Trung tâm Hỗ trợ Đào tạo và Cung ứng nhân lực: Tại sao cán bộ, nhân viên lại kêu cứu lên cơ quan chủ quản?

Là một đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian trước, các hoạt động nơi đây khá êm đềm. Tuy nhiên từ khi ông Quách Tất Kiên được cử giữ trọng trách chưa đầy 8 tháng đã để xẩy ra tình trạng đơn thư kéo dài gửi lên cho Bộ trưởng và các cấp ngành. Để rộng đường dư luận, Thanh tra Bộ đã vào cuộc. Tuy nhiên, sau khi kết luận thanh tra được ban hành (quá thời gian quy định) nhưng vẫn không làm cho cán bộ nhân viên ở đây tâm phục khẩu phục và khiến họ lại tiếp tục khiếu nại.

Trong đơn thư gửi đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan ban ngành cũng như các cơ quan báo chí, cán bộ nhân viên (CBNV) đã công tác lâu năm nơi đây cho biết cực chẳng đã họ phải có những hành động này. Trong các bức xúc về quản lý điều hành, thì đáng quan tâm nhất đấy là việc Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Đào tạo và Cung ứng nhân lực (TTĐTHTCUNL) đã làm khống chứng từ để rút tiền ngân sách, có dấu hiệu sai phạm trong việc nộp tiền bảo hiểm y tế, kí các hợp đồng thuê khoán chuyên môn để giải ngân…

Đơn cử như ngày 19/8/2015, TTĐTHTCUNL có kí Hợp đồng đào tạo số 1639 ngày 19/8/2015 với Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh về việc đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên làm công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; thời gian bồi dưỡng từ ngày 21/9/2015 đến hết ngày 25/9/2015 với tổng giá trị là 270.435.000. Theo Hợp đồng, số lượng học viên được bồi dưỡng là 435 người chia thành 07 lớp, định mức kinh phí đào tạo 621.689 đồng/người.

TTĐTHTCUNL nơi đang gây ra những bức xúc cho CBNV.

Tuy nhiên, theo CBNV đứng tên đơn thư họ lại cho rằng, thực chất hợp đồng trên chỉ thực hiện đào tạo và bồi dưỡng cho 198 người. Việc này đã được thể hiện qua email (nhiều người vẫn còn lưu giữ) những chỉ đạo của ông Quách Tất Kiên gửi tới nhân viên văn phòng khi ông yêu cầu văn phòng làm quyết định cấp giấy chứng nhận (theo danh sách 198 học viên). Đi kèm với số học viên khống là danh sách giảng viên khống, trong đó có cả giảng viên của TTĐTHTCUNL và gây cho họ những bức xúc. Qua các diễn biến trên, những người đứng đơn cho rằng, ông Kiên đã có dấu hiệu: làm khống hợp đồng, chứng từ để rút tiền ngân sách Nhà nước

Cũng theo CBNV, để có cớ lấy rút tiền ngân sách, ngoài hợp đồng liên kết trên, thì trong 2 năm 2015 – 2016, ông Kiên còn chỉ đạo lập các hợp đồng thuê khoán chuyên môn để giải ngân. Trong các Quyết định thuê khoán chuyên môn, ông Kiên với vai trò là giám đốc Trung tâm đã chỉ lấy cớ là: Xét đề nghị của Chánh Văn phòng, Trưởng phòng Hỗ trợ đào tạo, Trưởng phòng Cung ứng và Xuất khẩu nhân lực… Tuy nhiên, trên thực tế những người bị ông Kiên “lôi vào cuộc” này lại cho rằng họ không được làm các đề xuất, đề nghị trên.

Thực chất, việc thực hiện thuê khoán chuyên môn để giải ngân đều do Giám đốc Quách Tất Kiên và kế toán trưởng thực hiện. Quy trình thủ tục thuê khoán chuyên môn đều bị bỏ qua, ông Kiên tự quyết định thuê khoán người quen biết và tự nghiệm thu sản phẩm mà không qua Hội đồng nghiệm thu. Sản phẩm thuê khoán chuyên môn để làm gì, chất lượng đến đâu, năng lực của các chuyên gia thuê khoán như thế nào, có đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ hay không… CBNV TTĐTHTCUNL đều không được biết.

