Trung Quốc thử tên lửa không đối không mới khiến Mỹ 'chết đứng'

Tạp chí Popular Science (Mỹ) đưa tin, một máy bay J-16 của Trung Quốc đã bắn thử nghiệm một loại tên lửa không đối không siêu thanh mới, tiêu diệt một mục tiêu trên không ở khoảng cách rất xa.

Dựa trên những tấm hình thu được, tên lửa này có chiều dài vào khoảng 5,7m, có đường kính 33cm và có 4 cánh đuôi ở đằng sau. Nó được coi là một loại tên lửa không đối không tầm rất xa (VLRAAM) có tầm bắn tối thiểu là 300km và tối đa vào khoảng 400 đến 500km.

Ảnh chụp tên lửa không đối không tầm xa trên một máy bay J-16 của Trung Quốc.

Nếu những đánh giá trên là chính xác, tên lửa này có tầm bắn xa hơn bất kỳ loại tên lửa không đối không nào mà Mỹ và các nước NATO đang có. Thêm vào đó, động cơ của tên lửa Trung Quốc sẽ cho phép nó đạt tốc độ Mach 6, tốc độ mà ngay cả một máy bay tàng hình siêu thanh hiện đại cũng không thể thoát được.

Giá trị của tên lửa mới của Trung Quốc không chỉ nằm ở tầm bắn. Hệ thống ra đa quét mạng pha chủ động (AESA) của tên lửa cũng có kích thước lớn, được kích hoạt khi tên lửa đến gần mục tiêu để tăng độ chính xác. Rađa của nó lớn gấp 3 – 4 lần ra đa của các loại tên lửa khác và được trang bị những công nghệ hiện đại giúp nó rất hiệu quả trong việc xác định các mục tiêu hoạt động bí mật và chống chịu các thiết bị gây nhiễu của đối phương.

Bên cạnh rađa AESA, tên lửa còn có một hệ thống cảm biến hồng ngoại hoặc quang học cho phép nhận diện và điều hướng tên lửa tới mục tiêu quan trọng như máy bay tiếp nhiên liệu hoặc các phi cơ cảnh báo sớm. Tên lửa này cũng có động cơ đẩy ở hai bên để tăng cường khả năng xoay trở khi tấn công các mục tiêu cơ động như máy bay tiêm kích của đối phương.

Điều đáng chú ý ở đây đó là, theo một báo cáo khoa học do các kỹ sư Trung Quốc công bố, tên lửa này còn có khả năng đạt độ cao 30km và từ điểm này hướng thẳng xuống mục tiêu đã định. Việc bay trong môi trường có áp suất và sức cản thấp sẽ cho phép tầm bắn của tên lửa được nâng lên đáng kể, đồng thời khiến máy bay địch và các hệ thống phòng không khó có thể né tránh hay ngăn chặn.

Cũng theo một số báo cáo về loại tên lửa này, nó sẽ là một phần trong mạng lưới quân sự của Không quân Trung Quốc. Ví dụ, một máy bay tàng hình J-20 mặc dù không được trang bị tên lửa này do kích cỡ quá lớn, song nó có thể tận dụng khả năng của mình để tiếp cận một mục tiêu quan trọng như các máy bay cảnh báo sớm của đối phương. Sau đó J-20 sẽ gửi những dữ liệu cần thiết cho một máy bay J-16 ở cách đó 400km để phóng tên lửa tầm xa đến mục tiêu.

Tên lửa VLRAAM của Trung Quốc có thể sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của Không quân Mỹ trong tương lai.

Sự xuất hiện của loại tên lửa tầm xa này có thể sẽ khiến Mỹ phải đau đầu. Các hoạt động quân sự của Mỹ thường phụ thuộc rất nhiều vào những loại máy bay tiếp nhiên liệu, máy bay cảnh báo sớm và các thiết bị gây nhiễu. Nếu không được tiếp nhiên liệu trên không, phi cơ tiêm kích F-35 của Mỹ vốn có tầm hoạt động ngắn sẽ gặp khó khăn khi hoạt động tại những khu vực như Biển Đông hay eo biển Đài Loan. Nếu không có máy bay cảnh báo sớm, máy bay F-22 sẽ phải sử dụng rađa có trên buồng lái, khiến chúng dễ bị lộ khi đang hoạt động bí mật.

Bằng việc có được một loại tên lửa siêu thanh tầm rất xa, Trung Quốc có thể cũng sẽ vượt mặt Mỹ khi đề xuất phóng tên lửa tầm xa từ các máy bay chiến đấu thông thường chỉ mới được Lầu Năm Góc đưa ra gần đây. Nói cách khác, tên lửa VLRAAM của Trung Quốc không đơn giản chỉ là một quả tên lửa khổng lồ, mà nó có thể sẽ ảnh hưởng đến cán cân quân sự của tương lai.

Anh Tuấn (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/trung-quoc-thu-ten-lua-khong-doi-khong-moi-khien-my-chet-dung-post214583.info