Trưởng đoàn Trần Đức Phấn: Phải giải được bài toán đầu tư như thế nào?

Với 1 HCV, 1 HCB, thiết lập kỷ lục Olympic môn Bắn súng, thể thao Việt Nam đã có một kỳ Thế vận hội thành công nhất trong lịch sử. Không ngủ quên trên chiến thắng, ngay từ bây giờ, thể thao Việt Nam sẽ đánh giá lại thực lực, rút ra bài học kinh nghiệm để chuẩn bị cho các kỳ Đại hội sau, đó là nội dung cuộc trao đổi của Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic 2016 Trần Đức Phấn (ảnh) với Văn Hóa.

Thưa Trưởng đoàn, một kỳ Olympic thành công cũng giúp cho thể thao Việt Nam nhìn ra được nhiều điều?

- Trưởng đoàn Trần Đức Phấn: Đoàn Thể thao Việt Nam dự Olympic lần này có thể nói là thành công vượt mong đợi. Chiếc HCV và HCB của Hoàng Xuân Vinh đã đem đến luồng gió mới, thay đổi rất lớn về thành tích của đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic lần này. Tính đến hết ngày 20.8, đoàn Thể thao Việt Nam đã đứng thứ 46 trong tổng số 206 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Thế vận hội.

Thành tích này của đoàn Thể thao Việt Nam cũng giúp chúng ta nhận ra một điều là nếu được đầu tư đúng theo định hướng hiện nay vào các môn trọng điểm, các VĐV trọng điểm thì có thể đạt thành tích tại đấu tường Olympic. Tuy nhiên từ đây dưới góc độ chuyên môn, ngành cũng phải có tính toán cụ thể, có kế hoạch rõ ràng để hoạch định lại việc đầu tư cho các VĐV tại các đại hội thể thao. Môn nào có thể đến được Olympic giành huy chương, môn nào đến được Asian Games và môn nào chỉ nên tập trung ở SEA Games. Và quá trình chuẩn bị cho các đấu trường đó phải được tiếp tục bắt đầu ngay từ bây giờ.

Theo đánh giá của Trưởng đoàn Trần Đức Phấn, đoàn Thể thao Việt Nam đã có thành công ngoài mong đợi với 2 tấm huy chương nhưng cũng có những nội dung không thành công

- Ngoài thành công vượt bậc của Hoàng Xuân Vinh, cũng có những môn, những VĐV dù cách biệt khá lớn về trình độ nên không thể vào sâu nhưng vẫn thể hiện được khả năng của mình như võ sĩ judo Văn Ngọc Tú. Tú đã có trận thắng mở màn, là động lực lớn cho các VĐV của đoàn thi đấu sau đó. Cũng phải kể đến Nguyễn Tiến Minh, Vũ Thị Trang đã có những trận thắng đáng khích lệ. Tuy nhiên cũng còn VĐV của một số môn chưa thể hiện được trình độ của mình, thành tích chưa được như mong đợi, thậm chí không bằng thành tích của cá nhân đã đạt được trước đó.

Nguyên nhân của việc này là do các đối thủ quá mạnh nên hầu hết VĐV của chúng ta đều choáng ngợp về tâm lý. Điển hình nhất là trường hợp của Thạch Kim Tuấn, đã bị vấn đề tâm lý khi thi đấu. Tuấn chịu sức ép vì được kỳ vọng sẽ có huy chương và vì đối thủ quá mạnh. Đây là bài học với thể thao Việt Nam nói chung và cử tạ nói riêng. Sau khi trở về, đoàn sẽ có cuộc họp tổng kết, rút kinh nghiệm, đánh giá lại những mặt đã làm được và những mặt chưa làm được.

Thưa ông, qua Olympic lần này chúng ta cũng đã nhìn rõ hơn là mình đang ở đâu?

