Trước giờ IPO VEAM

Trước ngày bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), hãy thử phân tích sức hấp dẫn của cổ phiếu Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM).

Một sản phẩm của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: T.L

Sẽ là đợt IPO lớn nhất trong năm?

Ngày 29-8 tới đây, VEAM sẽ IPO tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Vốn điều lệ của VEAM sau cổ phần hóa lên tới 13.288 tỉ đồng, tương đương 1,33 tỉ cổ phiếu lưu hành tính theo mệnh giá.

Theo phương án cổ phần hóa đã được Thủ tướng phê duyệt thì Nhà nước sẽ nắm giữ 678 triệu cổ phần tại VEAM, chiếm 51% vốn điều lệ. Số cổ phiếu bán ưu đãi cho người lao động sẽ là 5,7 triệu đơn vị, chiếm 0,43% vốn; cổ phiếu bán cho nhà đầu tư chiến lược sẽ là 478 triệu đơn vị, chiếm 36% vốn. Còn lại 167 triệu cổ phần (tương đương 12,57% vốn điều lệ) sẽ được bán đấu giá ra công chúng với giá khởi điểm 14.290 đồng/cổ phần. Với mức giá này, dự kiến Nhà nước sẽ thu về tối thiểu gần 2.400 tỉ đồng.

Nếu MobiFone không tiến hành cổ phần hóa trong năm 2016 thì đợt IPO của VEAM sẽ trở thành đợt IPO lớn nhất trong năm 2016.

Lãi lớn nhờ cổ tức từ các công ty liên kết!

Về lịch sử hoạt động, VEAM là doanh nghiệp nhà nước được hình thành từ năm 1990 và được thành lập lại năm 1995 với số vốn 210 tỉ đồng, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chế tạo động cơ và máy nông nghiệp. Vào những năm cuối của thập niên 1990, Nhà nước có chính sách thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài. Tận dụng được cơ hội, cộng với ưu thế về năng lực chế tạo máy, VEAM đã tiến hành góp vốn và liên doanh, liên kết với nhiều đối tác trong và ngoài nước trong lĩnh vực cơ khí, sản xuất ô tô xe máy. Thời điểm hiện tại, VEAM có 22 công ty con, công ty liên kết; sử dụng hơn 7.000 lao động và đã sản xuất được ô tô tải mang thương hiệu VEAM Motor tại nhà máy có công suất 33.000 xe tải một năm ở Thanh Hóa. Ngoài ra, VEAM hiện còn tham gia cung cấp các linh kiện, phụ tùng cho các hãng Honda, Piaggio, Yamaha.
Về hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất, lợi nhuận sau thuế của công ty có sự tăng trưởng trong ba năm gần đây (năm 2013 đạt 170 tỉ đồng; năm 2014 đạt 857 tỉ đồng; năm 2015 đạt 3.366 tỉ đồng).

Dự báo lợi nhuận của VEAM sẽ có xu hướng giảm trong các năm sắp tới. Cụ thể, lợi nhuận trong năm 2016 dự kiến chỉ ở mức 3.500 tỉ đồng, năm 2017 là 3.100 tỉ đồng, năm 2018 là 2.300 tỉ đồng và năm 2019 là 2.400 tỉ đồng.

Lợi nhuận tăng đột biến trong năm 2015 chủ yếu nhờ sự đóng góp của doanh thu hoạt động tài chính, đạt 3.433 tỉ đồng - tăng gấp 3 lần so với năm trước đó. Nguồn doanh thu này của VEAM đến từ các khoản đầu tư góp vốn vào các công ty liên kết. Hiện VEAM đang nắm giữ 30% cổ phần tại Honda Việt Nam, 20% cổ phần tại Toyota Việt Nam và 25% cổ phần tại Ford Việt Nam. Tổng vốn đầu tư của VEAM vào ba đơn vị này ban đầu chỉ là 558 tỉ đồng song đến cuối năm 2014, ước tính đã tăng lên hơn 10.000 tỉ đồng.

Với việc thống lĩnh thị trường tiêu thụ xe máy trong nước, Honda Việt Nam cũng chính là đơn vị mang lại nhiều giá trị thặng dư nhất cho VEAM về giá trị khoản vốn đầu tư và tiền cổ tức hàng năm. Từ vốn đầu tư ban đầu 253 tỉ đồng, đến nay khoản đầu tư trên đã trở thành hơn 7.100 tỉ đồng. Năm 2015, VEAM nhận được 3.390 tỉ đồng tiền cổ tức thì có 2.677 tỉ đồng từ Honda Việt Nam và 678 tỉ đồng từ Toyota Việt Nam.

Trong tương lai, cổ phiếu VEAM có còn hấp dẫn?

Mặc dù có lợi nhuận lên đến cả ngàn tỉ đồng trong năm vừa qua nhưng kết quả này không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi mà chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố khách quan là hoạt động từ các công ty liên kết khiến không ít nhà đầu tư đặt dấu hỏi về sức hấp dẫn của cổ phiếu VEAM. Đặc biệt, với bối cảnh thị trường xe máy đang dần bão hòa trong khi các nhà sản xuất ô tô trong nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn do lộ trình giảm thuế nhập khẩu từ thị trường ASEAN thì tình hình kinh doanh của Honda và Toyota sẽ khó có thể thuận lợi như trước.

Trước viễn cảnh trên, dự báo lợi nhuận của VEAM sẽ có xu hướng giảm trong các năm sắp tới. Cụ thể, lợi nhuận trong năm 2016 dự kiến chỉ ở mức 3.500 tỉ đồng, năm 2017 là 3.100 tỉ đồng, năm 2018 là 2.300 tỉ đồng và năm 2019 là 2.400 tỉ đồng.

Đối với hoạt động sản xuất các trang thiết bị động lực, máy nông nghiệp, máy kéo, VEAM có thể sẽ được hưởng lợi từ quá trình công nghiệp hóa ngành nông nghiệp. Dự kiến đến năm 2020, cơ giới hóa nông nghiệp sẽ đạt ít nhất 70%. Đây là động lực tiêu thụ sản phẩm của công ty. Về hoạt động sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, đây là lĩnh vực then chốt, mũi nhọn và có triển vọng lớn, luôn được Chính phủ khuyến khích. Tuy nhiên, nhìn chung, các lĩnh vực trên đều sẽ phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất Trung Quốc.

Việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cũng đang là bài toán khó đối với VEAM. VEAM cho biết Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco) đã nhiều lần làm việc với VEAM và mong muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược. Cụ thể, vào tháng 8-2015, Vinamco đã có đề nghị được mua tối thiểu 36% cổ phần VEAM theo phương thức mua trước khi bán đấu giá công khai nhưng với mức giá tối đa chỉ là 10.050 đồng/cổ phần - thấp hơn nhiều so với mức giá IPO. Ngoài Vinamco, hiện chưa có đối tác nào sẵn sàng để trở thành cổ đông chiến lược của VEAM.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/150465/truoc-gio-ipo-veam.html/