Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải: Một địa chỉ đào tạo kỹ sư công nghệ Giao thông vận tải

Kinh nghiệm cho thấy ở nhiều quốc gia như Đức, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan,… bên cạnh phân hệ đào tạo theo hướng nghiên cứu còn có phân hệ đào tạo thực hành công nghệ, cho phép các trường đào tạo nhấn mạnh kỹ năng thực hành.

Trường CĐ GTVT là một trường trọng điểm của ngành, có 63 năm xây dựng phát triển và kinh nghiệm đào tạo lý thuyết gắn với thực tiễn sản xuất. Với cở sở sản xuất và đội ngũ giáo viên hiện có, kết hợp kinh nghiệm 18 năm đào tạo bậc cử nhân cao đẳng thực hành, năm 2010, Trường CĐ GTVT được nâng cấp thành trường ĐH Công nghệ GTVT để đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho ngành theo hướng ứng dụng nghề nghiệp. Ở Việt Nam hiện nay, chất lượng, cơ cấu nguồn nhân lực là vấn đề đang được xã hội quan tâm để phát triển kinh tế - xã hội. Sự tiến bộ của công nghệ trong sản xuất đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhanh chóng đào tạo lại đội ngũ cán bộ kỹ thuật của mình. Đây là vấn đề cần được đào tạo sớm hơn trong các trường đại học, cao đẳng để sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể tiếp cận ngay thực tiễn sản xuất, tránh đào tạo lại, gây lãng phí cho doanh nghiệp, xã hội và người học. Ngày nay trước xu thế toàn cầu hóa, sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học và công nghệ không chỉ bó gọn trong mỗi quốc gia mà nhanh chóng được áp dụng ở các nước. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia phát triển trên thế giới và các nước trong khu vực cho thấy, để đẩy nhanh tiến trình CNH-HĐH, cùng với phát triển KHCN phải chú ý đào tạo cơ cấu nguồn nhân lực của xã hội, đặc biệt là đội ngũ cán bộ kỹ thuật có tay nghề thực hành: công nhân, trung cấp, cao đẳng, kỹ sư công nghệ. Điều này đặt ra cho cơ cấu nhân lực lao động nước ta nói chung và ngành GTVT nói riêng phải có một loại hình cán bộ kỹ thuật mới, có trình độ cao hơn để tiếp thu công nghệ tiên tiến và trực tiếp chỉ đạo sản xuất. Với yêu cầu này, bậc đào tạo trình độ cử nhân cao đẳng kỹ thuật thực hành hiện nay (đào tạo 3 năm) không đáp ứng được. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật này cần được nâng cấp về kiến thức lý thuyết và công nghệ để đáp ứng thực tế sản xuất. Từ đó trong cơ cấu lao động xuất hiện một loại hình lao động mới, đó là kỹ sư ngành GTVT theo hướng ứng dụng nghề nghiệp. Đây là những cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học được đào tạo 5 năm; có trình độ lý thuyết cao hơn bậc cử nhân cao đẳng thực hành, có tay nghề thực hành giỏi và chuyên sâu về một số lĩnh vực công nghệ. Năm 2010, trường ĐH Công nghệ GTVT sẽ “ra đời” trên cơ sở được nâng cấp từ trường CĐ GTVT hiện nay đang đào tạo 3 cấp: cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề trở thành trường ĐH Công nghệ GTVT đào tạo 4 cấp: đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề theo hướng thực hành công nghệ phục vụ ngành GTVT và các ngành kinh tế quốc dân khác. Ngoài 3 cơ sở đào tạo (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên) hiện nay của trường với tổng diện tích đất 21,3 ha; trường đang hoàn thành dự án đầu tư xin mở rộng trường tại huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam với diện tích khoảng 35 ha. Đây là cơ sở để nhà trường đầu tư xây dựng các trung tâm thực hành, chuyển giao công nghệ phục vụ đào tạo kỹ sư công nghệ theo hướng nghề nghiệp- ứng dụng ngành GTVT. Trang thiết bị của nhà trường được đầu tư phù hợp với nội dung, chương trình đào tạo các chuyên ngành theo hướng thực hành, ứng dụng - nghề nghiệp từ nhiều năm, với 83 phòng thực hành - thí nghiệm chuyên ngành, 3 xưởng thực hành công nghệ ngành cầu đường và cơ khí ô tô. Về mặt nhân lực, hiện nay trường đã có hơn 75% giảng viên có trình độ sau đại học, các giảng viên của trường đều được đào tạo về phương pháp giảng dạy ở bậc đại học. Ông Đỗ Ngọc Viện - Hiệu trưởng Trường CĐ GTVT cho biết, từ năm 2007, nhà trường đã xây dựng kế hoạch tuyển dụng, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, phấn đấu đến năm 2012, đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường có trình độ sau ĐH đạt 80% trong đó trình độ tiến sỹ đạt 16%, đến năm 2015 số tiến sỹ đạt 25%. Như vậy, với 2 chuyên ngành dự kiến đào tạo đại học sau khi trường được nâng cấp là: công nghệ kỹ thuật xây dựng cầu đường và công nghệ ô tô, nhà trường đã có đủ tiến sỹ đảm nhận các vị trí chủ chốt. Nhờ có cả hai loại hình nhân lực đó mà các nước đã rút ngắn được quá trình CNH của mình, lẽ ra phải diễn ra trong hàng thế kỷ, song trên thực tế chỉ cần vài ba thập kỷ. Việc thành lập trường ĐH Công nghệ GTVT sẽ đem lại những hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn vì trực tiếp đào tạo đội ngũ kỹ sư công nghệ ứng dụng nghề nghiệp là một nhu cầu cần thiết của thực tiễn lao động sản xuất hiện nay; góp phần đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về đổi mới công nghệ GTVT.

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/Desktop.aspx/News/Dau-tu-xay-dung-ha-tang-giao-thong/Truong_Dai_hoc_Cong_nghe_Giao_thong_van_tai-Mot_dia_chi_dao_tao_ky_su_cong_nghe_Giao_thong_van_tai/