'Trung tâm' nâng bước học sinh đến trường ​

“Không chỉ chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều biện pháp phát hiện sớm để giúp đỡ, động viên học sinh (HS) đến trường... CĐCS Trường THPT Phú Điền còn xây dựng mô hình bồi dưỡng HS yếu kém... vừa góp phần ngăn được nạn bỏ học, vừa nâng cao chất lượng học tập...” - ThS Lê Văn Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT Phú Điền (Tháp Mười, Đồng Tháp) - tự hào khi nói về vai trò “trung tâm” của tổ chức CĐ tại đơn vị.

Giáo viên Trường THPT Phú Điền đóng góp quỹ hỗ trợ học sinh.

Vùng ven, nhưng không... “đen”

Sau Tết Nguyên đán, nhiều trường THPT ở ĐBSCL như trong tâm bão của nạn HS bị rủ rê đi lao động (LĐ) tại các khu công nghiệp... nhưng Trường THPT Phú Điền lại rất bình lặng khi chỉ có 2 HS bỏ học trong tình thế “chẳng đặng đừng”. “Do cả gia đình đưa nhau lên Bình Dương LĐ kiếm sống nên chúng tôi mới hết cách” - thầy Trần Thanh Vân - giáo viên chuyên trách công tác phổ cập của trường - lý giải. Đây là con số lý tưởng đến mức như không tưởng đối với ngôi trường nằm ở vị trí đặc thù: vùng sâu và giáp ranh 2 tỉnh Đồng Tháp - Tiền Giang như Phú Điền.

ThS Lê Văn Tuấn cho biết, trường có 20 lớp với gần 750 HS, nhưng có đến hơn 20% đến từ xã Mỹ Trung (Cái Bè - Tiền Giang). Ông Tuấn nhấn mạnh: “Do thuộc địa bàn tỉnh bạn, nên nhà trường không thể ký liên tịch trách nhiệm với địa phương. Trong khi đó, đa số đời sống của người dân nơi đây còn khó khăn, phụ huynh ít có điều kiện quan tâm đến việc học hành của con em, thậm chí có gia đình còn để con, em LĐ kiếm sống từ rất sớm nên những năm đầu thành lập (2000) trường từng là điểm “đen” về nạn HS bỏ học với tỉ lệ trên 10%”.

Tuy nhiên, theo ông Mai Văn Bé Bảy - Chủ tịch CĐ ngành GDĐT Đồng Tháp - những năm gần đây, Phú Điền được xem là hiện tượng của ngành GDĐT tỉnh Đồng Tháp khi không chỉ hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng HS bỏ học, mà còn vươn lên có mặt trong danh sách học sinh giỏi của tỉnh... Cụ thể năm học 2015-2016, tỉ lệ HS bỏ học chỉ là 1% và có đến trên 20 HS giỏi văn hóa cấp tỉnh, tiếng Anh qua mạng Internet..

Vai trò Công đoàn

ThS Tuấn đúc kết: “Tất cả là nhờ tổ chức CĐ”. Không chỉ chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều biện pháp phát hiện sớm để giúp đỡ, động viên HS đến trường theo phương thức đi trước, đón đầu... CĐCS trường còn linh động xây dựng mô hình bồi dưỡng HS yếu... Nổi bật là việc xây dựng kế hoạch ứng phó chủ động.

Cô Nguyễn Thị Út - Chủ tịch CĐCS nhà trường - chia sẻ: “Trước thời điểm nghỉ dài, như lễ, tết, hay mùa thu hoạch nông sản... chúng tôi chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp, như: Vận động giáo viên chủ nhiệm lên danh sách nhóm HS có nguy cơ... Đến thời điểm đi học lại, nếu xác định số HS vắng nằm trong nhóm này thì nhanh chóng báo cáo lên CĐCS lên kế hoạch liên lạc, liên hệ với gia đình để tìm hiểu nguyên nhân, vận động... “Nếu xác định HS thuộc diện nghèo, chúng tôi phối hợp cùng Chi bộ Đảng xem xét từ “Quỹ khuyến học” (do đoàn viên là đảng viên đóng góp hằng tháng) hỗ trợ từ 200.000 - 250.000 đồng/em/tháng.

Nếu xác định HS bỏ học vì học yếu, kém thì lên kế hoạch dạy kèm bằng mô hình “1 + 1”, cô Út giải thích thêm: “Mỗi giáo viên là đoàn viên nhận trách nhiệm đỡ đầu, dạy phụ đạo 1 HS kết hợp với tác động đến gia đình”. Điều này đã biến những chuyện tưởng chừng như không thể thành... có thể. Trường hợp của Nguyễn Thành Nhân, lớp 10cb3 (ấp Mỹ Lệ B, Mỹ Trung, Cái Bè) là điển hình. Do học yếu, em sợ đến lớp. Ba mẹ đi làm thuê nên không biết. Nhưng sau khi được thầy cô đến nhà vận động, rồi bồi dưỡng kiến thức, em đã tự tin đi học lại. Không chỉ vậy, hôm gặp chúng tôi, Nhân còn “bật mí”: Sẽ quyết tâm học để bằng người anh đang học ngành y”.

LỤC TÙNG

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cach-lam-hay/trung-tam-nang-buoc-hoc-sinh-den-truong-642457.bld