Trung Quốc và giấc mơ gỡ mác “Made in China”

ICTnews - Sự bùng nổ của nền kinh tế với cơn bão “Made in China” (Sản xuất tại Trung Quốc) đã đưa đất nước này tiến một mạch và trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Nhưng giờ đây, Trung Quốc đang tìm mọi cách để rũ bỏ cái mác “Công xưởng của thế giới”.

Ảnh minh họa Làm thế nào để xóa được cái mác “Made in China” trong tư tưởng của thế giới và thay vào đó là một danh hiệu khác với tên gọi "Invented in China" (Được phát minh tại Trung Quốc) là câu hỏi mà giới công nghệ và doanh nhân Trung Quốc đang đau đầu tìm cách trả lời. Theo các chuyên gia công nghệ thế giới, rào cản lớn nhất hiện nay chính là yếu tố văn hóa. “Các doanh nhân Trung Quốc vẫn còn mang nặng tâm lý sợ… thất bại”. Feng Deng – chuyên gia của hãng đầu tư mạo hiểm Northern Light phát biểu. Thêm vào đó, các doanh nhân Trung Quốc tỏ ra mình là một nhân viên lành nghề nhưng khi lên làm công tác quản lý, họ lại nhanh chóng biến thành những “cỗ máy nói” và xa rời thực tế. Mong muốn đẩy mạnh các hoạt động sáng tạo nhưng đến nay tại Trung Quốc, hầu hết các hoạt động này vẫn chỉ diễn ra một cách rất tự phát mà không có sự “thiết kế trước” nào. Nhà đầu tư Hurst Lin của hãng DMC đồng thời là đồng sáng lập của Sina – cổng thông tin Internet lớn nhất Trung Quốc, một trong những người thuộc thế hệ doanh nhân Trung Quốc đầu tiên rời bỏ phương Tây về lập nghiệp tại quê hương cho rằng đây mới chính là điểm tạo ra sự khác biệt lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ và sáng tạo của Trung Quốc và Mỹ. “Facebook và Google đều có sự khởi đầu là một ý tưởng nhưng sau đó họ đã biến ý tưởng ấy thành một hiện tượng toàn cầu. Còn ở Trung Quốc? Những ý tưởng đột phá như thế không phải là kết quả của quá trình giáo dục đào tạo. Ngành giáo dục của Trung Quốc cần phải từ bỏ thói quen học thuộc lòng”, ông Lin bày tỏ quan điểm của mình. Tuy nhiên, cả ông Lin và nhiều người khác vẫn hy vọng Trung Quốc sẽ leo nhanh trên chiếc thang sáng tạo. Quá trình này đang được hậu thuẫn bởi lực lượng tầng lớp trung lưu đang gia tăng ngày càng nhanh. Tầng lớp này có thói quen tiêu thụ mạnh tay hơn, cởi mở hơn với những cái mới và trở thành động lực cho những ý tưởng sáng tạo. Dù còn đó rất nhiều “vấn đề” nhưng cỗ máy sáng tạo đã được khởi động, đặc biệt là trong ngành công nghiệp CNTT của Trung Quốc. Sonny Wu, giám đốc điều hành của quỹ đầu tư mạo hiểm GSR Ventures cho biết, quỹ này đang có tới 6 vụ đầu tư. Kai-Fu Lee, cựu giám đốc của Google Trung Quốc lại cho rằng người Trung Quốc sẽ không thể sáng tạo được những thứ như Facebook hay Google nhưng với những sự đầu tư mới họ có thể cho ra đời những sản phẩm đáng chú ý kiểu như iPad.

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/Home/kinh-doanh/Trung-Quoc-va-giac-mo-go-mac-Made-in-China/2010/06/1SVCM828798/View.htm