Trường ĐHSPKT Vinh: Thực hiện chiến lược đào tạo theo hướng nghề nghiệp ứng dụng

(Baonghean) - Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh hiện là một trong những địa chỉ đào tạo giáo viên dạy nghề, kỹ sư công nghệ hàng đầu của khu vực Bắc miền Trung. Đây cũng là cơ sở quan trọng để trường sớm trở thành Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật trọng điểm quốc gia. Nhân dịp khai giảng năm học mới 2016 - 2017, Báo Nghệ An có bài phỏng vấn PGS.TS Hoàng Thị Minh Phương - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường xung quanh vấn đề này.

P.V: Thưa PGS.TS Hoàng Thị Minh Phương, chiến lược phát triển Dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020 đã đặt ra mục tiêu: “Đến năm 2020, dạy nghề đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo; chất lượng đào tạo của một số nghề đạt trình độ các nước phát triển trong khu vực ASEAN và trên thế giới”. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh với vị trí là một trong những trường đứng đầu trong mạng lưới các trường đào tạo giáo viên dạy nghề, nhân lực khoa học kỹ thuật trình trình độ cao đã triển khai công tác đào tạo như thế nào nhằm thực hiện mục tiêu quan trọng trên?

Một tiết học thực hành của sinh viên khoa cơ khí động lực.

PGS.TS Hoàng Thị Minh Phương: Để đạt được Chiến lược dạy nghề 2011 - 2020 và với chức năng nhiệm vụ của một trường sư phạm kỹ thuật thì Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh là một trường “máy cái” về đào tạo nghề. Hiện trường có 4 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 17 ngành đào tạo trình độ đại học, cao đẳng và 19 nghề đào tạo trình độ cao đẳng nghề với quy mô gần 8.000 sinh viên, học viên. Hàng năm, có hơn 2.000 sinh viên, học viên tốt nghiệp với nhiều ngành nghề khác nhau, cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp với cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực.

Bên cạnh đó, thực hiện Hiệp định hợp tác giữa Việt Nam và Lào, từ năm 2013, trường đã đào tạo sinh viên cho nước bạn Lào. Nhà trường có Trung tâm tư vấn hỗ trợ sinh viên sau khi tốt nghiệp. Qua khảo sát, từ năm 2012 đến năm 2016, 80% sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Trong đó có hàng nghìn sinh viên đã có việc làm ổn định với mức lương khởi điểm từ 6 - 8 triệu đồng/ tháng thông qua việc hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp. Trong quá trình học, sinh viên được tạo điều kiện để đi trao đổi học tập ở Hàn Quốc, Nhật Bản, được tạo cơ hội học thêm chứng chỉ ngoại ngữ để có đủ năng lực hội nhập với thị trường lao động quốc tế.

Quang cảnh nhà trường.

Bước sang năm học mới và những năm tiếp theo, nhà trường xác định nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo các ngành đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội. Trong đó, tiếp tục cung cấp đội ngũ giáo viên dạy nghề theo định hướng chiến lược phát triển dạy nghề và đội ngũ cán bộ kỹ thuật lành nghề, cán bộ quản lý giáo dục trình độ cao.

Để đáp ứng chiến lược phát triển dạy nghề, tiếp cận khu vực, quốc tế, trường cũng được đầu tư để đào tạo giáo viên dạy nghề đạt chuẩn quốc tế với 4 nghề, chuẩn khu vực 5 nghề và các nghề còn lại đạt chuẩn quốc gia. Thực hiện kiểm định chương trình và kiểm định trường đại học Quản lý đào tạo theo tiêu chuẩn ISO 9001-2008; ứng dụng công nghệ thông tin (phần mềm quản lý) trong hoạt động quản lý.

Về đào tạo, trường đã thực hiện phương thức đào tạo theo tín chỉ. Nội dung chương trình đào tạo liên tục cập nhật, đổi mới, chú trọng nhiều đến kỹ năng thực hành và gắn bó với yêu cầu sử dụng nhân lực. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học với các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức nghề nghiệp của Vương quốc Anh, Hàn Quốc, Lào, Thái Lan, Trung Quốc và các trường đại học khác trên thế giới.

