Trung tâm Dạy nghề huyện Thường Xuân: 30 tỷ đồng ném qua… cửa sổ?

Được sự quan tâm của tỉnh, Trung tâm Dạy nghề (TTDN) huyện được xây dựng tại xã Xuân Cẩm với kinh phí trên 30 tỷ đồng (bao gồm 26 tỷ hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hơn 4 tỷ đầu tư trang thiết bị), chính thức được đưa vào sử dụng từ năm 2011. Thế nhưng...

Tiền nhiều, hiệu quả ít

Thường Xuân là huyện miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Thanh Hóa, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông – lâm nghiệp.

Được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng TTDN huyện Thường Xuân không thu hút nổi học viên

Được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng TTDN huyện Thường Xuân không thu hút nổi học viên

Được sự quan tâm của tỉnh, Trung tâm Dạy nghề (TTDN) huyện được xây dựng tại xã Xuân Cẩm với kinh phí trên 30 tỷ đồng (bao gồm 26 tỷ hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hơn 4 tỷ đầu tư trang thiết bị), chính thức được đưa vào sử dụng từ năm 2011.

Có 2 nhóm đối tượng mà Trung tâm hướng đến. Thứ nhất là những lao động nông thôn trong độ tuổi, có trình độ học vấn và sức khỏe. Trong đó ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng là người thuộc diện người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác.

Nhóm còn lại là cán bộ chuyên trách đảng, đoàn thể chính trị - xã hội, chính quyền và công chức chuyên môn xã; cán bộ nguồn bổ sung thay thế nằm trong quy hoạch cán bộ.

Hoạch định, lên phương án quy mô, rầm rộ là vậy nhưng đến khi áp dụng vào thực tế thì hiệu quả lại không được như mong đợi, số lượng học viên đăng ký tham gia giảm dần theo từng năm.

Các phòng học đóng cửa im ỉm suốt thời gian dài

Chứng kiến tình trạng này, nhiều người không khỏi quan ngại khi cho rằng tiền ngân sách nhà nước đang “rót vào thùng không đáy”.

Nhận định trên là có cơ sở, bởi theo quan sát của PV, dù không phải là ngày nghỉ (13/10) nhưng khuôn viên của TTDN huyện “vắng như chùa bà đanh”. Cả cơ ngơi hàng chục tỷ đồng không một bóng người, các lớp học đều khóa cửa im ỉm, trang thiết bị nằm chỏng chơ.

Hỏi ra mới biết, thực trạng trên tồn tại bấy lâu nay, đơn vị chủ quản và chính quyền đã lao tâm khổ tứ nhiều phen, gắng gượng tìm phương án khắc phục nhưng bất thành.

Trao đổi với PV NNVN, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc TTDN huyện Thường Xuân ái ngại cho biết: “Bây giờ đa số các em sau khi tốt nghiệp cấp 3 đều đi làm công ty nên việc tuyển sinh gặp rất nhiều khó khăn. Vì không đủ học viên nên năm nay chưa triển khai được lớp nào tại Trung tâm cả”.

Trang thiết bị đã lâu không được sử dụng

Lạ một điều, dù tín hiệu khả quan chẳng có nhưng TTDN huyện Thường Xuân vẫn được ưu ái tiếp tục duy trì hoạt động.
Cụ thể, nếu như trong năm 2015, đơn vị này chỉ được phân bổ 136 triệu để mở 2 lớp học thì đến năm nay nguồn kinh phí lại tăng vọt lên 500 triệu đồng áp dụng cho 5 lớp điện dân dụng (?!).

Theo ông Tuấn thì những năm đầu đi vào hoạt động, mọi việc tiến triển bình thường, mỗi năm duy trì được 2-3 lớp học, mỗi lớp có từ 23-35 học viên. Về sau, nhu cầu học giảm mạnh so với khảo sát ban đầu nên vắng học viên.

Ông Tuấn cho rằng, tốt nhất nên sáp nhập Trung tâm với Trường Giáo dục thường xuyên huyện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và tỉnh (?!).

Càng chữa càng cháy

Không thể thu hút học viên đến đăng ký theo học trực tiếp tại Trung tâm, đơn vị này đã đề xuất lên UBND huyện phương án cắt cử cán bộ, đồng thời mang trang thiết bị xuống trực tiếp tại các thôn, bản để giảng dạy ngay tại chỗ.

Ông Cầm Bá Đứng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân lý giải: “Ban đầu huyện rất băn khoăn, nhưng xét thấy thực tế không còn phương án nào khả dĩ hơn nên chấp nhận để Trung tâm giảng dạy lý thuyết tại các trung tâm học tập cộng đồng của các xã, nhưng đến khi thực hành bắt buộc học viên phải về trường”.

Trang thiết bị đã lâu không được sử dụng

Sau khi được UBND huyện “mở đường”, TTDN huyện Thường Xuân đã lên kế hoạch triển khai, thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn tại 5 xã trên địa bàn (Xuân Cao, Vạn Xuân, Tân Thành, Xuân Thắng và Luận Khê) với quy mô 175 người/5 lớp.

Thế nhưng, theo lời ông Anh Tuấn, đến nay Trung tâm mới chỉ khai giảng được 1 lớp duy nhất tại xã Xuân Thắng, 4 lớp còn lại vẫn chưa có học viên tham gia.

Có thể khẳng định, phương án “lý thuyết một đằng, thực hành một nẻo” theo hướng “chữa cháy” mà TTDN và UBND huyện Thường Xuân đang phối hợp thực hiện là không khả thi và khó có thể mang lại hiệu quả.

Việt Khánh

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/trung-tam-day-nghe-huyen-thuong-xuan-30-ty-dong-nem-qua-cua-so-post177851.html