Trung tâm của Thủ đô kháng chiến…

Huyện Định Hóa (Thái Nguyên) hội tụ cả ba yếu tố: 'Thiên thời, địa lợi, nhân hòa' để Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn xây dựng thành An toàn khu (ATK) trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ của dân tộc.

Về quân sự, Định Hóa có địa hình lý tưởng “tiến có thể đánh, lui có thể giữ”, là nơi bảo đảm được bí mật lực lượng, tổ chức hoạt động huấn luyện hoặc phục kích, ngăn chặn các cuộc càn quét của địch. Định Hóa có nguồn tài nguyên rừng, nước, lương thực, thực phẩm tự nhiên…, có thể tự cung tự cấp, làm hậu phương cho căn cứ địa... Định Hóa còn có cơ sở và phong trào quần chúng mạnh; người dân có truyền thống yêu nước và cách mạng, một lòng trung kiên với Đảng, với cách mạng.

Du khách đến thăm nơi ở của Bác Hồ tại xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Với tầm nhìn chiến lược về vùng đất Định Hóa, từ năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã phái hai cán bộ (đồng chí Nông Văn Quang và đồng chí Trương Văn Thiết) về Định Hóa tìm bắt liên lạc và chuyển thư của Người đến đồng chí Vũ Hưng, cán bộ trung kiên của Đảng hoạt động tại đây. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm thấy được ngày sẽ trở lại Việt Bắc, nên Người giao nhiệm vụ cho đồng chí Phạm Văn Đồng, cùng một số cán bộ ở lại một thời gian để củng cố khu căn cứ. Cuối tháng 10-1946, sau khi từ Pháp trở về nước, Người phái Trưởng ban Tài chính Trung ương Đảng Nguyễn Lương Bằng trở lại Việt Bắc chuẩn bị địa điểm xây đựng căn cứ địa kháng chiến. Các địa điểm thuộc huyện Định Hóa (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Kạn) được chọn làm nơi ở và làm việc của các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ trong trường hợp phải rời khỏi Thủ đô.

Đầu tháng 11-1946, theo chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Trần Đăng Ninh tổ chức Đội công tác đặc biệt lấy bí danh là Trung đội 13, đi nghiên cứu kế hoạch hành quân cho các cơ quan Trung ương từ Hà Nội lên Việt Bắc bảo đảm tuyệt đối bí mật an toàn. Sau khi khảo sát thực tế, cân nhắc kỹ lưỡng, đội quyết định chọn các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên) cùng với các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) và Chợ Đồn (Bắc Kạn) làm nơi xây dựng ATK của Trung ương. Địa điểm xây dựng ATK Trung ương, chủ yếu thuộc địa phận 4 xã: Phú Đình, Điềm Mặc, Thanh Định, Định Biên, thuộc huyện Định Hóa.

Từ mùa xuân năm 1947, tại vùng miền núi Việt Bắc đã hình thành ATK Trung ương, chủ yếu trên địa bàn 4 huyện: Định Hóa (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Kạn), Sơn Dương và Yên Sơn (Tuyên Quang); trong đó Định Hóa là trung tâm. Nơi đây đã trở thành đại bản doanh của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Chính phủ, quân đội và Mặt trận Liên Việt (nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam). ATK Định Hóa được coi là trung tâm của Thủ đô kháng chiến. Tại đây có các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng… được chia thành từng bộ phận nhỏ thường xuyên di chuyển, hòa vào với nhân dân ở những bản làng hẻo lánh, được sự che chở của nhân dân, khiến địch khó phát hiện.

Thời gian ở ATK Định Hóa, với phương châm “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, từng bước cải thiện đời sống của nhân dân. ATK Định Hóa ngày ấy thực sự là thủ đô kháng chiến, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần kháng chiến của cả dân tộc. Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của Khu di tích, ngày 10-5-2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử ATK Định Hóa là Di tích quốc gia đặc biệt.

Bài và ảnh: HẢI HÀ - THÁI SƠN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/trung-tam-cua-thu-do-khang-chien-507828