P.V: Từ năm học 2015 - 2016,Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh đã triển khai xây dựng đề án Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật trọng điểm quốc gia. Theo đó, mục tiêu của trường trong những năm tiếp theo là gì?

PGS.TS Hoàng Thị Minh Phương: Trong định hướng phát triển, chúng tôi xây dựng một trường đại học đào tạo theo hướng nghề nghiệp ứng dụng. Mục đích chính là tập trung đào tạo con người vừa có trình độ lý thuyết, vừa có khả năng thực hành để phục vụ cho sự phát triển kinh tế của tỉnh, khu vực và của cả nước.

Muốn vậy, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh phải phát triển thành trường đại học đa ngành, đa cấp trình độ và đa hệ đào tạo trong lĩnh vực sư phạm kỹ thuật, kỹ thuật công nghệ và các lĩnh vực kinh tế khác.

Bên cạnh đó, thực hiện theo tinh thần đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo trường cũng xác định phát triển duy trì quy mô đào tạo hợp lý, phù hợp với năng lực cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giảng viên; Phấn đấu xây dựng thương hiệu cơ sở đào tạo giáo viên, giảng viên và nghiên cứu khoa học về giáo dục nghề nghiệp có uy tín trong nước và quốc tế.

Sinh viên khoa cơ khí chế tạo - Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh nghe hướng dẫn về máy tiện tự động.

Cụ thể, từ nay đến năm 2020, trường sẽ ổn định và tăng dần quy mô đào tạo với khoảng 10.000 sinh viên, trong đó quy mô đào tạo các bậc đào tạo đại học và sau đại học chiếm trên 65 - 70%. Ngoài ra, nâng cao chất lượng đào tạo về mọi mặt; tổ chức đánh giá kỹ năng nghề quốc gia, quốc tế cho đội ngũ giáo viên dạy nghề và người lao động; phát triển trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc tế thành trung tâm đánh giá của khu vực Đông Nam Á…

P.V: Để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng này, thời gian tới Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh sẽ chú trọng vào những vấn đề gì, thưa PGS.TS Hoàng Thị Minh Phương?

PGS.TS Hoàng Thị Minh Phương: Chúng tôi xác định, để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo thì nhiệm vụ đầu tiên đó là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Ngoài đủ về số lượng thì phải mạnh về chất lượng, đảm bảo cơ cấu, phù hợp vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu phát triển của một trường đại học sư phạm kỹ thuật trọng điểm. Tập trung nguồn lực cho việc đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, đặc biệt là đào tạo trình độ tiến sỹ.

Đồng thời, thực hiện dạy học theo tín chỉ và nghề theo modun. Trên cơ sở đó để sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, ứng dụng công nghệ hiện đại để sinh viên chủ động. Quy trình đào tạo theo hướng tiếp cận nghề nghiệp ứng dụng, khuyến khích sinh viên chủ động, sáng tạo trong quá trình đào tạo; đồng thời có khả năng liên thông đào tạo với các trường tương đương ở trong và ngoài nước. Phối hợp để các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo; đẩy mạnh đào tạo theo địa chỉ, gắn kết chặt chẽ đào tạo với thực tiễn xã hội và sử dụng nhân lực.

Hoạt động thể thao sôi nổi của sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh.

Từ nay đến năm 2020, trường sẽ tập trung xây dựng các ngành nghề mũi nhọn, chất lượng cao trên cơ sở phát huy các thế mạnh trong đào tạo của nhà trường; mở thêm một số ngành đào tạo đại học, cao đẳng, một số chuyên ngành đào tạo sau đại học.

Đồng thời, tập trung mọi nguồn lực cho việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo hướng hiện đại để tương xứng và phù hợp với sự phát triển của quy mô đào tạo, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cơ bản về cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo, nghiên, phù hợp với quy hoạch xây dựng trường đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt.

P.V: Xin cảm ơn PGS.TS Hoàng Thị Minh Phương!

Mỹ Hà (Thực hiện)

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/giao-duc-khoa-hoc/201611/truong-dhspkt-vinh-thuc-hien-chien-luoc-dao-tao-theo-huong-nghe-nghiep-ung-dung-2752487/