Trước khi cúng lạy phải dâng hương?

Bà TRẦN THỊ HOÀNG OANH, TP Mỹ Tho, Tiền Giang hỏi: Trong thực tế, thường thấy trước khi cúng tế ai cũng đốt nhang thắp lên bàn thờ. Xin hỏi: Không đốt nhang có ảnh hưởng gì đến việc cúng lễ không? Đốt mấy cây và cách dâng hương như thế nào là đúng?

ANH PHÓ trả lời: Thưa bà Hoàng Oanh,

Thắp hương (nhang) là tập quán chung của người Á Đông. Đặc biệt đối với người Việt Nam, việc đốt hương, thắp hương lên bàn thờ là nét văn hóa truyền thống lâu đời, ai cũng làm theo. Người Việt cảm thấy áy náy khi đi lễ ở đình, chùa, miếu hay các nơi thờ ông bà, cha mẹ, cúng viếng người chết, thăm viếng mồ mả người thân… mà lạnh lẽo, không có đèn, nhang… “Lòng thành thắp một nén hương”. Hương có mùi thơm khi đốt lên sẽ phát tỏa làn khói phảng phất bay lên không trung như một nhịp cầu vô hình nối kết hai thế giới hữu hình và vô hình, khiến con người có cảm giác gần gũi hơn với thần linh, trời Phật và thế giới bên kia… Đốt hương cần thiết đến nỗi mỗi khi đến chùa thì người ta nói “đến chùa dâng hương lễ Phật”, đến viếng đám tang chia buồn cùng tang quyến thì người ta nói “đến đốt cây nhang”…

Việc đốt nhang đơn giản là mua đem theo hay nơi thăm viếng có sẵn, đốt cháy đều rồi cắm vào bát nhang đặt ở bàn thờ.

Theo quan niệm dịch lý thì “chẵn thuộc về âm, lẻ thuộc dương” nên để điều hòa âm dương, khi thắp hương người ta nghĩ rằng phải thắp số lẻ. Tức là dù cúng thần linh hay các đấng “khuất mày khuất mặt” nào đó cũng phải dùng số lẻ: một, ba, năm, bảy cây một lượt… Thường thì chỉ cần cắm ở mỗi bàn thờ một cây, song đối với người chủ tế thì phải dùng một lượt ba cây nhang lớn, còn lại những thành viên khác trong đoàn mỗi người chỉ cần thắp một cây nhỏ tiếp theo thôi. Khi thắp hương, người dâng hương chắp hai bàn tay cầm cây hương nâng lên ở vị trí ngang trán, vái ba vái rồi cắm hương vào bát nhang. Khi cắm nhang lên bàn thờ cũng thủ lễ bằng hai tay cho ra vẻ trân trọng.

Đốt nhang là thủ tục mở đầu như xin phép được làm lễ vậy. Sau đó mới cầu khẩn và vái lạy. Nơi đình chùa, miếu thờ linh thiêng nên theo phép “tĩnh túc”, nghĩa là phải giữ yên lặng tối đa, không nên nói lớn tiếng, khi khấn vái với người khuất mặt về nguyên tắc cũng chỉ nói lầm thầm, lẩm nhẩm mà thôi chứ không huênh hoang lớn tiếng.

Về trình tự thì thắp hương cúng từ bàn thờ trong ra ngoài, trước hết ở bàn thờ chính ở gian giữa rồi mới đến bàn thờ phụ hai bên: tả văn ban, hữu võ bá, ông bà, cô cậu chư vị…

Nói chung, thắp hương (đốt và cắm nhang lên bàn thờ) là nghi thức đầu tiên như một truyền thống bắt buộc, sau mới thực hiện các nghi thức cúng tế khác. Vái lạy mà thiếu nhang đèn thì việc cúng kiến trở nên tẻ nhạt, lạnh lẽo; sự linh thiêng từ đó cũng bị ảnh hưởng.

Kính chào bà.

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 6-2010)

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20100817040846988p1112c1113/truoc-khi-cung-lay-phai-dang-huong.htm