Ví dụ, để triển khai Đề án mạng cung – cầu, ông Kiên đã ký các hợp đồng thuê khoán chuyên môn với các chuyên gia và thanh lý hợp đồng trong năm 2015 với tổng số tiền trên 150 triệu trong khi những người này chỉ tham gia từ tháng 1/2016 (văn bản chỉ đạo của ông Kiên qua email) và chỉ tham gia với vai trò đóng góp ý kiến cho các Báo cáo của Đề án (tức là tham gia trong phạm vi rất nhỏ). Bằng những việc làm trái nguyên tắc này nên phần lớn kinh phí năm 2015 được Bộ cấp thêm cho nhiệm vụ chuyên môn 600.000.000 đồng và một phần kinh phí năm 2016 đã được sử dụng vào việc này.

Về bảo hiểm y tế, mặc dù tất cả CBVC đã bị trừ tiền bảo hiểm y tế theo lương của tháng 1 và 2 năm 2016 nhưng có điều lạ là mãi đến ngày 28/3/2016 họ mới nhận được thẻ bảo hiểm y tế và thẻ được tính từ ngày 01/3/2016. Như vậy, theo CBNV ở đây, 2 tháng họ nộp tiền nhưng không được tính trong bảo hiểm y tế. Việc này đã gây khó khăn rất lớn cho họ trong việc khám chữa bệnh vào tháng 1 và tháng 2. Ngoài những nội dung này, CBNV ở đây còn tố cáo ông Kiên thêm những vi phạm khác như sử dụng xe công không đúng mục đích, mất dân chủ, hách dịch, độc đoán…

Hợp đồng đào tạo số 1639 với Tây Ninh và nội dung email chỉ đạo cho việc lập hồ sơ của ông Quách Tất Kiên.

Nhận được đơn thư CBNV TTĐTHTCUNL, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ủy quyền cho Thanh tra Bộ vào cuộc. Ngày 06/6/2016, TTĐTHTCUNL nhận được Quyết định số 1884/QĐ-BGDĐT và Quyết định về việc thụ lý giải quyết tố cáo và thành lập Tổ xác minh tố cáo, thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý tố cáo. Tuy nhiên, đã nhiều lần Thanh tra Bộ đến làm việc với TTĐTHTCUNL cũng như bản thân những người tố cáo nhưng quá thời hạn đến rất nhiều ngày họ vẫn chưa nhận được kết luận thanh tra. Để đảm bảo quyền lợi, CBNV đã phải kiến nghị nhiều lần, đến ngày 6/10/2016 Thanh tra Bộ mới ban hành kết luận số 743/KL – BGDĐT.

Trong kết luận này, tuy CBNV tố cáo nhiều vấn đề, xong trong quá trình thanh tra, Thanh tra Bộ chỉ kết luận 2 nội dung tố cáo là liên kết đào tạo với Tây Ninh và hợp đồng thuê ô tô là đúng. Với 2 sai phạm này, Thanh tra Bộ yêu cầu thu hồi 102.693.366 đồng nộp vào tài khoản của Bộ. Đối với cá nhân ông Qucáh Tất Kiên, Thanh tra Bộ cũng chỉ yêu cầu: Kiểm điểm với các trách nhiệm sai phạm, thiếu sót nêu trên và tự đề xuất hình thức xử lý, gửi BộGDĐT trước ngày 15/10/2016.

Theo CBNV TTĐTHTCUNL thì họ vẫn không cảm thấy bằng lòng với quyết định này và họ đang muốn các cơ quan chức năng liên quan vào cuộc để xử lý. Vì theo họ, việc lập các hợp đồng của ông Kiên là có dấu hiệu lập khoán chứng từ sổ sách để thông đồng rút tiền ngân sách chứ không chỉ đơn thuần là “không đúng số lượng, không phù hợp với hợp đồng và quyết toán tăng…” như “ngôn ngữ” mà kết luận thanh tra đã nếu.

Thiện Ngôn

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/tai-sao-can-bo-nhan-vien-lai-keu-cuu-len-co-quan-chu-quan/