Trương Ái Linh – Chuyện đời buồn nhuộm vào văn nghiệp

Hiện lên trong trang văn của Trương Ái Linh là một Trung Quốc khiến người đọc não lòng. Nơi đó có những con người đáng thương bị thời thế làm cho chao đảo.

Trương Ái Linh tên thật là Trương Anh, bà sinh năm 1920 tại Thượng Hải trong một gia đình trâm anh thế phiệt, dòng dõi quan lại. Bà nội của Trương Ái Linh là con gái lớn của đại thần Lý Hồng Chương, người được Từ Hy thái hậu và Hoàng đế Quang Tự trọng dụng trong triều đình Mãn Thanh.

Ông vừa là nhà quân sự, nhà ngoại giao có tài. Chính Lý Hồng Chương đã đứng lên khởi binh dẹp loạn Thái Bình Thiên Quốc và ký hàng loạt hiệp ước giữa triều đình Mãn Thanh và liên quân Anh, Pháp.

Còn mẹ của nữ văn sĩ là Hoàng Tố Quỳnh cháu gái của Đề đốc Hoàng Dực Thăng, người từng làm quan dưới quyền của Lý Hồng Chương. Cha mẹ bà đến với nhau do sự sắp đặt của gia đình và được xem là một trong những đám cưới môn đăng hậu đối. Nhưng cuộc hôn nhân đó sớm đã bộc lộ những rạn nứt.

Sống trong một gia đình nhà nhà Nho thủ cựu và mang nặng tư tưởng phong kiến, lại phong lưu đa tình, Trương Chí Di đã say mê người phụ nữ khác. Ngược lại, từ bé cha của Hoàng Tố Quỳnh đã khuyến khích con gái tiếp xúc với văn minh phương Tây.

Luôn tự hào mình là phụ nữ thế hệ mới, Tố Quỳnh kịch liệt phản đối chế độ “tam thê, tứ thiếp” tồn tại hàng ngàn năm ở Trung Quốc. Chính vì thế, việc Trương Chí Di cưới vợ bé như đòn chí mạng vào lòng kiêu hãnh của bà.

Vào đầu những năm 1920, Trung Quốc đang lao đao với nạn thuốc phiện, người nghiện thuốc rất nhiều và cha của Trương Ái Linh cùng người vợ bé cũng trở thành “nô lệ” của bàn đèn. Năm 1923, quá chán nản với cuộc hôn nhân không còn lối thoát, Hoàng Tố Quỳnh bỏ sang Anh. Cũng trong năm đó, Trương Chí Di chuyển cả nhà từ Thượng Hải tới Thiên Tân.

Nhà văn Trương Ái Linh. Ảnh: tư liệu.

Năm 1927, Hoàng Tố Quỳnh đã trở về Trung Quốc và khuyên nhủ Trương Chí Di. Nhưng người đàn ông cổ hủ đó đã lún sâu vào nghiện ngập và không hề hối cải. Năm 1930, mẹ của Trương Ái Linh quyết định ly hôn. Do mẹ bà không dành quyền nuôi con nên hai chị em Trương Ái Linh sống với cha. Năm 18 tuổi, sau xung đột gay gắt với cha và mẹ kế, Trương Ái Linh chuyển đến sống với mẹ.

Mẹ của bà đã hướng con gái tiếp xúc với nền văn minh phương Tây từ rất sớm. Từ nhỏ, Trương Ái Linh đã theo học ở trường trung học Thiên chúa
St. Mary's Hall, ở đây bà được học cả tiếng Trung và tiếng Anh.

Đến năm 1939, Trương Ái Linh nhận được học bổng của Đại học London nhưng không nhập học vì chiến tranh Trung-Nhật nổ ra. Để tiếp tục giấc mơ học đại học bà đã chọn ngành Văn học Anh tại Đại học Hồng Kông.

Nhưng tới năm 1941, khi chỉ còn một học kỳ nữa là hoàn thành chương trình học, Hồng Kông lại bị quân Nhật chiếm đống. Trương Ái Linh quyết định về Trung Quốc học tiếp nhưng mọi dự định của bà đều không thành vì lý do tài chính.

