Trung Quốc trở thành thị trường lớn thứ 2 của cá tra Việt Nam, mừng hay lo?

Nhờ tăng trưởng liên tục ở mức cao, Trung Quốc đã vượt qua EU để trở thành thị trường lớn thứ 2 của cá tra Việt Nam. Đây là điều đáng mừng hay đáng lo?

Chế biến cá tra XK. Ảnh Lê Hoàng Vũ - PV

Theo VASEP, trong tháng 8 và tháng 9 vừa rồi, giá trị XK cá tra sang Trung Quốc đều ở mức cao: 30,9 triệu USD và 30 triệu USD. Nhờ vậy, trong 9 tháng đầu năm nay, giá trị XK cá tra sang Trung Quốc – Hồng Kông đã đạt 201,9 triệu USD, tăng 75,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với giá trị XK như trên, lần đầu tiên, Trung Quốc – Hồng Kông đã vượt qua EU (đạt 197,1 triệu USD trong 9 tháng đầu năm, giảm 9,9% so với cùng kỳ) để trở thành thị trường lớn thứ 2 của cá tra Việt Nam.

Sự tăng trưởng mạnh ở thị trường Trung Quốc, có nguyên nhân không nhỏ từ những khó khăn lớn mà các doanh nghiệp cá tra gặp phải ở các thị trường khác như Mỹ, EU, ASEAN, Mexico…

Và không thể phủ nhận, thị trường Trung Quốc đã bù đắp phần nào sự suy giảm ở nhiều thị trường khác, nhất là tại thị trường lớn EU và tại những thị trường tiềm năng như Mexico (giảm 6,9% trong 9 tháng đầu năm) và Brazil (giảm 14,3%).

Tuy nhiên, sự tăng trưởng nóng về XK cá tra ở thị trường Trung Quốc – Hồng Kông, nhất là tại Trung Quốc, đang gây ra những lo ngại không nhỏ. Trước hết, về mặt thị trường, nhu cầu tiêu thụ thực tế ở Trung Quốc không quá lớn. Bằng chứng là hiện nay, cá tra tồn kho ở Trung Quốc đang khá nhiều.

Mặt khác, nếu như sự tăng trưởng XK sang các thị trường khác không gây ra những tác động xấu đối với sản xuất cá tra ở ĐBSCL, thì với thị trường Trung Quốc, lại đã có những ảnh hưởng tiêu cực, nhất là trong những tháng đầu năm nay.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, trong những tháng đầu năm nhiều doanh nghiệp, thương lái Trung Quốc đặt hàng và nâng giá thu mua cá tra cỡ lớn (loại trên 1 kg/con). Nhiều hộ nuôi cá tra vì lợi ích trước mắt đã chủ động nâng sản lượng cá cỡ lớn nhằm bán được nhiều tiền hơn cho khách hàng Trung Quốc. Nhiều hộ khác cũng từ chối bán cá nguyên liệu cho các nhà máy ở ĐBSCL để bán cho thương lái Trung Quốc. Hiện tượng đó đã khiến cho trong quý 2, cá tra nguyên liệu (700-900 g/con) ở ĐBSCL giảm mạnh, trong khi sản lượng cá quá lứa lại quá nhiều.

Do đó, khi thương lái Trung Quốc đột ngột giảm mua trong tháng 7, giá cá tra quá lứa ở ĐBSCL đã giảm mạnh xuống còn 16.000-17.000 đ/kg, khiến cho người nuôi cá tra bị thua lỗ nặng nề.

Chính vì vậy, dù thị trường Trung Quốc đang khá hấp dẫn, nhưng nhiều doanh nghiệp lâu năm trong ngành cá tra vẫn không mặn mà với thị trường này. Ông Nguyễn Văn Ký, TGĐ Cty Agifish, cho biết, những năm trước, Mỹ là thị trường chủ lực của công ty. Năm nay, thị trường Mỹ có nhiều khó khăn, công ty buộc phải chuyển hướng sang nhiều thị trường khác, nhưng không chọn thị trường Trung Quốc, vì thị trường này thiếu ổn định, nhiều rủi ro.

Theo VASEP, XK cá tra sang Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không còn tăng nóng trong thời gian tới. Nguyên nhân chủ yếu là do lượng cá tra còn tồn kho ở Trung Quốc khá nhiều như đã nói ở trên. Vì thế, VASEP khuyến cáo các DN cá tra cần cân nhắc, thận trọng hơn với thị trường này, cần có những đánh giá đầy đủ hơn về cung – cầu, sản lượng nuôi thực tế để cân đối tốt hơn các đơn hàng.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/trung-quoc-tro-thanh-thi-truong-lon-thu-2-cua-ca-tra-viet-nam-mung-hay-lo-post179216.html