Trung Quốc tăng trưởng trong thách thức mới

(ĐTCK) Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang cho thấy nhiều dấu hiệu của sự phục hồi có thể kéo đất nước ra khỏi cuộc suy giảm tăng trưởng kinh tế tồi tệ nhất trong vòng 13 năm qua.

Tăng trưởng quý IV/2012 là 7,9%, cao hơn mức 7,4% trong quý III.

Theo các số liệu mới nhất của Chính phủ Trung Quốc, tăng trưởng đã tăng lên tốc độ 7,9% trong ba tháng cuối cùng của năm 2012, từ tốc độ 7,4% trong quý III.

Động lực tăng trưởng chính vẫn là nguồn đầu tư của Nhà nước vào các dự án cơ sở hạ tầng, cũng như những nỗ lực để thúc đẩy người tiêu dùng và doanh nghiệp chi tiêu nhiều hơn.

Sự hồi phục mức tăng trưởng cao khiến bộ máy lãnh đạo mới ở Trung Quốc có thể “thở phào” dù khó có thể sớm vui mừng.

"Rõ ràng là cho đến thời điểm này, sự suy giảm trong nền kinh tế Trung Quốc đã tạm dừng lại ", ông Fraser Howie, một nhà kinh tế nhận định. "Nhưng cũng phải chú ý rằng, bất kỳ sự phục hồi nào cũng sẽ bị giới hạn trong phạm vi của nó, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với một số thách thức cơ bản".

Ông Howie cho rằng, các nhà lãnh đạo mới sẽ phải đi tìm sự cân bằng giữa những cố gắng để ngăn chặn sự hình thành của bong bóng tài sản và việc giữ tốc độ tăng trưởng lành mạnh đang diễn ra.

“Cần phải nhớ rằng, tác động từ các biện pháp kích thích kinh tế có thể suy yếu dần”, ông Howie nói.

Theo số liệu của cơ quan thống kê nước này, nếu tính tốc độ tăng trưởng cả năm thì GDP Trung Quốc năm 2012 đã tăng 7,8%. Có nghĩa là, xu hướng tăng tuy trở lại, nhưng vẫn còn khá thấp so với mức tăng trưởng 9,3% trong năm 2011.

Đây cũng là tỷ lệ tăng trưởng hàng năm chậm nhất kể từ năm 1999. Và câu hỏi đặt ra là Trung Quốc có thể trở lại mức tăng trưởng rất cao như trong quá khứ?

Ông Rajiv Biswas, từ IHS Global Insight, phát biểu trên BBC rằng, những ngày tăng trưởng với tốc độ vũ bão của Trung Quốc đã qua rồi, khi mà quốc gia này chuyển từ một nền kinh tế có thu nhập thấp lên nước có thu nhập trung bình.

"Trong 30 năm qua, Trung Quốc đã tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm, tuy nhiên, nền kinh tế này hiện nay đang trong quá trình chuyển đổi", ông giải thích. "Trung Quốc đã chuyển sang giai đoạn dân số già và lợi suất cận biên của vốn đang giảm dần. Đây là thách thức dài hạn, có nghĩa là Trung Quốc không thể tăng trưởng ở mức 10% mãi được".

Ông Biswas dự kiến, quốc gia này sẽ tăng trưởng trung bình từ 7% đến 8% trong vài năm tới.

Cùng với những lý do dài hạn của suy giảm kinh tế, có một số yếu tố khác cũng đang ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc trong ngắn hạn.

Tăng trưởng chậm chạp ở Mỹ và châu Âu đã cho thấy nhu cầu giảm dần đối với các sản phẩm của Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc đang nỗ lực kích thích tiêu dùng trong nước để tăng sức cầu hàng hóa để bù đắp, nhưng điều này sẽ không thể đạt được trong ngắn hạn.

Ngoài ra, các biện pháp kích thích của Chính phủ cũng không thể ồ ạt do lo ngại có thể dẫn đến một đợt bong bóng bất động sản như đã từng xảy ra, sẽ khiến sự phục hồi tăng trưởng ở mức chậm.

Tuy còn “hàng núi” thách thức dài hạn, nhưng trước mắt, nền kinh tế thứ hai thế giới vẫn có thể vui mừng bởi dự báo về một mức tăng trưởng “cực đoan” 6% đã không xảy ra.

Đồng thời, các chương trình mở rộng chi tiêu đối với cơ sở hạ tầng, các ưu đãi để khuyến khích chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp vay vốn… đã phát huy được tác dụng nhất định.

"Các biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ được thực hiện trong năm ngoái đã chứng tỏ sự thành công trong việc giữ ổn định tăng trưởng, đặt nền móng cho việc mở rộng thêm các giải pháp kích thích kinh tế vững chắc hơn trong năm nay", ông Dariusz Kowalczyk, nhà kinh tế của Credit Agricole CIB nhận định.

“Những con số kinh tế được công bố vào thứ Sáu tuần trước là những gì tốt nhất chúng ta có thể mong muốn được", ông nói thêm và nhấn mạnh vào chỉ tiêu doanh số bán lẻ đã được cải thiện.

Sự phục hồi tăng trưởng của Trung Quốc đã mang lại phản ứng tích cực hơn cho thị trường tài chính khu vực. Các thị trường chứng khoán châu Á đánh dấu mức cao hơn vào cuối tuần trước, trong khi đồng đô la Úc cũng đã tăng lên. Úc là nhà xuất khẩu khoáng sản lớn vào Trung Quốc, sự tăng trưởng của Trung Quốc đồng nghĩa với nhu cầu khoáng sản sẽ tăng lên.

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/GL/N/DJJGDH/trung-quoc-tang-truong-trong-thach-thuc-moi.html