biển không có máy điện đàm, định vị như bây giờ, làm nghề chủ yếu bằng kinh nghiệm. Người đi biển cứ nhìn mây, nhìn trời, kết hợp dùng 2 radio mở hai đài Bình Định và Khánh Hòa. “Ghe đang chạy trên biển mà nghe tiếng đài Bình Định rõ hơn là biết mình đang lệch về hướng Bắc. Ngược lại, nghe rõ đài Khánh Hòa là về hướng Nam. Tiếng 2 radio cân bằng nhau là đang đi thẳng về nhà...”. Những gian truân nhọc nhằn từ thuở mới lớn, cùng với kinh nghiệm sóng nước qua mấy mươi năm nhọc nhằn đã giúp ông trụ vững trong nhiều giai đoạn khó khăn của nghề biển để vươn lên. Từ chiếc lưới rút, lưới mành, lưới cảng, đến năm 1999, ông bắt đầu rẽ sang bước ngoặt lớn với việc đóng mới chiếc tàu 90CV để theo nghề câu cá ngừ đại dương. Dù có lúc nghề câu cá ngừ đại dương ở giai đoạn sa sút, khó khăn, ông vẫn theo đuổi và chưa hề lùi bước. Người con trai cả đến tuổi trưởng thành cũng theo cha đi biển. Hai cha con ông cật lực bám biển, mỗi năm đem về từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, đủ chi phí trang trải cho mọi chi tiêu trong gia đình, tu bổ thêm nghề nghiệp, nuôi các con lớn lên và thành đạt.

Thương cuộc đời cha sớm vất vả, 5 năm trước, người con trai cả của ông là Nguyễn Thái Luật xin thay cha cầm lái để ông được ở nhà nghỉ ngơi. Vậy nhưng, chính bởi sự vững vàng trong nghề thuyền chài, sự mẫu mực trong lối sống và với một gia đình đầm ấm, con cái thành đạt, ông đã được bà con trong khu phố đề nghị làm trưởng lạch. Vai trò mới đã khiến nghiệp biển vẫn chưa dứt trong tâm trí ông. Rồi lần lượt, các chức vụ: Phó ban, Trưởng ban Nhân dân khu phố 6, Chủ tịch Hội Nông dân khu phố cũng đến với ông bởi sự tín nhiệm, quý mến, nể trọng của người dân khu phố.

Tấm lòng người “vác tù và”

Sau mỗi chuyến biển, trong căn nhà của cha con ông Lễ thường đông đảo anh em bạn thuyền đến để nhận khoản chia của chuyến đi biển. Chuyến biển này, anh Nguyễn Thái Luật, con trai ông lại hoàn thành thêm một nhiệm vụ được ông giao, nên niềm vui như được nhân lên. Anh Luật kể: Chuyến biển vừa rồi tàu ra khơi gần một tháng. Vậy nhưng khi tàu vừa cập bờ, anh đã nhận được “lệnh” của cha, quay trở ra lai dắt tàu cá PY 5111 của anh Hồ Thanh Tường (người trong khu phố) bị hỏng máy, đang nằm cách bờ 15 hải lý, anh đã vội vã quay ra biển để cứu tàu bị nạn. Thêm 6 giờ lênh đênh trên biển nữa, anh đã về đến bờ trong niềm vui và cảm kích của bà con khu phố.

Anh Luật tâm sự: “Giữa biển mênh mông, sinh mạng con người nhỏ nhoi lắm. Làm biển phải gắn bó, thương nhau, phải sẵn lòng cứu giúp nhau vượt qua hiểm nguy, rủi ro thì mới duy trì được nghề”. Tấm lòng nhân ái, suy nghĩ hồn hậu ấy của anh là sự thừa hưởng của người cha.

Thượng úy Trần Mạnh Hà, Trạm phó Trạm Kiểm soát BP Đà Rằng cũng cho biết: Suốt những năm làm biển, ông Lễ sống gần gũi, ôn hòa và sẵn lòng giúp đỡ anh em bạn thuyền. Chuyển giao tay lái cho con, ông lại căn dặn con phải luôn sống đúng mực và nhân ái. Đó cũng là nguyên nhân để ông luôn thành công với vai trò của một người “vác tù và”. Rồi, “Có vô số những câu chuyện khá rắc rối trong nghề biển như: Vướng mắc giữa chủ và bạn trong chuyện phân chia thu nhập; việc mua bán không đồng thuận về giá cả, tranh chấp ngư trường, chuyện người chết, mất tích trên tàu ở giữa biển... Chuyện nào ông Lễ đã vào cuộc là xóm làng vui vẻ, êm thấm” - Thượng úy Trần Mạnh Hà nói.

Rời khu phố Đông Tác, chúng tôi còn nghe bà con nơi này vui mừng báo tin: “Ba hôm trước, tàu cá của anh Huỳnh Ngọc Ba (người của khu phố) bị gãy láp, đang ở ngoài khơi, cách bờ 150 hải lý. Gia đình của chủ phương tiện đang rất khó khăn nên không có tiền chi trả cho tàu cứu hộ đi lai dắt. Trưởng lạch Nguyễn Văn Lễ đã cùng anh em Trạm Kiểm soát BP Đà Rằng đến từng nhà, gặp các chủ tàu vận động họ ra biển cứu giúp tàu bị nạn. Nể phục bởi tâm huyết, tấm lòng của ông Lễ và cán bộ BĐBP, anh Nguyễn Trung Thành, chủ tàu PY 90892 đã nhận lời đi lai dắt. Sáng nay, có tin báo về, 3 giờ nữa, tàu lai dắt sẽ đưa phương tiện bị nạn về đến bờ...”. Tôi lại hình dung một nụ cười thật vui và hồn hậu trên gương mặt sạm nắng gió của Trưởng lạch Nguyễn Văn Lễ.

Phương Oanh

Email Print Góp ý

Nguồn Biên Phòng: http://www.bienphong.com.vn/BaoBienPhong/32/362/362/14319/Truong-lach-o-khu-pho-Dong-Tac/bbp.aspx