- Một thực tế không thể phủ nhận là hiện nay khoảng cách của chúng ta so với đấu trường Olympic còn quá xa và ngay với đấu trường Asian Games cũng vậy. Tại Olympic lần này, chúng ta đứng sau Thái Lan, Indonesia và hơn Malaysia, Singapore, Philippines. Các nước ĐNÁ đều chọn đầu tư vào những môn phù hợp với thể chất con người hoặc với các hạng cân nhẹ. Tại các kỳ Olympic trước, Việt Nam luôn đứng sau Thái Lan, Singapore, Philippines, Indonesia, Malaysia. Nhưng lần này nhờ thành tích 1 HCV, 1 HCB của Xuân Vinh đã giúp cho thể thao Việt Nam cải thiện được vị trí. Có thể nói rằng căn cứ trên tình hình thực tế như thế đối với khu vực, châu lục và sân chơi Olympic, chúng tôi nhận thấy một điều là cần phải đầu tư như thế nào để có vị trí ở đấu trường Olympic hoặc Asian Games. Thể thao Việt Nam sẽ tập trung đầu tư vào những môn mình đã có, tránh đầu tư vào những môn mình chưa có điều kiện phát triển, nhất là chưa có cơ sở vật chất.

So sánh thực lực với các quốc gia trong khu vực, châu lục có thể thấy rằng sân chơi SEA Games là vừa sức hơn cả với thể thao Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Thưa Trưởng đoàn, những môn nào có khả năng tiếp cận Olympic?

- Qua Olympic lần này có thể thấy được rằng các nước ĐNÁ, châu Á có sự đầu tư trọng điểm hơn so với chúng ta. Chúng ta cũng xác định được 2 môn Bắn súng và Cử tạ có khả năng tranh chấp huy chương ở Olympic vì thành tích không bị bỏ cách quá xa. Tuy nhiên nói như thế không có nghĩa chúng ta không tiếp tục đầu tư vào những môn thể thao không có khả năng tiếp cận huy chương Olympic. Nhưng sẽ phải tính toán lại để sao cho có sự đầu tư hợp lý và hiệu quả. Như trường hợp của Ánh Viên, đường đến Asian Games rộng hơn là đường đến Olympic để tranh chấp huy chương.

Ngoài ra, theo tôi còn một môn thể thao nữa có thể đến được với Olympic tranh chấp huy chương là môn Bắn cung. Môn này phù hợp với thể chất người Việt Nam. Nếu được đầu tư theo đúng chuẩn Olympic, từ cơ sở vật chất, chuyên gia, HLV đến tập huấn thi đấu thì môn này hoàn toàn có thể. Tóm lại vấn đề đầu tư thế nào sẽ là bài toán phải giải, để sao cho chọn được con đường phù hợp với điều kiện về nguồn kinh phí đầu tư trong điều kiện thực tiễn của thể thao Việt Nam.

Thưa ông, Olympic lần này cũng đặt ra vấn đề kế cận lực lượng khi Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường đã lớn tuổi nhưng chưa nhìn thấy gương mặt trẻ nào có thể tiệm cận được?

- Đây cũng là bài toán về đầu tư trọng điểm. Với trường hợp của môn Bắn súng, do không có trường bắn hiện đại nên chúng ta chỉ tập trung trọng điểm vào Xuân Vinh, Quốc Cường bằng cách đưa đi tập huấn nước ngoài, nhằm khắc phục sự thiếu thốn về cơ sở vật chất trong nước. Nhưng các VĐV trẻ vẫn phải tập luyện trong điều kiện thiếu thốn, lạc hậu nên chưa thể phát huy được khả năng. Trong điều kiện như vậy, muốn có lực lượng kế cận tốt chúng ta bắt buộc phải có chính sách đầu tư tốt hơn, từ cơ sở vật chất đến trang thiết bị, HLV... Với riêng môn Bắn súng, nếu không có trường bắn thì chúng ta khó lòng có nhiều VĐV đẳng cấp được.

Tuy nhiên, việc đầu tư trong thể thao kể cả hội tụ đủ các điều kiện về cơ sở vật chất cũng không thể ngay lập tức có hiệu quả được. Chúng ta phải tiến hành đầu tư bài bản, có hệ thống, đầu tư cho Asian Games hay Olympic phải mất từ 8-10 năm, tức là 2 hoặc hơn 2 chu kỳ Olympic thì mới có thể thu được thành tích. Muốn có Hoàng Xuân Vinh của những kỳ Olympic sau thì chúng ta luôn phải có lực lượng kế cận dày đặc và đó sẽ là điều mà thể thao Việt Nam phải tính tới trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Theo Báo Văn hóa

Nguồn Thể Thao VN: http://thethaovietnam.vn/the-thao/truong-doan-tran-duc-phan-phai-giai-duoc-bai-toan-dau-tu-nhu-the-nao-365-196584.html