Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Các hành vi “trái pháp luật”của ông Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh

Ông Nguyễn Văn Minh Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội đề bạt nhiều cán bộ chủ chốt của trường không thông qua Đảng ủy, kí quyết định tuyển dụng giáo viên "thuộc diện đào tạo theo địa chỉ”, lộ ra đường dây chạy đại học. Ông còn bao che cho việc làm khuất tất gửi 21 tỉ đồng gửi tiết kiệm của Ban Giám hiệu cũ. Cục Thuế Hà Nội và Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc kiểm tra…

Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội bổ nhiệm nhiều cán bộ chủ chốt không thông qua Đảng ủy.

Là Hiệu trưởng, ông Nguyễn Văn Minh đảm nhiệm rất nhiều chức trách. Ngoài việc chịu trách nhiệm trước Bộ GD&ĐT về hoạt động của trường, theo Luật Giáo dục và theo Điều lệ trường Đại học, ông còn trực tiếp chỉ đạo phụ trách các phòng Tổ chức cán bộ, Quan hệ quốc tế, Kế hoạch -Tài chính, Hành chính -Tổng hợp; Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng; Chỉ huy Trưởng Ban chỉ huy quân sự; Trưởng Ban An ninh chính trị - Bảo vệ nội bộ; Giám đốc Trung tâm Giáo dục từ xa; Chủ tịch ủy ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ; Trưởng Dự án Trường ĐHSP Hà Nội trọng điểm; Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo; Chủ tịch Hội đồng lương, Chủ tài khoản của trường… Với các trọng trách này, đủ thấy uy quyền của Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh. Việc đầu tiên khi nhận chức, ông lựa chọn những cán bộ “hiểu mình”, đề nghị Bộ GD&ĐT phê chuẩn chức danh Phó Hiệu trưởng. Còn nhân sự trong trường thuộc quyền ông đề bạt. Ngày 15/5/2013 Hiệu trưởng công bố bổ nhiệm nhân sự trong đó có nhiều người không thông qua Đảng ủy nhà trường, đây là lần đầu tiên trong 12 khóa Hiệu trưởng, ông Minh vượt qua thông lệ, chỉ thông qua Ban Thường vụ 5 người, cho thấy quyền lực đã tập trung vào “số ít”. Trong số những gương mặt được bổ nhiệm, có không ít người mới chưa đủ tín nhiệm trong trường, cũng có người “có sai phạm”, nhưng lại đủ “tín nhiệm” với Hiệu trưởng.

Bà Trần Thị Thái tố cáo vụ gửi 21 tỉ đồng.

Hơn một năm nhận chức Hiệu trưởng, ông Minh đã thể hiện rõ uy quyền của mình trong việc “cắt chức” cũng như đề bạt, tiếp nhận cán bộ. Tháng 5/2012 ông Minh kí quyết định tuyển dụng chị Nguyễn Thị Thanh Huyền cử nhân hệ chính quy đào tạo theo địa chỉ (tỉnh Tuyên Quang), làm giảng viên tổ bộ môn Động cơ đốt trong, khoa Kĩ thuật Sư phạm. Thật khó lí giải vì sao Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh lại cố tình tiếp nhận giáo viên trái với quy định của Chính phủ và ngành Giáo dục? Trường hợp chị Huyền học lớp đào tạo theo địa chỉ, theo quy chế tốt nghiệp phải trở về Tuyên Quang công tác. Thế nhưng, Trường ĐHSP Hà Nội lại kết luận “Quy trình và tiêu chuẩn tuyển dụng tạo nguồn giảng viên của Khoa Kĩ thuật sư phạm là đúng với quy định của Trường”. Tuy nhiên quy định của trường lại không có điều khoản nào cho phép tuyển sinh viên diện đào tạo theo địa chỉ, vì người đi học theo diện này được hưởng hỗ trợ kinh phí, được địa phương phân công công tác sau khi tốt nghiệp. Mặt khác, tiêu chuẩn đối tượng tuyển sinh diện đào tạo theo địa chỉ được “áp dụng cho đối tượng ở vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số”, tỉnh Tuyên Quang có 32 xã đặc biệt khó khăn của 4 huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Nà Hang và Chiêm Hóa. Nhưng chị Huyền có hộ khẩu tại thị xã Tuyên Quang, vậy tại sao lại lọt vào diện đào tạo theo địa chỉ của 32 xã đặc biệt khó khăn? Nếu tỉnh Tuyên Quang không cử chị Huyền trong diện này, không hỗ trợ kinh phí đào tạo, không phân công công tác cho chị Huyền sau khi học xong lớp “đào tạo theo địa chỉ”, thì lộ ra đường dây chị Huyền chạy vào đại học, đội lốt “sinh viên đào tạo theo địa chỉ”, để được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước và tỉnh Tuyên Quang. Cũng như trường hợp chị Huyền, chị Vũ Thị Ngọc Thúy (cùng lớp với chị Huyền), năm 2011 được Hiệu trưởng Nguyễn Viết Thịnh kí quyết định tiếp nhận, trái quy định của Chính phủ. Từ đây hé lộ “đường dây chạy vào đại học” diện đào tạo theo địa chỉ ở tỉnh Tuyên Quang. Đây chỉ là 2 trường hợp bị phát giác, trong khi nhiều năm qua, ĐHSP Hà Nội đã đào tạo sinh viên thuộc diện cử tuyển và đào tạo theo địa chỉ, nếu điều tra ai dám chắc, trong số hàng nghìn sinh viên thuộc diện này, lại không có những người “chạy vào đại học” như trường hợp của hai chị Thúy và Huyền?

