Trước chuyến thăm của ông Obama, Lào có dấu hiệu 'ngãng ra' khỏi Trung Quốc

Trong tuần tới, thủ đô Vientiane của Lào sẽ trở nên nhộn nhịp khi các nhà lãnh đạo thế giới tới đây để dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN, trong đó có cả Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Ngoại trưởng Lào Saleumxay Kommasith và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ở Bắc Kinh ngày 3.8.2016.

Chuyến thăm sẽ là cơ hội cuối để ông Obama thúc đẩy chính sách đối ngoại "tái cân bằng" sang Châu Á, một chính sách được xem là nhằm đáp trả sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc đang vươn ra khắp khu vực.

Reuters dẫn lời các quan chức ngoại giao cho biết, ông Obama sẽ thúc đẩy chính sách mở cửa ở Lào mà chính phủ mới lên nắm quyền từ tháng Tư vừa qua thúc đẩy.

Theo các nhà ngoại giao thì chính phủ mới có vẻ xa rời Trung Quốc hơn. Một nhà ngoại giao phương Tây ở Đông Nam Á nói: "Không bao giờ là quá muộn để một tổng thống Mỹ tới thăm".

Ông Obama là tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm Lào, nơi Mỹ đã thả xuống gần 2 triệu tấn bom trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Khoảng 30% trong số đó vẫn chưa nổ, để lại một di sản nguy hiểm và đắt giá - theo bình luận của Reuters. Vì vậy việc giải quyết hậu quả chiến tranh vân là một chủ đề quan trọng giữa hai nước.

Lào có tầm quan trọng chiến lược cả với Việt Nam và Trung Quốc. Với nhiều nhà máy thủy điện dọc sông Mekong, một trong những con sông dài nhất thế giới, Lào đang nhằm trở thành "viên pin của Châu Á" bằng cách bán điện cho các nước láng giềng.

Tại hai cuộc họp của ASEAN gần đây ở Lào, Vientiane đã thể hiện quan điểm nhiều sắc thái hơn với Bắc Kinh, so với nước láng giềng Campuchia.

"Lợi ích chiến lược của Mỹ ở Lào là thấy nước này thể hiện một mưc độ tự trị chiến lược nhất định, bởi họ không muốn thứ gì giống như quan hệ giữa Trung Quốc với Campuchia" - Phuong Nguyen thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ nhận xét.

Một quan chức quốc phòng ở Washington không bình luận về các vấn đề chiến lược lớn hơn, nhưng miêu tả Lào là "một đối tác quan trọng".

Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng "chúng tôi hoan nghênh bất kỳ nước nào trong và ngoài khu vực, phát triển các mối quan hệ xây dựng , chừng nào mà quan hệ đó thực sự có lợi cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực".

Bắc Kinh đã đầu tư khoảng 1 tỉ USD mỗi năm ở Lào trong giai đoạn 2014 - 2015, tăng đáng kể so với khoản đầu tư 4,5 tỉ USD trước năm 2014. Với Mỹ, Lào không phải là nơi thu hút đầu tư mạnh.

"Ở Lào, chúng tôi đưa tới 7 -8 công ty bàn thảo, so với 30 - 40 công ty mà Việt Nam đưa đến. Nhưng Trung Quốc - đó là một trận bóng hoàn toàn khác" - Anthony Nelson, giám đốc hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN cho biết.

"Không phải ngẫu nhiên mà các nước ít phát triển nhất như Lào và Campuchia lại sẵn sàng nhất trong việc khoan dung với quan điểm của Trung Quốc trong các cuộc thảo luận quốc tế".

Nhưng Lào gần gũi hơn về văn hóa với Việt Nam so với Trung Quốc. Các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng tiếng Lào và các gia đình kết hợp Lào - Việt hòa nhập vào phong tục dịa phương, trong khi các gia đình Lào - Trung có vẻ bị cô lập.

"Chúng tôi có phần phẫn nộ với Trung Quốc. Họ tạo ra hệ sinh thái riêng của họ" - một doanh nhân Lào cho biết.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/truoc-chuyen-tham-cua-ong-obama-lao-co-dau-hieu-ngang-ra-khoi-trung-quoc-587526.bld