Trung Quốc tự tin cắt giảm 30 vạn quân

Trung Quốc nêu gương Nga và Mỹ từng cắt giảm hàng triệu quân nhưng thực lực quân sự vẫn rất mạnh và hiệu quả.

Trấn an dư luận

Năm 2015, trong lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố nước này sẽ cắt giảm 300.000 quân. Thông tin này không chỉ được quốc tế quan tâm mà như chính báo chí Trung Quốc thừa nhận nó cũng tác động không nhỏ tới tâm lý của giới quân sự Trung Quốc.

Trước những ý kiến lo ngại về việc cắt giảm quân số sẽ tác động đến sức mạnh quân đội, tờ “Báo giải phóng quân” của quân đội Trung Quốc đã có bài viết trấn an dư luận.

Binh sĩ Trung Quốc trong lễ duyệt binh trên quảng trưởng Thiên An Môn tháng 9/2015

Theo tờ báo này, ngay từ năm 1945, khi bàn về phương châm xây dựng quân đội Trung Quốc sau khi chiến tranh kết thúc, Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông nêu rõ: “Quân đội quý ở tinh, không quý ở nhiều, vẫn là một trong những nguyên tắc xây dựng quân đội hiện nay và trong tương lai”.

Từ thập niên 80 của thế kỷ 20 đến nay, Trung Quốc đã nhiều lần cắt giảm quân, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và hiệu quả. Quyết định cắt giảm lần này được cho là mở ra “một con đường tinh binh mới”.

Tờ báo quân đội Trung Quốc giải thích “tinh” có nghĩa cơ chế chỉ huy linh hoạt hiệu quả cao. Nếu chiến tranh cơ giới hóa dựa vào “lấy lớn diệt nhỏ”, thì chiến tranh tin học hóa là “lấy nhanh thắng chậm”.

Xem xét từ các cuộc chiến tranh vùng Vịnh, chiến tranh Kosovo, chiến tranh Afghanistan, chiến tranh Iraq, chiến tranh Syria, hình thái chiến tranh và phương thức tác chiến hiện đại đã có sự thay đổi mang tính cách mạng.

Đặc biệt, vai trò đối đầu ở cấp chỉ huy trong chiến tranh hiện đại gia tăng chưa từng có, cơ chế và cấp độ chỉ huy của bên nào linh hoạt, phản ứng nhanh nhạy hơn thì bên đó sẽ có ưu thế, giành được quyền chủ động.

Binh sĩ Trung Quốc thao diễn tại Căn cứ hải quân Stonecutter Island ở Hong Kong tháng 7/2015

Ví dụ được tờ báo Trung Quốc nêu ra là trường hợp quân đội Mỹ thúc đẩy chỉ huy tác chiến chuyển sang “liên kết toàn cầu, phối hợp xuyên khu vực”, có thể điều động lực lượng bất kỳ lúc nào trên phạm vi toàn cầu, kết nối với trung tâm chỉ huy.

Nga đã lần lượt thành lập Trung tâm chỉ huy tác chiến các lực lượng vũ trang, trung tâm chỉ huy quốc phòng nhà nước, nắm bắt toàn diện tình hình chiến trường khi tác chiến tại Syria, mục tiêu được xác định chuẩn xác, thực hiện tấn công nhanh nhạy, điều chuyển lực lượng đường dài một cách hiệu quả, “nói đến là đến, nói đi là đi”.

Bên cạnh đó, tờ “Báo giải phóng quân” giải thích “tinh” còn là tối ưu hóa cơ cấu lực lượng. Tổ chức lực lượng, biên chế cơ cấu của quân đội lâu nay không phải là bất biến, chỉ có bám sát hình thái chiến tranh, thường xuyên điều chỉnh thay đổi cơ chế để giành thắng lợi, mới có thể thích ứng tốt hơn yêu cầu phát triển sức mạnh chiến đấu.

Sau đợt cắt giảm 1.000.000 quân năm 1985, quân đội Trung Quốc đã gia tăng tỷ lệ binh chủng kỹ thuật, pháo binh trở thành binh chủng số một của lục quân, binh chủng thiết giáp trở thành lực lượng đột kích chủ yếu của lục quân, hàng loạt binh chủng mới như không quân của lục quân, lính thủy đánh bộ, tên lửa phòng không của lục quân liên tục ra đời.

Tờ báo Trung Quốc cũng đề cao vai trò của thông tin trong chiến tranh hiện đại, cho rằng ưu thế thông tin trở thành ưu thế mang tính quyết định để giành phần thắng. Ưu thế thông tin dẫn dắt và làm thay đổi cơ cấu lực lượng quân đội, từ coi trọng các nhân tố như quy mô quân đội, tốc độ cơ động, hỏa lực mạnh... trước kia chuyển sang coi trọng trung tâm mạng thông tin, trụ cột của hệ thống, tác chiến bằng phương tiện khí tài để quân số nhường chỗ cho chất lượng hiệu quả.

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng cần phải xây dựng đội quân tinh nhuệ “đuôi nhỏ hơn, răng chắc hơn, quả đấm mạnh hơn”.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/luc-luong-vu-trang/trung-quoc-tu-tin-cat-giam-30-van-quan-3326194/