Ông Nguyễn Văn Minh nhận chức Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội

Những dấu hiệu vi phạm tài chính của Trường ĐHSP Hà Nội đã phát lộ.

Hiệu trưởng cũ trường ĐHSP Hà Nội là GS,TS Nguyễn Viết Thịnh, (Đại biểu Quốc hội khóa XII), có thể nhìn ra những “tì vết chính trị” của ông Nguyễn Văn Minh, nhưng vẫn hết sức ủng hộ, để ông Minh phải đáp ơn “nâng đỡ” mà im lặng “che đậy, bảo vệ” những dấu hiệu sai phạm kinh tế của Ban Giám hiệu tiền nhiệm. Và ông Minh đã thể hiện hết quyền uy, trong cuộc họp Đảng ủy Trường, ngang nhiên “bao che” cho vụ ông Thịnh (Ban Giám hiệu khóa trước), cho gửi 21 tỉ đồng ngoài sổ sách. Không ngờ những bí ẩn về lí lịch chính trị và hồ sơ khoa học tranh cử Hiệu trưởng của ông Minh man khai bị lộ tẩy, kéo theo việc ông Minh “bao che” cho những dấu hiệu sai phạm tài chính nhiệm kì ông Thịnh làm Hiệu trưởng cũng bị phát giác, Cục Thuế Hà Nội đang kiểm tra tài chính của trường.Trước đó, Thanh tra Chính Phủ đã vào cuộc thanh tra khoản 21 tỉ đồng gửi ngân hàng. Tại biên bản làm việc với người có đơn tố cáo (ngày 20/3/2013), ông Đặng Xuân Thư, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội nêu rõ: “Số tiền 21 tỉ đồng gửi của nhà trường, đúng sai thế nào sẽ do Thanh tra Chính phủ xem xét. Những vấn đề này đã được ghi lại trong biên bản họp của Đảng ủy trường. Việc đưa những thông tin cuộc họp ra ngoài là vi phạm nguyên tắc sinh hoạt Đảng”. Hóa ra ở trường ĐHSP Hà Nội nguyên tắc sinh hoạt Đảng là phải “bao che cho tham nhũng”! Trong khi Bí thư Đảng ủy và Hiệu trưởng nhà trường nói “vụ việc 21 tỉ đồng gửi ngân hàng phải giữ kín trong cuộc họp Đảng ủy” và truy lùng ai đưa thông tin ra ngoài, thì hành động của bà Trần Thị Thái cán bộ văn thư nhà trường, dũng cảm tố giác sai phạm thật đáng trân trọng. Bà Thái thấy dấu hiệu gửi tiền mờ ám đã phản ánh: “Ngày 30/8/2011 đóng dấu hợp đồng gửi tiền tiết kiệm của Trường tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số tiền gửi là 6 tỉ đồng Việt Nam), thời hạn gửi 6 tháng từ 5/9/2011 đến 17/2/2012 lãi suất 14%/năm. Khoảng 1 tháng sau đ/c Hiền (Tài vụ) có mang xuống đóng dấu 15 tỉ đồng (Việt Nam) để gửi Ngân hàng BIDV, đ/c Dương (Hành chính) đóng dấu và cũng không cho lưu trữ bản nào”. Nếu bà Thái không tố cáo thì khoản tiền 21 tỉ đồng này sẽ lọt vào tay những ai? Giờ đây cán bộ giáo viên trong trường cần ông Minh Hiệu trưởng công bố rõ; khoản tiền này thuộc nguồn nào vì sao lại gửi tiết kiệm ngoài sổ sách? Sau khoản tiền 21 tỉ đồng bị phát hiện, những nghi vấn hơn 20 nguồn thu cho thuê mặt bằng nhiều năm qua đã được đặt ra. Chiếu theo quy chế chi tiêu nội bộ ban hành theo Quyết định số 3897/ĐHSPHN-KHTC ngày 27/10 năm 2011, nhà trường có tới 11 nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp, nguồn thu nào cũng phải trích để lại 10% quỹ, 10% cho quản lí và điều hành. Riêng kinh phí 10 hệ đào tạo (7 hệ đại học, 3 hệ sau đại học), 4 nhóm kinh phí các lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ, nhóm cán bộ quản lí điều hành đều được hưởng 10%? Cụ thể đào tạo tại chức giáo viên có trình độ đại học sư phạm ngành Thể dục thể thao K1 cho tỉnh Hải Dương, theo hợp đồng đào tạo số 546/HĐ-ĐT ngày 31 /1/2010, tổng số kinh phí là 614 triệu đồng, theo đó kinh phí quản lí và các công việc phục vụ đào tạo, kinh phí hỗ trợ đào tạo đã chiếm 169 triệu đồng. Tính ra riêng nguồn kinh phí đào tạo ngoài trường hàng năm trên dưới 80 tỉ đồng, nếu dành 20% quỹ ( quỹ 10% và 10% cho quản lí điều hành) số tiền sẽ là 16 tỉ, nhưng tính theo cách để quỹ như hợp đồng với tỉnh Hải Dương thì có bao nhiêu tỉ dành cho kinh phí quản lí và những ai được hưởng?

