Trường cao đẳng nghề số 8 Đồng Nai gắn kết với doanh nghiệp, tạo việc làm cho học viên

Trường Cao đẳng nghề số 8 Đồng Nai (Bộ Quốc phòng) được thành lập năm 1991, hàng năm thu hút hơn 10.000 học viên, mỗi năm có khoảng 2.000 học viên ra trường có việc làm ổn định. Trong đó, có hơn 1.000 học viên là đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở Đồng Nai, Đắk Nông... được hỗ trợ đầy đủ về trang thiết bị học tập, nơi ở.

Vận động con em đồng bào dân tộc thiểu số học nghề Khai giảng vào tháng 9, nhưng ngay từ tháng 6, nhà trường đã cử cán bộ đi đến từng thôn bản, từng gia đình để động viên đồng bào gửi con em vào trường, trên cơ sở chính sách chỉ tiêu của Sở LĐ-TB-XH. Nhà trường cũng sử dụng luôn đội ngũ học viên ĐBDTTS trực tiếp cùng với cán bộ của trường đi tư vấn. Có hộ gia đình, đoàn phải tới hai ba lần, giải thích mãi đồng bào mới hiểu rõ mục đích của việc học nghề, học văn hóa cũng như những lợi ích mà học viên sẽ được hưởng khi đi học. Theo ông Trần Văn Chinh – Hệ trưởng, hệ đào tạo học viên ĐBDTTS, trong quá trình dạy thầy cô cũng gặp không ít khó khăn. Các em có nề nếp sinh hoạt, phong tục tập quán khác nhau, khi vào trường các em phải tuân theo quy định chung của nhà trường. Từ ăn, ở, ngủ, nghỉ, học tập đều có giờ giấc nhất định. Thời gian đầu các em không quen, không thực hiện, thậm chí có ý định bỏ học. Để tháo gỡ những khó khăn đó, trường quyết định, những thầy cô phụ trách hệ đào tạo ĐBDTTS phải cùng ăn, cùng ở tại trường với các em. Đồng thời nhà trường cũng thường xuyên tổ chức những buổi nói chuyện, những buổi sinh hoạt ngoại khóa như văn nghệ, thể dục thể thao với những nội dung liên quan đến việc rèn luyện ý thức kỷ luật. Bên cạnh đó, vấn đề ăn uống cũng được nhà trường quan tâm đặc biệt. Có những học viên không quen cách ăn uống của người Kinh, ăn theo chế độ riêng như người Chăm…. Nhà trường tổ chức nấu riêng cho phù hợp. Với mục đích, tôn trọng phong tục tập quán của từng dân tộc, để vẫn có thể phát huy phong tục tập quán truyền thống của họ để khẳng định vị trí của họ trong xã hội. Không những thế, có những em nhận thức chưa chín chắn, muốn lập gia đình, lập tức nghỉ học giữa chừng. Thầy cô phải đến từng nhà khuyên nhủ các em nên biết sắp xếp công việc sao cho phù hợp. Nhờ đó, nhiều học viên đã quay trở lại học. Trò chuyện với chúng tôi, học viên Thổ Thị Kim Diệu (người Châu ro) học ngành điều dưỡng, 27 tuổi, ngụ tại ấp Cẩm Sơn, xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) cho biết, nhà làm nông, nhận thấy muốn thoát nghèo, phải có kiến thức, trình độ. Nên khi nhà trường tuyển sinh, ba mẹ Diệu không ngần ngại cho Diệu đi học. Nhà trường đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong học tập, sinh hoạt rất nhiều, nhất là hàng tháng cho Diệu về thăm con trai mới 3 tuổi. Tháng 7 tới, Diệu ra trường và sẽ làm ở Bệnh viện huyện cũng nhờ nhà trường giới thiệu. Năm 2004 nhà trường đã phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông mở chi nhánh ở huyện Đắc Rấp. Trường đã phối hợp với các sở ban ngành, Trung tâm khuyến nông của huyện cùng tổ chức chương trình đào tạo các ngành: y, trồng trọt, chăn nuôi…. Do ở Đắk Nông nền sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán nên cách tổ chức đào tạo cũng có khác ở Đồng Nai. Lựa chọn hình thức dạy nghề lưu động, giáo viên đến từng thôn bản để tổ chức lớp học dù chỉ có 5 - 10 người. Một tuần tổ chức dạy hai đến ba buổi chứ không dạy liên tục để đảm bảo cho bà con vừa sản xuất, vừa học tập chứ không phải bỏ làm để đi học. Đồng thời, giáo viên tham gia sản xuất cùng bà con để từ thực tế, giáo viên và học viên cùng tháo gỡ những thắc mắc: vì sao gà bị dịch, cây bị sâu…. Do đó, những kiến thức về khoa học kỹ thuật đã được bà con áp dụng đúng. Thấy được hiệu quả như vậy, dần dần bà con sẵn sàng cho con em tham gia học nghề khi nhà trường tuyển sinh. Đối với học sinh ĐBDTTS nhà trường