Trung Quốc xuất khẩu ô nhiễm bằng dự án thép

Các DN sản xuất thép của Trung Quốc đang hướng tới các thị trường như châu Phi, Đông Nam Á, nơi có yêu cầu về môi trường thấp.

"Bật đèn xanh" về chính sách

Nhiều tờ báo dẫn nguồn tờ Nhân Dân Nhật Báo cho biết Trung Quốc đang dự định sản xuất 10 triệu tấn thép/năm tại Brazil. Trong đó 1/3 dự án khổng lồ này sẽ được nắm bởi liên minh các nhà sản xuất thép chất lượng cao của Trung Quốc.

Theo Stratfor, những công ty tham gia vào cuộc “di cư” sang Brazil sẽ nhận được sự hỗ trợ từ một chi nhánh của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB).

Ngân hàng này chuyên cung cấp các khoản vay lãi suất thấp hơn thị trường để phục vụ cho các chính sách kinh tế của chính phủ. Điều này cho thấy cuộc đổ bộ của các lò thép Trung Quốc ra nước ngoài trước đó phải được “bật đèn xanh” về mặt chính sách.

Bởi vì, tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua tại Hàng Châu, ông Tập Cận Bình cũng đã thể hiện rõ ý định muốn giảm 150 triệu tấn thép sản lượng trong thời gian 5 năm.

Hà Bắc là tỉnh ô nhiễm bậc nhất Trung Quốc, với ngành công nghiệp thép khổng lồ là thủ phạm. Ảnh: THE GUARDIAN

Để thoát cảnh bị “triệt đường sống”, những doanh nghiệp thép Trung Quốc tìm cách xuất khẩu kinh nghiệm và công nghệ của mình ra nước ngoài. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ sức bước chân vào những thị trường yêu cầu cao như Ấn Độ hay Brazil.

Năm 2009, Tập đoàn thép Baosteel của Thượng Hải đã buộc phải từ bỏ một hợp đồng hợp tác đầu tư với Brazil vì không thể nhận được sự chấp thuận từ các cơ quan môi trường nước bạn. Các nỗ lực mở nhà máy tại Brazil của Tập đoàn Sắt thép Vũ Hán tại Brazil cũng phá sản.

Những doanh nghiệp không đủ sức theo đuổi các công nghệ luyện thép chất lượng cao và ít ô nhiễm sẽ “tái định cư” ở các nền kinh tế kém phát triển hơn như châu Phi và các nước Đông Nam Á. Điều này từ lâu đã được cảnh báo tạo ra một làn sóng “xuất khẩu ô nhiễm” từ Trung Quốc ra nước ngoài.

Tiêu biểu nhất, tháng 11/2014, Tập đoàn Sắt thép Hà Bắc (HBIS), thủ phạm gây ô nhiễm bậc nhất, đã bắt tay với Tập đoàn Phát triển Công nghiệp Nam Phi và Quỹ phát triển Trung Quốc - châu Phi xây dựng một trong những lò luyện thép lớn nhất của Trung Quốc tại nước ngoài.

Theo báo cáo của Wall Street Journal, dự án này dự kiến sẽ đạt sản lượng 5 triệu tấn thép vào năm 2019. Cùng với đó, nhiều ngành công nghiệp góp phần biến Hà Bắc thành tỉnh ô nhiễm nhất Trung Quốc, như sản xuất xi măng và thủy tinh, cũng được lên kế hoạch “tái định cư” đến châu Phi, Mỹ La tinh, Đông Âu và nhiều nước châu Á.

Theo Thời Báo Hoàn Cầu, Hà Bắc đang ráo riết hoàn thành một dự án sản xuất hằng năm 600.000 tấn thép tại Thái Lan, 350.000 tấn thép tại Indonesia và 1,5 triệu tấn bột sắt tại Chile.

Xuất khẩu ô nhiễm sang nước nghèo hơn mình

Trước làn sóng trên, ông Tom Miller - chuyên gia phân tích kinh tế tại Bắc Kinh, chỉ rõ: “Phương Tây xuất khẩu ô nhiễm sang Trung Quốc bằng công nghiệp nhẹ. Giờ đây đến lượt Trung Quốc đạt đến mức phát triển để bắt đầu xuất khẩu ô nhiễm, xây dựng nhà máy thép và công nghiệp nặng tại các nước nghèo hơn mình”.

Trong khi đó, theo The Diplomat, một phần lớn những doanh nghiệp thép ô nhiễm tại Trung Quốc lại là những doanh nghiệp sống vật vờ nhờ vào các khoản vay lãi suất thấp, các chính sách ưu đãi của địa phương, bất chấp lượng thép dư thừa vô tội vạ bán rẻ ra thị trường.

Vì thế, ông Andrew Polk, chuyên gia kinh tế tại Trung tâm Kinh tế học và Kinh doanh Trung Quốc, nhận định: “Nếu họ chỉ chuyển những doanh nghiệp tốn kém và thua lỗ từ Trung Quốc đến nước khác, nó sẽ không tạo ra bất kỳ ích lợi nào cả. Làm sao có nước nào đủ minh mẫn lại muốn đón chào những doanh nghiệp sống không ra sống đó vào nước mình cơ chứ?”.

VN hiện cũng đang là nước chịu ảnh hưởng về ô nhiễm môi trường từ các dự án thép, tiêu biểu nhất là vụ cá chết dọc biển miền Trung thời gian qua, do Khu liên hợp sản xuất gang thép của Formosa (Hà Tĩnh) gây ra.

Và mới đây, ngay trong thời điểm được cho là "nhạy cảm" sau sự cố môi trường do nhà máy thép Formosa (Hà Tĩnh) gây ra và nỗi lo thị trường thép thế giới đang lao đao vì hàng triệu tấn thép dư thừa thì ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen vẫn tự tin công bố kế hoạch triển khai dự án thép Cà Ná.

Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná-Ninh Thuận được đưa vào quy hoạch ngành thép giai đoạn 2020 xét đến 2025. Được biết, đơn vị tư vấn thiết kế có thể là nhà thầu Trung Quốc.

Sơn Ca(Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/trung-quoc-xuat-khau-o-nhiem-bang-du-an-thep-3319396/