Trung Quốc trở thành nỗi lo lớn nhất của giới tài chính toàn cầu

Trung Quốc đã thay thế Eurozone là môi quan ngại lớn nhất của các nhà quản lý tiền tệ toàn cầu.

Những nỗ lực mới nhất của chính phủ Trung Quốc nhằm giảm bớt hoạt động cho vay nhiều rủi ro tại nước này không chỉ gây sốc cho thị trường trong nước, mà còn làm gia tăng lo lắng trên toàn cầu.

Theo kết quả khảo sát mới nhất của Bank of America Merrill Lynch (BoAML), Trung Quốc đã "qua mặt" châu Âu để trở thành mối lo ngại lớn nhất đối với các nhà quản lý tiền tệ toàn cầu.

31% trong số 184 người được hỏi cho rằng việc Trung Quốc thắt chặt tín dụng của là "rủi ro đuôi" (tail risk - rủi ro có xác suất cực thấp) lớn nhất cho thị trường. Lo ngại lớn thứ nhì là sự sụp đổ của thị trường trái phiếu thế giới (19%), tiếp theo là bùng phát chiến tranh thương mại (16%).

Các rủi ro hàng đầu của thị trường


Các rủi ro lớn nhất với giới quản lý quỹ toàn cầu, theo khảo sát hàng tháng của Bank of America Merrill Lynch. Ảnh: BoAML

Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 1/2016, Trung Quốc trở lại vị trí đầu bảng rủi ro. Hồi đầu năm ngoái, những lo ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc từng làm cho các chỉ số Dow Jones và S&P 500 có mức khởi đầu năm mới tồi tệ nhất lịch sử.

Sau gần 18 tháng kể từ thời điểm đó, các gói kích cầu của Trung Quốc đã giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ổn định hơn. Chứng khoán Mỹ cũng phục hồi để đạt mức cao kỷ lục. Bất chấp những bất ngờ đến từ việc Vương quốc Anh bỏ phiếu rời Liên minh Châu Âu (Brexit) và phong trào dân túy ngày càng tăng ở Cựu lục địa, các chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ đã không giảm hơn 10% so với mức cao gần đây hay rơi vào vùng điều chỉnh, tính từ đầu năm ngoái.

Việc Trung Quốc siết lại các quy định tài chính đã khiến giá chứng khoán trong nước giảm, và lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm của nước này tăng lên mức cao nhất 2 năm hồi tuần trước. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm cũng tăng lên mức cao hơn lợi suất trái phiếu 10 năm, một trường hợp "đảo ngược" hiếm khi xảy ra.

Lo ngại về Trung Quốc đã tăng lên, trong khi những lo lắng về châu Âu đang giảm xuống. Chiến thắng của ứng viên trung dung Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp, cộng thêm sự thắng thế của các ứng cử viên ủng hộ EU trước cuộc bầu cử sắp tới tại Đức, đã giảm bớt lo ngại rằng EU có thể tan rã. Đồng euro chạm mức 1 euro = 1.1088 USD vào thứ Ba, mức cao nhất kể từ ngày 9/11/2016.

Trong khi đó, các số liệu kinh tế của Trung Quốc lại không mấy sáng sủa. Chỉ số PMI ngành sản xuất (do Caixin Markit cung cấp) đã giảm xuống 50,3 vào tháng 4, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2016. Chỉ số PMI ngành dịch vụ cũng giảm tháng thứ tư liên tiếp xuống còn 51,1, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2016. Số liệu kim ngạch thương mại trong tháng trước đã không đạt được kỳ vọng, trong khi các báo cáo hồi đầu tuần cho thấy sự suy yếu trong sản xuất công nghiệp, đầu tư tài sản cố định và bán lẻ.

Những lo ngại về Trung Quốc cũng đang cộng hưởng với những lo lắng về định giá cổ phiếu lên quá cao.

Theo cuộc khảo sát của BofAML, 37% số nhà quản lý quỹ được hỏi cho rằng thị trường chứng khoán toàn cầu đang bị định giá quá cao. Đó là tỷ lệ cao nhất kể từ tháng 1/2000, ngay trước khi bong bóng dotcom nổ tung.

Hôm thứ Hai, các chỉ số Nasdaq, S&P 500, DAX (Đức) và Hang Seng (Hongkong) đã đóng cửa ở mức cao kỉ lục. Những người trả lời khảo sát cũng cho biết hoạt động nhộn nhịp nhất là mua các cổ phiếu trong chỉ số Nasdaq.


Tỷ lệ ròng số người được hỏi cho là thị trường đang được định giá quá cao, theo khảo sát của Bank of America Merrill Lynch, Đường màu đỏ cho thấy chỉ số này đã lên mức cao nhất kể từ năm 2000. Ảnh: Bank of America Merrill Lynch/CNBC

Trong nhóm các chỉ số chứng khoán lớn toàn cầu, chỉ có chỉ số A Share Thâm Quyến (Trung Quốc) vẫn ở mức thấp hơn 10% so với mức đỉnh.

Dù vậy, cũng chỉ có 11% người trả lời BofAML cho rằng việc Trung Quốc xiết chặt chính sách sẽ "làm chỉ số PMI giảm mạnh và gây ra biến động thị trường tài chính."

Giám đốc bộ phận chứng khoán Trung Quốc của BlackRock là Helen Zhu cũng cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu rằng, bà coi chính sách thắt chặt gần đây là lành mạnh, và sẽ không trở nên quá mạnh tay.

Bà Zhu nói rằng: "Tôi nghĩ rằng việc thắt chặt là chấp nhận thiệt hại không tránh khỏi trong ngắn hạn, để đổi lấy lợi ích dài hạn". Bà cũng có cùng quan điểm với các nhà phân tích khác rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể tận dụng tình hình tăng trưởng kinh tế được cải thiện để thắt chặt chính sách. Bà lưu ý rằng việc tăng lãi suất của Trung Quốc cũng theo sau các đợt nâng lãi suất của Mỹ.

Ngoài ra, việc tạo ra biến động tài chính và kinh tế lớn trong vài tháng tới cũng sẽ không có lợi cho Trung Quốc, nhất là khi giới lãnh đạo đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 19 vào mùa thu này.

Bá Ước

Nguồn CNBC

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/tai-chinh/trung-quoc-tro-thanh-noi-lo-lon-nhat-cua-gioi-tai-chinh-toan-cau-3318883/