tuyển sinh từ lớp 6, vừa học văn hóa, vừa học nghề để khi ra trường các em có bằng trung cấp nghề, bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp phổ thông hệ bổ túc. Ngoài ra, nhà trường còn mở chương trình đào tạo nguồn cán bộ thôn bản, cung cấp những kiến thức cần thiết về nhà nước, chính trị xã hội, để học viên sau khi học xong về địa phương vừa tạo lập cuộc sống theo nghề nghiệp của mình, vừa tham gia hoạt động xã hội. Gõ cửa từng doanh nghiệp Sinh viên ra trường vất vả đi xin việc, chấp nhận làm trái ngành học. Đó là thực tế mà đa số sinh viên các trường đại học, cao đẳng trong nước đang đối mặt. Trước thực trạng đó, Ban giám hiệu Trường Cao đẳng nghề số 8 luôn lấy phương châm “đào tạo gắn với doanh nghiệp, gắn với nhu cầu xã hội” làm mục tiêu hàng đầu. Nhân dịp khai giảng năm học nhà trường luôn mời đại diện các doanh nghiệp tới dự nhằm tạo sự gần gũi giữa nhà trường với doanh nghiệp. Đồng thời, Ban giám hiệu cũng tiến hành trao đổi với doanh nghiệp khi xây dựng chương trình đào tạo, thực hành cũng như ra đề thi tốt nghiệp sao cho phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Có doanh nghiệp đã liên kết nhà trường, tổ chức thi tốt nghiệp ngay tại công ty, giáo viên và nhà tuyển dụng cùng đánh giá kết quả. Nhờ đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng như các tỉnh lân cận chấp nhận học viên của trường đến thực hành trong suốt quá trình học tập, cũng như ký hợp đồng tuyển dụng khi học viên ra trường với thu nhập khá cao (lương khởi điểm trung bình 4 triệu - 5 triệu đồng/tháng) như Công ty TNHH Tinh Nguyên Hảo (lĩnh vực cơ khí), Công ty TNHH Lý Ninh (ngành hàn), Công ty Honđa (ngành công nghệ ô tô)…. Hơn thế, những năm gần đây, các doanh nghiệp đã tiến hành “đặt hàng” nhờ nhà trường đào tạo học viên theo những ngành nghề nhất định. Mặc dù đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp, nhưng có sự thống nhất giữa ba bên: doang nghiệp, nhà trường và học viên. Nhà trường tư vấn cho học viên về ngành học, về công ty học viên sẽ làm việc…. Học viên nào chấp nhận mới đăng ký học. “Ngoài ra, để tạo niềm tin của doanh nghiệp đối với nhà trường, Ban giám hiệu đã đưa việc rèn luyện tác phong công nghiệp cho học viên thành một môn học bắt buộc, thường xuyên kiểm tra nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, nhà trường luôn theo dõi các học viên đã đi làm, cũng như tiếp nhận thông tin phản hồi từ các nơi tuyển dụng. Để biết học viên của trường có đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng hay không, ngành nghề đó có phải là ngành mà các công ty đang cần hay không. Từ đó, trường đã có những điều chỉnh phù hợp trong chương trình đào tạo. Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp không hài lòng về văn hóa ứng xử trong phỏng vấn của học viên, nhà trường đã đưa môn “Cư xử doanh nghiệp” vào giảng dạy, xác định ngành công nghệ thông tin là ngành trọng điểm đầu tư…” – thầy Phạm Hoài Bắc, Trung tá, Phó hiệu trưởng trường tâm sự. Thầy Bắc cho biết thêm: Trường có lợi thế nằm trên địa bàn là trung tâm các khu công nghiệp lớn ở Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, do đó nhu cầu học nghề rất cao. Ngoài đối tượng học sinh các trường phổ thông, bộ đội phục viên, con em ĐBDTTS, công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp cũng có thể đăng ký theo học để nâng cao trình độ của mình. Đáp ứng nhu cầu lớn đó, trường buộc phải đầu tư về đội ngũ giáo viên cũng như trang thiết bị, xây dựng cơ sở hạ tầng. Trường có thuận lợi là được Bộ Quốc phòng hỗ trợ cùng ngân sách của tỉnh. Hiện trường đang xây thêm phòng học, xưởng thực hành, trung tâm kiểm định nghề quốc gia… Trường phấn đấu đến năm 2012 đủ điều kiện tham gia đào tạo kỹ sư thực hành theo Đề án đổi mới dạy nghề của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội../.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=464891&co_id=30085