Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức (Thái Nguyên): Thay tên, đổi họ công sản

GiadinhNet - Không chỉ mập mờ hóa đơn, thu vượt học phí, lãnh đạo Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức (Cao đẳng CNVĐ) còn thông qua một đề án, biến tài sản công thuộc sự quản lý của nhà trường cho một công ty bên ngoài vào khai thác, kinh doanh.

Cho thuê tài sản công? Trung tâm Đào tạo và sửa chữa ô tô Việt Đức, đóng tại tổ 2A, phường Phố Cò, thị xã Sông Công (Thái Nguyên) được thành lập vào năm 1996 là một "công sản" nằm trong hệ thống cơ sở vật chất được CHLB Đức tài trợ cho Trường cao đẳng CNVĐ nhằm phục vụ cho công tác đào tạo. Tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được tiếp cận, sử dụng thực hành các thiết bị máy móc hiện đại để kiểm tra và sửa chữa ô tô sau khi ra trường, CHLB Đức đã đầu tư một hệ thống máy móc công nghệ cao cho Trung tâm này. Hệ thống được trang bị gồm: Một nhà xưởng rộng trên dưới 500m², một nhà điều hành 2 tầng. Một phòng thiết bị gồm: Máy cân chỉnh bơm cao áp, máy cân vòi phun, máy kiểm tra điều chỉnh hệ thống lái, hố kiểm tra giảm xóc, kiểm tra và điều chỉnh hệ thống đèn pha, máy kiểm tra tổng hợp động cơ... Tổng mức đầu tư lần 1 cho hạ tầng và thiết bị máy móc cho Trung tâm này vào khoảng 4 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, Trung tâm được giao cho Trưởng khoa Nguội là ông Hoàng Tiến Dũng điều hành. Qua vài lần thay thế cán bộ, hiện người được giao trách nhiệm quản lý là ông Phạm Văn Minh. Theo các giáo viên đã và đang công tác, giảng dạy tại Trường cao đẳng CNVĐ, việc trường được CHLB Đức đầu tư hệ thống máy móc hiện đại vừa góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút được học sinh, sinh viên, đồng thời cũng là dấu mốc thể hiện tình hữu nghị giữa nhà trường với đơn vị tài trợ, cũng như mối quan hệ giữa hai nước Việt - Đức trong công tác đào tạo. Vì vậy, cổng và nhà điều hành Trung tâm được gắn tên "Xưởng Việt Đức ô tô". Vậy nhưng, cái biển đó tại Trung tâm này đã bị dỡ bỏ. Nó chính thức được thay tên, đổi họ thành "Trung tâm phụ tùng và tư vấn ô tô ASC Sông Công", với logo mới toe của... ASC GROUP(?!). Chi tiền tỷ để thu... 2 triệu đồng/tháng Theo tìm hiểu của chúng tôi, lãnh đạo Trường cao đẳng CNVĐ, thông qua đề án "Tổ chức hoạt động trung tâm đào tạo và sửa chữa ô tô Việt Đức" ban hành ngày 1/4/2010 và quyết định số 24/QĐ-CĐCNVĐ, ngày 20/4/2010 đều do Hiệu trưởng Phạm Mạnh Tản ký đã giao cho ông Phạm Văn Minh giữ chức vụ "Trưởng Trung tâm đào tạo và sửa chữa ô tô Việt Đức" thuộc Trường cao đẳng CNVĐ kể từ ngày 1/5/2010. Trong nội dung của đề án "Tổ chức hoạt động trung tâm đào tạo và sửa chữa ô tô Việt Đức", phần mục tiêu nêu rõ: "Tạo ra cơ sở để học sinh, sinh viên chuyên ngành ô tô có điều kiện tham quan, thực tập, tiếp cận với thực tế sửa chữa tại Trung tâm". Quy định tên gọi là "Trung tâm đào tạo và sửa chữa ô tô Việt Đức", "Trung tâm trực thuộc Hiệu trưởng. Trưởng Trung tâm do Hiệu trưởng bổ nhiệm". Về quy chế tài chính, Trung tâm phải chi trả lương và các chế độ chính sách khác cho người lao động. Chi các khoản phí để đảm bảo hoạt động. Nộp cho nhà trường năm thứ nhất