Thay lời kết.

Hội đồng phong giáo sư Ngành Vật lý gồm các giáo sư danh tiếng đầu ngành đã loại ứng viên Nguyễn Văn Minh khỏi danh sách phong chức danh Giáo sư, vì ông Minh không thể là nhà khoa học chân chính, khi “man khai, thiếu trung thực” vi phạm đạo đức nhà giáo, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.... Bản lí lịch bí ẩn của gia đình, ông Minh cố tình che dấu, đã bị lộ rõ có 2 thế hệ (4 người) tham gia ngụy quân ngụy quyền phản cách mạng. Sự việc rõ ràng, đã đến lúc Bộ GD&ĐT cần nhanh chóng xem xét lại có nên để ông Minh làm Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, thậm chí ông Minh không xứng đáng đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam vì man khai lí lịch.Từ vụ việc của ông Nguyễn Văn Minh, những dấu hiệu vi phạm tài chính của Trường ĐHSP Hà Nội trong nhiệm kì của Hiệu trưởng Nguyễn Viết Thịnh đã bị phát lộ, đang chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ và đoàn kiểm tra Cục thuế Hà Nội và Bộ GD&ĐT không thể không quan tâm đến vấn đề này. Sự việc của Trường ĐHSP Hà Nội xảy ra đúng lúc cả nước đang tổng kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 4 của Trung ương Đảng, không thể vì bất cứ lí do nào, tác động của ai, có thể che giấu hay bênh vực cho những dấu hiệu sai phạm về tổ chức và tài chính của Trường ĐHSP những năm qua.

Nhóm PVĐT

Nguồn Báo Người cao tuổi: http://nguoicaotuoi.org.vn/story.aspx?id=9788&lang=vn&zone=7&zoneparent=0