Trung Quốc: Thiệt thòi phận 'trẻ vệ tinh'

GD&TĐ - Công dân Trung Quốc ra nước ngoài tìm việc làm với số lượng rất lớn, đặc biệt là tới Mỹ.

Tuy nhiên do cuộc sống bươn chải tại xứ người, nhiều phụ huynh Trung Quốc không thể trông nom con cái khi còn nhỏ và phải gửi con về nước cho người thân.

Những trẻ này – còn được gọi là “trẻ vệ tinh” - khi đến tuổi đi học quay lại sống cùng bố mẹ song hành với khó khăn hòa nhập cuộc sống mới.

Cuộc sống “vệ tinh”

Chun Zheng, hiện sống tại Boston, đã trải qua nhiều thảm họa lớn, từ cháy nhà, tới lũ lụt, rồi động đất. Nhưng với Zheng thì tất cả những điều đó chẳng khó khăn bằng việc gửi cô con gái và cậu con trai từ lúc chỉ mới chập chững biết về Trung Quốc cho người thân trông nom.

Nữ nhân viên dọn dẹp khách sạn 42 tuổi cho biết, cả 2 đứa con – Joyce 7 tuổi và Jay 5 tuổi – đều được sinh tại Boston. Nhưng khi mới 1 tuổi, chúng được gửi về cho người thân tại tỉnh Phúc Kiến, phía Đông Nam Trung Quốc. Ở quê nhà, bọn trẻ sống với dì và gọi là “mẹ”.

Chun Zheng và chồng sống trong một căn phòng chật chội tại Chinatown ở Boston, dùng chung nhà bếp và buồng tắm với các hộ khác. Họ làm việc từ sáng tới tối để tiết kiệm tiền gửi về quê nuôi con.

“Bất cứ khi nào bạn ăn trong một nhà hàng Trung Quốc tại Chinatown (khu phố Tàu), thì nhà hàng đó chắc chắn có vài nhân viên đang gửi con nhỏ ở Trung Quốc” – Cindy Liu, nhà tâm lí học tại Trường Y Harvard nói.

“Mặc dù không có thống kê chính xác nhưng thực tế có rất nhiều gia đình phải đưa con về nước”. Đó cũng là lí do Liu thực hiện nghiên cứu đối tượng mà nhiều nhà tâm lí học gọi là “trẻ vệ tinh”. Giống như những vệ tinh trong vũ trụ, những trẻ này dời đi và trở lại cùng một điểm.

Tác động tâm lí

Trong nghiên cứu, Liu và đồng nghiệp phỏng vấn những phụ huynh từng có “trẻ vệ tinh” để nghiên cứu tác động của việc này. Theo các nhà nghiên cứu thì việc để trẻ lại quê nhà có một số lợi điểm, đó là trẻ nói tốt tiếng mẹ đẻ và thường phát triển mối quan hệ chặt chẽ với ông bà hoặc họ hàng mà chúng sống cùng.

Trong khi nhóm nghiên cứu của Liu cho rằng sự chia li giữa “trẻ vệ tinh” và cha mẹ ruột không gây tổn hại tới quan hệ cha mẹ với con – thì một số giáo viên và hiệu trưởng tại New York City lại nói rằng “trẻ vệ tinh” có dấu hiệu tổn thương tinh thần.

“Chúng (trẻ vệ tinh) luôn nhìn quanh để xem có người thân ở đó với chúng không” – Elizabeth Culkin, Hiệu trưởng Trường P.S.176 Brookly, nói – “Chúng luôn luôn cần biết đang ở đâu và ở đó có ai bảo vệ chúng không”.

Giáo viên ở Trường P.S.176 Brookly cũng nói rằng thi thoảng “trẻ vệ tinh” có hành động bất thường như xô đẩy những học sinh khác để thu hút sự chú ý. Tất nhiên là có cả những khó khăn về ngôn ngữ và một số trẻ cho thấy dấu hiệu rối loạn hành vi.

Brenda Tang, giáo viên dạy cấp mầm non tại P.S.176 Brookly, hàng năm đều tiếp nhận học sinh là “trẻ vệ tinh”. Năm nay, “trẻ vệ tinh” mà cô tiếp nhận là Vivien Huang.

Trong khi hầu hết các bạn khác mải mê vẽ tranh, Vivien chỉ nguệch ngoạc vẽ vài hình khối. Mẹ của bé, Hong Zheng, cho biết Vivien vừa từ Trung Quốc trở về Mỹ hồi tháng 6.

Vivien sống cùng ông bà nội tại tỉnh Phúc Kiến từ khi chưa đầy tuổi. Vợ chồng Hong Zheng làm việc cho một tiệm ăn và không có điều kiện để chăm con. Con gái thứ hai của họ hiện cũng đang được ông bà nuôi ở Trung Quốc.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/trung-quoc-thiet-thoi-phan-tre-ve-tinh-2563234-b.html