Trước hiện tượng tội phạm giết người vì mâu thuẫn cá nhân: Cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật

Từ thực tế các vụ án mạng xảy ra trong thời gian qua và các vụ án đã được Tòa án các cấp đưa ra xét xử cho thấy, nguyên nhân cụ thể dẫn đến hành vi phạm tội chủ yếu là do mâu thuẫn trong cuộc sống và nhận thức pháp luật của một số ít người còn hạn chế.

Giết người vì mâu thuẫn cá nhân

Ngày 26/8, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lưu động đối với Đặng Văn Khuyến (28 tuổi, quê Thừa Thiên-Huế), kẻ giết người yêu rồi lên Facebook thú tội từng gây ra sự căm phẫn của dư luân. Theo hồ sơ vụ án, từ cuối năm 2007, Đặng Văn Khuyến và Lê Thị Thúy Hằng có tình cảm với nhau. Cuối năm 2009, do ghen tức nên giữa Khuyến và Hằng thường xảy ra mâu thuẫn. Khuyến đã nhiều lần đánh, hăm dọa sẽ tạt a xít và dùng dao đâm chết Hằng nếu không dừng việc quan hệ, giao tiếp với những người đàn ông khác. Do quá sợ nên khoảng tháng 2/2011 Hằng chuyển chỗ ở, đến thuê phòng trọ tại nơi khác nhưng vẫn bị Khuyến đến quấy rối, cắt quần áo, đập phá đồ dùng cá nhân và đe dọa đốt phòng trọ. Khoảng 16 giờ 30 phút ngày 13/4/2013, khi thấy Hằng đi bộ ra về, Khuyến liền điều khiển xe gắn máy đuổi theo. Nhìn thấy Khuyến, Hằng bỏ chạy bộ vào một quán cơm để trốn. Khuyến lấy một con dao chuẩn bị từ trước lao đến nơi Hằng đang trốn trong quán chém liên tục, nhiều nhát vào người Hằng làm Hằng gục ngã tại chỗ và qua đời. Trước khi ra đầu thú, Khuyến đã lên Facebook kể lại câu chuyện tình và trách móc chị Hằng thay lòng đổi dạ, phụ bạc làm Khuyến đau khổ. HĐXX đã tuyên phạt Đặng Văn Khuyến mức án tử hình về tội Giết người.

Cùng ngày 26/8, TAND tỉnh Đồng Nai đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Ngô Văn Vinh, nguyên Đại úy Trạm Tuần tra kiểm soát giao thông Suối Tre, Phòng CSGT đường sắt đường bộ Công an tỉnh Đồng Nai về tội “Giết người trong trạng thái bị kích động mạnh”. Vinh là người đã bắn chết Phó Trạm CSGT Suối Tre. Theo cáo trạng, ngày 22/9/2013, do mâu thuẫn với thiếu tá Trần Ngọc Sơn (Phó Trạm CSGT Suối Tre) trong lúc hát karaoke, Vinh đã lấy súng K59 tìm gặp ông Sơn để trả thù. Trong lúc giằng co, súng nổ khiến ông Sơn trúng đạn tử vong.

Trước đó, ngày 22/8, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TPHCM đã bác kháng cáo tuyên y án tử hình đối với bị cáo Lê Văn Phước (SN 1967, ngụ tỉnh Đồng Nai) về tội “giết người”. Vào ngày 3/5/2013, bà Lý Thị Ngà (82 tuổi) mẹ đẻ của Phước do bị bệnh tai biến nên nằm liệt một chỗ khi đi đại tiện đã làm dính vào quần, chị Hiền (vợ Phước) thấy vậy vội kêu chồng vào đỡ đần để vệ sinh thay quần cho mẹ. Sau khi vệ sinh cho bà Ngà xong, Phước kêu mẹ há miệng ra để súc miệng nhưng do bị bệnh nên bà không làm được. Bực tức, Phước đánh bà. Tiếp đó, đứa nghịch tử này còn dùng tay bóp miệng rồi dùng đũa đâm liên tục vào miệng mẹ. Thấy vậy, chị Hiền đã vào can ngăn nhưng bị Phước xô ra, chị Hiền giận nên bỏ ra ngoài. Sau khi đưa mẹ lên giường nằm, đứa con bất hiếu này tiếp tục chửi bới, đánh đập mẹ tàn nhẫn khiến bà Ngà suy kiệt dẫn đến tử vong.

