Trưởng ban Kinh tế Trung ương: Không bao dung cho những ai làm ăn sai trái

VTC.VN - Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định không bao dung cho những ai làm ăn sai trái dẫn tới xảy ra nợ xấu.

Chiều 26/5, góp ý tại buổi thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng phải nhìn thẳng vào vấn đề nợ xấu dù có thể do nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan.

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

"Giả sử có ông đi móc ngoặc với ngân hàng để vay một khoản, cuối cùng ông ngân hàng đi tù, người đi vay cũng đi tù, tài sản thu hết nhưng khoản nợ đó vẫn là nợ xấu. Vì vậy trách nhiệm của cơ quan liên quan đến nợ xấu vẫn phải xử lý nghiêm, theo pháp luật, không phải có Nghị quyết mà các cá nhân kia thoát tội.

Và dù, ông đó có đi tù, chúng ta đã xử lý hết các vấn đề thì còn lại vẫn là nợ xấu phải xử lý. Nghị quyết này không bao dung cho những ai làm ăn sai trái", Trưởng ban Kinh tế Trung ương nói.

Ông Bình cũng cho rằng nếu nợ xấu không được xử lý thì trách nhiệm của tổ chức tín dụng ở đây rất cao. Đồng thời, các tổ chứng tín dụng phải bằng lợi nhuận của mình trích lập dự phòng rủi ro cho đến khi đủ xử lý hết khoản nợ xấu mới thôi.

"Vì sao phải trích lập như vậy? Vì đây là tiền của dân, nên dù ông doanh nghiệp làm mất tiền thì ngân hàng vẫn phải đền bằng chính lợi nhuận của mình. Nên khách quan không ngân hàng nào muốn nợ xấu", ông Bình phân tích.

Video: Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói 'Bổ nhiệm người nhà khiến dư luận bức xúc'

Lý giải về quy định bán đấu giá tài sản thấp hơn so với giá trị ghi nợ, ông Bình khẳng định, ngân hàng không ăn hụt vào tiền của dân.

Vị Trưởng ban Kinh tế Trung ương ví dụ: "Tài sản đảm bảo thế chấp tại ngân hàng trị giá 100 tỷ đồng, nhưng khi đem bán khách hàng chỉ trả 80 tỷ và đồng ý bán mức này ngân hàng lỗ 20 tỷ đồng. Nhưng nếu không bán cho khách hàng này để thu 80 tỷ về thì liệu có khách nào mua giá cao hơn nữa".

Do đó, trong nhiều trường hợp ngân hàng vẫn chấp thuận bán thấp hơn giá trị ghi nợ - thu về 80 tỷ, còn 20 tỷ đồng thì dành khoản trích lập để bù lại.

Bán giá thấp hơn nhưng lại thu được tiền về, chứ không phải chờ 5-10 năm sau nợ, tài sản vẫn "treo" đó không bán được.

"Ngân hàng bán giá thấp nhưng không ảnh hưởng gì cả, ngân hàng cũng không ăn hụt vào tiền của dân", Trưởng ban Kinh tế Trung ương phân tích.

Cũng thảo luận về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nếu đã hoạt động tín dụng thì nợ xấu là việc không tránh khỏi đối với các quốc gia không phải riêng nước ta.

"Nợ xấu bình thường phải dưới 3% tổng dư nợ cho vay. Thực ra nội bảng dưới 3%, nhưng treo ở Công ty Quảng lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thì nhiều.

Hiện đã là 10,8% là một chuyện không bình thường. Cho nên phải ra nghị quyết của Quốc hội, cho áp dụng trong một thời điểm nhất định", bà Ngân nói.

Chủ tịch Quốc hội gợi ý ban hành Nghị quyết xử lý nợ xấu là cần thiết vì không thể kéo dài.

"Nghị quyết này ban hành không phải hợp thức hóa cho các tổ chức vi phạm pháp luật. Do đó, chúng ta ra Nghị quyết này không chỉ bảo đảm lợi ích của các tổ chức tín dụng mà còn bảo đảm lợi ích của người gửi tiền", bà Ngân nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Nghị quyết này chỉ giải quyết có thời hạn, chốt 31/12/2016 trở về trước là có cơ sở. Nợ xấu không chỉ bây giờ mới phát sinh thì làm sao lại "với" đề xuất đến tháng 7 khi Nghị quyết này có thời hạn và thời hạn áp dụng là 5 năm.

Nghị quyết này không chỉ áp dụng với ngân hàng Việt Nam mà còn cả với các chi nhánh của ngân hàng nước ngoài vì Hiến pháp quy định không phân biệt các thành phần kinh tế.

"Nguyên tắc quan trọng là không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu. Khái niệm, tiêu chí nợ xấu rất quan trọng. Quyền thu giữ tài sản là linh hồn của nghị quyết, khái niệm nợ xấu là gốc. Nếu chỉ nội bảng thì không cần ra nghị quyết vì nội bảng dưới 3%, còn thực tế tổng là 10,8%", Chủ tịch Quốc hội nói.

Minh Đức

Nguồn VTC: http://vtc.vn/kinh-te/truong-ban-kinh-te-trung-uong-khong-bao-dung-cho-nhung-ai-lam-an-sai-trai-d325658.html