Trung Quốc sẽ lập hai vùng nhận dạng ở biển Đông?

Đài truyền hình Phoenix (Phượng Hoàng) của Hong Kong, Trung Quốc mới đây đưa tin (bằng tiếng Trung), Hải quân Trung Quốc đang từng bước thiết lập vùng nhận dạng hàng hải khu vực và vùng nhận dạng âm thanh dưới nước ở biển Đông.

Trung Quốc đang bị cộng đồng quốc tế chỉ trích quân sự hóa khu vực tranh chấp trên biển Đông (Trong ảnh: Lính hải quân Trung Quốc hiện diện trái phép ở Trường Sa). Ảnh: Stringer

Trong vùng nhận dạng hàng hải, hệ thống radar được bố trí tại các đảo, đá ngầm, chủ yếu nhằm phát hiện tàu nổi của quân đội Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), các nước ASEAN… Trong vùng nhận dạng âm thanh dưới nước, hệ thống cảm biến âm thanh được lắp đặt dưới đáy biển, quanh các đảo, đá ngầm cùng với hệ thống định vị thủy âm có nhiệm vụ phát hiện tàu ngầm. Vùng nhận dạng hàng hải và vùng nhận dạng âm thanh dưới nước được thiết lập để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải của Trung Quốc, Đài truyền hình Phoenix đưa tin.

Theo tạp chí quân sự quốc tế Kanwa (có trụ sở tại Canada), so với vùng nhận phòng không, vùng nhận dạng hàng hải và vùng nhận dạng âm thanh dưới nước mang tính quân sự nhiều hơn. Hải quân Trung Quốc đã bố trí 3 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân ở đảo Hải Nam. Vì thế, Trung Quốc có thể đưa tàu ngầm tuần tra vùng nhận diện hàng hải và vùng nhận diện âm thanh dưới nước giữa đảo Hải Nam và đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), Kanwa nhận định.

Theo tạp chí này, Trung Quốc sẽ âm thầm thiết lập hai vùng nhận diện này cũng như vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông, bao trùm khu vực đảo Phú Lâm và các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng thời gian qua, bất chấp luật pháp quốc tế cũng như sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.

Cần tuân thủ luật pháp quốc tế

Ngày 12/7, Tòa Trọng tài quốc tế ra phán quyết không công nhận yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc chiếm gần hết diện tích biển Đông. Nhiều quốc gia trên thế giới ủng hộ phán quyết này, kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, ngừng việc quân sự hóa các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép trên biển Đông. Cộng đồng quốc tế cũng kêu gọi Trung Quốc kiềm chế, không có các hoạt động làm gia tăng căng thẳng, ảnh hưởng hòa bình, ổn định khu vực như thiết lập ADIZ... Hồi tháng 7, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân nói rằng, căn cứ mức độ Trung Quốc bị đe dọa, nước này sẽ quyết định có áp đặt ADIZ trên biển Đông hay không.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong gần đây, GS Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) nhận định: “Trung Quốc có thể áp đặt ADIZ trong không phận từ đảo Hải Nam tới Hoàng Sa bởi vì nước này đã có các cơ sở radar và máy bay quân sự để thi hành”. Theo GS Thayer, nếu Trung Quốc tuyên bố ADIZ ở khu vực Trường Sa, đó sẽ chỉ là hành động mang tính biểu tượng vì nước này không có phương tiện để thi hành. Theo ông, Trung Quốc thực sự có hệ thống radar trên một số đảo nhân tạo, nhưng nước này không có cơ sở hạ tầng cần thiết, như bồn chứa nhiên liệu, nhân lực bảo dưỡng, phụ tùng… để duy trì hoạt động tại khu vực này. Trong khi đó, nhiều nước có lợi ích ở biển Đông, được hưởng lợi từ tự do hàng hải, tự do bay ở vùng biển này sẽ phản ứng mạnh mẽ. Mỹ có thể triển khai một hoặc nhiều tàu sân bay tới khu vực để thách thức ADIZ của Trung Quốc hoặc bảo vệ các chuyến bay quân sự của mình và đồng minh, GS Thayer nhận định.

ASEAN đoàn kết mới giúp giải quyết được vấn đề biển Đông

Ngày 3/10, tại Trung tâm Quốc tế Ấn Độ ở New Delhi diễn ra hội thảo “Tình trạng phức tạp ở biển Đông: Tìm kiếm một giải pháp pháp lý và chính trị”, do Hội Nghiên cứu Ấn Độ Dương tổ chức. Phần lớn đánh giá, phân tích của các diễn giả đều phản ánh diễn biến tại biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài và cho rằng, phán quyết này mang tính lịch sử khi bác bỏ tuyên bố “chủ quyền lịch sử” và yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Nhiều học giả nhất trí rằng, phán quyết của Tòa Trọng tài cần được các bên liên quan tuân thủ và tôn trọng triệt để. Một số ý kiến cho rằng, ASEAN cần thể hiện tinh thần đoàn kết và việc khối này có một lập trường chung sẽ giúp giải quyết vấn đề, mang lại hòa bình và ổn định lâu dài cho khu vực. Ngoài ra, ASEAN cần phải nỗ lực thúc đẩy đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông nhằm giúp làm giảm căng thẳng và đảm bảo tự do hàng hải, hàng không cũng như thương mại.

TTXVN

Hà Phúc - Thái An

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/the-gioi/trung-quoc-se-lap-hai-vung-nhan-dang-o-bien-dong-1058519.tpo