 Bị cáo Ngô Văn Vinh, nguyên đại úy CSGT bị xét xử vì dùng súng bắn đồng nghiệp

Bị cáo Ngô Văn Vinh, nguyên đại úy CSGT bị xét xử vì dùng súng bắn đồng nghiệp

Tại Tòa, Phước khai, trước đó bị cáo đã có men rượu trong người nên không kiềm chế được hành vi. Tội ác của Phước đã khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Tòa nhận định, đạo làm con đáng lẽ ra bị cáo phải đỡ đần, phải có trách nhiệm và bổn phận lấy sự hiếu đạo mà tận tình chăm sóc, phụng dưỡng mẹ già bệnh tật để đáp lại công ơn sinh thành. Tuy nhiên trong khi mẹ già đang bệnh liệt nằm một chỗ bị cáo chửi bới, hành hạ, đánh đập mẹ bị cáo nhiều lần gây nhiều vết thương khắp người dẫn đến tử vong. Tội ác của bị cáo, tòa không thể dung thứ.

Xử lý nghiêm khắc

Trong những năm gần đây tội phạm giết người vì nguyên nhân xã hội có xu hướng gia tăng. Từ thực tế các vụ án xảy ra trong thời gian qua và các vụ án đã được Tòa án các cấp đưa ra xét xử cho thấy, nguyên nhân cụ thể dẫn đến hành vi phạm tội chủ yếu là thủ phạm đã có uống rượu gây mâu thuẫn hoặc đã có mâu thuẫn ngấm ngầm từ trước như: Bất đồng quan điểm trong đời sống vợ chồng, ghen tuông, bạo hành gia đình; do cách ứng xử với nhau sau mâu thuẫn. Mặt khác, nhận thức pháp luật của một số ít người còn hạn chế, thậm chí bị sa sút về đạo đức, lối sống trong một bộ phận thanh thiếu niên; trong cuộc sống gia đình thiếu sự tôn trọng lẫn nhau…

Một trong những khó khăn trong công tác phòng ngừa loại tội phạm này, đó là hầu hết các vụ án giết người do nguyên nhân xã hội đều xuất phát từ những mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống hàng ngày. Trong đó, hầu hết các nạn nhân và thủ phạm đều có quan hệ với nhau, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, hành vi dã man, tàn bạo mà nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ mâu thuẫn trong sinh hoạt, trong nội bộ gia đình, họ hàng, do tranh chấp đất đai, nợ nần tiền bạc, ghen tuông tình ái; hoặc những mâu thuẫn bột phát nhất thời do va chạm trong cuộc sống, nhưng không được phát hiện và giải quyết triệt để. Từ đó nảy sinh mâu thuẫn âm ỉ, kéo dài và dẫn tới hành động phạm tội. Nhiều đối tượng trước đó là quần chúng tốt, nhưng do bị kích động mạnh trước những hành vi trái pháp luật của nạn nhân, hoặc do sự kích thích của rượu bia, cộng với những mâu thuẫn, thù tức trước đó đã bột phát dẫn tới hành vi giết người.

Để phòng ngừa, ngăn chặn các vụ giết người do nguyên nhân xã hội thì công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, quản lý, chăm sóc người thân trong gia đình là rất quan trọng. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi, biểu hiện vi phạm. Công an cơ sở cần phối hợp với chính quyền cùng cấp giải quyết các vụ tranh chấp, mâu thuẫn ban đầu trong nhân dân phải thấu tình đạt lý; phát huy tối đa vai trò, chức năng của các tổ chức hòa giải ở xóm ấp. Đối với vụ việc đã xảy ra thì xử lý nghiêm khắc, mang tính răn đe... Đồng thời phối hợp với các cơ quan tư pháp như Viện kiểm sát, Tòa án tiến hành điều tra, xét xử nghiêm đối với các đối tượng giết người do nguyên nhân xã hội để vừa tuyên truyền, giáo dục, vừa răn đe đối với các đối tượng khác.

Giết người do nguyên nhân xã hội hầu hết không phải do các đối tượng phạm tội chuyên nghiệp gây ra. Nguyên nhân chủ yếu là do sự xuống cấp về đạo đức xã hội và các vấn đề mâu thuẫn phát sinh từ cuộc sống nhưng không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Do vậy, đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này, ngoài trách nhiệm của lực lượng Công an cần có sự vào cuộc mạnh mẽ và cũng là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội và từng gia đình, từng người dân.

Phương Nam

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/phap-luat/vu-viec/truoc-hien-tuong-toi-pham-giet-nguoi-vi-mau-thuan-ca-nhan-can-tang-cuong-cong-tac-tuyen-truyen-giao-duc-phap-luat-59437.html