là 24 triệu đồng, các năm tiếp theo tăng dần từ 10-15% so với năm trước. Quy chế đối với nhà trường có mục ghi: "Đứng tư cách pháp nhân trong quan hệ giao dịch lớn của Trung tâm, cung cấp hóa đơn theo yêu cầu". Theo một số giáo viên đang giảng dạy tại Trường cao đẳng CNVĐ, việc lãnh đạo nhà trường cho phép thực hiện đề án trên nhằm "bật đèn xanh" cho tư nhân vào khai thác, sử dụng các trang thiết bị vốn được CHLB Đức đầu tư cho công tác đào tạo. Thêm vào đó, trong phần đánh giá thực trạng có nêu nguyên nhân để thực hiện đề án là do "Hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí nguồn nhân lực của nhà trường", nhưng phần sau chỉ quy định năm đầu Trung tâm chỉ phải nộp 24 triệu đồng/năm, tương đương mức 2 triệu đồng/tháng, trong khi tính ra vốn được đầu tư xây dựng là hàng tỷ đồng thì không hiểu đề án trên mang lợi về đâu? ASC Sông Công là ai? Để xác minh những thông tin về việc Trung tâm đào tạo và sửa chữa ô tô Việt Đức được cho tư nhân khai thác và kiểm chứng việc thực hiện đề án trên thực tế có đúng với văn bản mà ông Tản đã ban hành, PV Báo GĐ&XH đã vào Trung tâm, đề nghị nhân viên ở đây kiểm tra các bộ phận của một chiếc ô tô được dùng để tác nghiệp. Khi thanh toán, chúng tôi yêu cầu có hóa đơn Giá trị gia tăng (GTGT). Trên hóa đơn GTGT mà Trung tâm đào tạo và sửa chữa ô tô Việt Đức viết ngày 14/9/2010 lại được đóng dấu của Công ty TNHH Thương mại ô tô ASC Sông Công, địa chỉ phường Phố Cò, thị xã Sông Công, Thái Nguyên(?!). Phải chăng đây là tư cách pháp nhân của... Trường cao đẳng CNVĐ? Chiếu theo quy chế tài chính trong đề án mà ông Tản ký duyệt ngày 1/4/2010, Trường cao đẳng CNVĐ có trách nhiệm đứng tư cách pháp nhân trong quan hệ giao dịch lớn của Trung tâm và cung cấp hóa đơn theo yêu cầu, thì không hiểu công ty TNHH Thương mại ô tô ASC Sông Công có tư cách pháp nhân gì để xuất hóa đơn trên? Cùng đó, trong phòng làm việc của Trung tâm này lại gắn logo của ASC GROUP, trong danh thiếp của "Trưởng trung tâm" là ông Phạm Văn Minh do Trường cao đẳng CNVĐ bổ nhiệm lại ghi chức danh là: "Cố vấn dịch vụ". Trên danh thiếp là số điện thoại, logo của ASC GROUP, ghi rõ một loạt các địa chỉ trụ sở gồm: Tổ 2A, phường Phố Cò, Sông Công, Thái Nguyên; 343 Trần Khát Chân, Hai Bà Trưng, Hà Nội và 275 An Dương Vương, P3, Q5, TPHCM. Trong phòng làm việc của Trung tâm này còn có một hộp danh thiếp nữa in tên: Lê Thị Phương, chức danh giám đốc kèm logo của ASC GROUP cùng các địa chỉ tương tự như danh thiếp của ông Minh. Những thông tin trên khiến dư luận đặt câu hỏi, tại sao ông Minh được ông Tản ký quyết định làm Trưởng trung tâm đào tạo và sửa chữa ô tô Việt Đức lại in danh thiếp với chức vụ là "Cố vấn dịch vụ" của ASC Sông Công có địa chỉ là địa chỉ của Trung tâm đào tạo và sửa ô tô Việt Đức? Bà giám đốc Phương là ai, từ đâu đến? Ai bổ nhiệm chức giám đốc ASC Sông Công có địa chỉ của... Trung tâm đào tạo và sửa ô tô Việt Đức? Những "chuyện lạ" trên, liệu ông Phạm Mạnh Tản, Hiệu trưởng Trường CĐCNVĐ có biết? Công Tâm

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/20100920081019575p0c1000/truong-cao-dang-cong-nghiep-viet-duc-thai-nguyen-thay-ten-doi-ho-cong-san.htm