Trung thu còn ở trong lòng

Nhớ hồi giữa những năm 1990, đi dạo một Chinatown - phố Tàu bên Mỹ, đường phố huyên náo chen chúc và kín mít biển quảng cáo xanh đỏ vàng tím lòe loẹt, cứ ngỡ mình chui vào một hộp bánh Trung thu khổng lồ hoặc đúng hơn là đang chui vào trong một cái đèn kéo quân sặc sỡ - tít mù nó chạy vòng quanh.

Ảnh minh họa.

Anh bạn Mỹ gốc Việt N.B. bỗng chỉ tay lên mảnh trời con hiếm hoi trên đỉnh dãy nhà chọc trời, le lói vầng trăng tháng Tám: Nhìn nó vàng ệch, lẻ loi và vô duyên. Cái cục đá tròn như một ông lão mặt rỗ chằng chịt đang nhăn nhó không rõ nguyên nhân. Anh đùa: Cái “thằng cuội”! Cuội là đá cuội chăng? Hay là kẻ dối trá như “cuội”? Được cái nó vẫn tròn, hình tròn duy nhất trên bầu trời bao la, và vẫn sáng nhất trong đêm đen vô tận dù chẳng còn được tích sự gì nữa. Có nhẽ nó chỉ còn một công dụng là để mấy ông thi sĩ Việt hạng hai, đang không có việc làm tức cảnh sinh tình mà gieo vần nhảm. Hai chúng tôi gật gù thấy mình chí lý về sự biến cải của xã hội, tâm lý nhân gian và lý tưởng thẩm mỹ phân biệt nước giàu với nước nghèo. Phân biệt văn hóa đã phát triển và “đang phát triển” chẳng qua là khoác bộ áo mới của quan điểm thực dân phân biệt Văn minh - bán khai, tiến bộ - lạc hậu. Chỉ có các anh lạc hậu, bán khai, đang phát triển mới giữ cái đẹp vô tích sự vừa vu vơ, hão huyền vừa mất thời gian. Người văn minh ai còn làm thơ, tỏ tình với chị Hằng mũm mĩm. Thế rồi anh bạn gốc Việt của tôi về Việt Nam nhiều lần hợp tác, làm ăn, tìm lại dòng tộc, kết thân bạn đồng niên nơi cố hương và dần dà cũng làm thơ tặng chị Hằng thật. Chả là anh noi theo thơ Thiền thanh bạch chỉ toàn trăng - cây tùng - con hạc - suối - rừng và cả tuyết nữa.

Truyền thống quả là sống rất dai trong nghệ thuật. Thơ về Hà Nội thì 50 năm nay tất phải có quả sấu rơi trên mái ngói màu nâu, từ thời Lưu Quang Vũ tới anh bạn trẻ nhất chuyên làm thơ về tuổi thơ Hà Nội mới ra tập thơ mới vào tháng trước, dù tôi cược rằng theo thống kê đầy đủ thì hai năm 2015 - 2016 này toàn thành không có quả sấu nào rơi trên mái ngói cả! Trong nghệ thuật ca nhạc, thi, họa, kịch, múa, vui chơi, bảo tàng… mùa Trung thu năm nay đều nhất loạt rộ lên hình ảnh biểu tượng và sự phục dựng, phục chế những thứ người già người lớn còn trong tâm tưởng, kỷ niệm: Đó là con tò he vô duyên ở các siêu thị, các bé gái mặc váy đen, áo nâu giả vờ nhí nhảnh chơi ô ăn quan ở phố đi bộ cho khách du lịch xem, là kéo co mà em trai có vấn thêm “khăn đầu rìu đỏ” và đánh đu bằng lốp ôtô cũ, là tự dán mặt nạ giấy bồi, tự làm đèn ông sao năm cánh và đúc bánh dẻo hình con cá mà khuôn do một NNND (sẽ được phong tặng) đục đẽo bằng gỗ tốt… Tội nhất là vài bé trai bị cắt “tóc trái đào” cho giống tranh dân gian xưa. Thiết thực nhất có lẽ là các quầy bán bánh Trung thu đại hạ giá cạnh các cây xăng. Nhân và bột đều truyền thống thứ thiệt do là nghề gia truyền. Giá cực bèo nên công nhân, người nhập cư, lang thang cơ nhỡ cũng mua được để “bày cỗ trông trăng”. Nghe nói cũng phổ biến ở Châu Á và nước ta là các loại bánh Trung thu nhân kim cương, vàng ngọc… dùng để đưa và nhận hối lộ khiến cuộc chiến chống tham nhũng rất cam go!

Tổ dân phố tổ chức cho các cháu rước đèn một vòng từ đầu này tới đầu kia khu phố nhà mình rồi vòng trở lại và giải tán. Tôi cũng dám cược rằng mười năm nay lũ con cháu tôi, cả thảy 17 đứa, không có đứa nào “trông trăng” hay háo hức chờ Tết Trung thu cả. Hôm rằm có chỉ cho chúng xem ông trăng tròn thì chúng cũng liếc mắt một cái rồi quay vào, vừa vuốt iPad vừa lẩm bẩm: Vớ vẩn! Ước định trăng Trung thu là tết của trẻ con song chủ yếu là người lớn lo biếu xén nhau và bày vài trò vặt dụ chúng nó cho có lệ. Đám lồng đèn khổng lồ thu hút được trẻ nhỏ quận 8 - thực chất là các con thú nhựa bơm hơi kiểu Vịt con khổng lồ vàng chóe của nghệ sĩ đương đại Hà Lan. Chúng hào hứng, sốt sắng, chủ động với lễ Valentine hay Halloween hơn Trung thu nhiều.

Dường như mọi thứ truyền thống, mọi giá trị xưa cũ (được người già khá tùy tiện nâng lên hàng quốc túy, quốc hồn) đều chỉ nằm trong kỷ niệm, ký ức của một lớp người. Khôi phục áp đặt chúng cho lớp trẻ không phải dễ. Bà cụ vừa tiếc rẻ gọt lớp mốc meo trên vỏ bánh nướng bị bỏ mứa và lượm vào sọt rác cái đèn giấy thằng cháu vứt chỏng trơ vừa tự sự rằng: Trăng rằm đêm nay vẫn vằng vặc, nó từng soi sáng tổ tiên thiên cổ ta và sẽ còn soi sáng chút chít ta trăm ngàn năm sau. Đúng là trơ gan cùng tuế nguyệt. Lo gì! Cứ giữ được nó trong lòng là nó sẽ còn đó thôi mà.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/trung-thu-con-o-trong-long-593381.bld