Cuộc đời của Trương Ái Linh rơi vào bi kịch khi bà kết hôn với người chồng đầu tiên là Hồ Lam Thành, người đàn ông này cũng là mối tình đầu của Trương Ái Linh. Họ gặp nhau vào năm 1943 và kết hôn sau đó một năm với một đám cưới nhỏ, giản dị, không có sự chứng kiến của người thân. Vị khách duy nhất trong hôn lễ là người bạn thân từ thời trung học của cô dâu là Fatima Mohideen.

Những bi kịch đã xảy ra với Hoàng Tố Quỳnh năm xưa lại lặp lại với cô con gái Trương Ái Linh. Sau khi kết hôn, Hồ Lam Thành sớm ngoại tình. Không những thế, người đàn ông này còn là một phần tử thân Nhật và khiến nữ nhà văn gặp không ít rắc rối.

Năm 1945, Hồ Lam Thành trốn tới Triết Giang và sống cùng người phụ nữ khác sau khi quân Nhật đầu hàng. Một số nhà nghiên cứu cho rằng trong tác phẩm nổi tiếng của Trương Ái Linh là Sắc, Giới (Lust, Caution) có nhiều chi tiết dựa trên cuộc hôn nhân của tác giả và Hồ Lam Thành. Lại có ý kiến khác nói nhà văn đã dựa trên câu chuyện nữ điệp viên Trịnh Đình Như mưu sát tên Hán gian Mạc Đinh Thôn để viết nên tiểu thuyết này.

Hai diễn viên chính Lương Triều Vĩ và Thang Duy trong phim Sắc, Giới của đạo diễn Lý An dựa theo tác phẩm của Trương Ái Linh.

Năm 1949, khi Thượng Hải xây dựng chính quyền mới bà đã quay trở lại đây và tham gia vào đoàn đại biểu văn hóa. Chính Trương Ái Linh cũng đã về vùng nông thôn để viết về cải cách ruộng đất nhưng không thành công.

Do không hòa nhập được với thời cuộc nên trong suốt khoảng thời gian dài, Trương Ái Linh bị xem là nhà văn đối lập ở Trung Quốc đại lục. Mãi cho đến sau cải cách mở cửa, các tác phẩm của bà mới được nhìn nhận lại.

Năm 1955, Trương Ái Linh di cư sang Mỹ. Một năm sau đó bà kết hôn với biên kịch người Mỹ, Ferdinand Reyer . Bất hạnh hôn nhân lại một lần nữa ập đến với Trương Ái Linh khi chồng bà qua đời vào năm 1967 sau một thời gian bệnh nặng. Bà sống cô đơn, không con cái cho đến cuối đời. Trương Ái Linh mất năm 1995 tại căn hộ nhỏ ở Los Angeles. Suốt bốn mươi năm bà không trở về Trung Quốc.

Tập truyện ngắn Chuyện tình giai nhân của Trương Ái Linh.

Ngoài Sắc, Giới, Trương Ái Linh còn một số truyện ngắn và tiểu thuyết xuất sắc viết về Trung Quốc trong giai đoạn đầu thế kỉ XX như: Chuyện tình giai nhân, Cái gông vàng, Hoa hồng trắng, hoa hồng đỏ, Bán sinh duyên.

Bao trùm lên các tác phẩm của bà là một không gian u tối của thời cuộc. Khi xã hội còn đang mịt mờ giữa cái cũ và cái mới thì cơn lốc chiến tranh đã ập tới. Trong hoàn cảnh ấy con người không thể sống thật với cảm xúc của mình mà buộc phải toan tính đặc biệt là trong tình yêu.

Trong cuộc đời mình, Trương Ái Linh có rất nhiều duyên nợ với Thượng Hải. Phải chăng vì lẽ ấy, nên mảnh đất này hiện lên trong văn bà một cách đầy day dứt và nhiều lưu luyến.

Thụy Oanh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/truong-ai-linh-chuyen-doi-buon-nhuom-vao-van-nghiep-post691309.html