Trung Quốc rục rịch cải tổ, Mỹ chuẩn bị triển khai chiến đấu cơ ra Biển Đông

Tiêm kích tàng hình F-35 và máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ đang được ấp ủ để chuẩn bị ra giám sát biển Đông.

Mới đây, SCMP dẫn lời một đại tá nghỉ hưu của quân đội Trung Quốc (PLA) cho hay, lục quân nước này sẽ trải qua đợt tái tổ chức rất lớn, xóa bỏ 18 quân đoàn để xây dựng mô hình 25-30 sư đoàn theo kiểu Mỹ, hướng tới xây dựng một lực lượng bộ binh gọn nhẹ, tinh nhuệ và cơ động hơn.

Đây là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm thay đổi cấu trúc chỉ huy của quân đội, tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và tính linh hoạt của lực lượng tác chiến.

Ông Tập Cận Bình trao cờ cho các chỉ huy đơn vị quân đội mới thành lập. Ảnh: SCMP

Quân đội Trung Quốc sẽ được tổ chức, sắp xếp lại, sẽ trở thành một lực lượng tác chiến hiệu quả hơn trên nhiều khía cạnh và nhiều kịch bản chiến tranh khác nhau, kể cả xung đột xảy ra trên biển Đông hay đảo Đài Loan, theo Joel Wuthnow, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Quân đội Trung Quốc thuộc Đại học Quốc phòng Mỹ.

Trong bài bình luận trên ChinaFile, ông Wuthnow cho rằng, theo kế hoạch cải tổ của ông Tập, PLA sẽ chuyển mình từ một lực lượng chủ yếu tập trung vào lục quân trở thành một đội quân có sự cân bằng hơn giữa các quân chủng hải, lục, không quân và lực lượng tên lửa.

Dennis J. Blasko, cựu tùy viên quân sự Mỹ ở Bắc Kinh và Hong Kong, cho rằng cuộc đại cải tổ của PLA nhằm khắc phục những nhược điểm của quân đội Trung Quốc, đó là "hai yếu" và "5 khó".

"Hai yếu" là khả năng chiến đấu của binh sĩ và năng lực chỉ huy của cán bộ trong môi trường chiến tranh hiện đại còn yếu kém. "5 khó" là nhiều chỉ huy cấp cao khó đánh giá tình hình, khó nắm bắt được ý định của cấp trên, khó đưa ra quyết định tác chiến, khó triển khai quân, và khó đối phó với tình huống bất ngờ.

Động thái của Mỹ

Báo chí Mỹ ngày 25/8 (theo giờ Mỹ) cho biết, Không quân nước này (USAF) sẽ tiếp nhận 30 máy bay không người lái MQ-9 Reaper mới do tập đoàn General Atomics phát triển, bắt đầu từ tháng 5/2019, trong đó một số sẽ làm nhiệm vụ giám sát biển Đông.

Từ năm 2015, Mỹ đã tăng cường số lượng các chuyến bay không người lái (UAV) trên biển Đông bất chấp việc Trung Quốc cố gắng vô hiệu hóa các chuyến bay do thám này bằng cách gây nhiễu kết nối vệ tinh. Lầu Năm Góc đã công bố kế hoạch tăng 50% số lượng chuyến bay không người lái hàng ngày vào giữa năm 2019.

Một số máy bay không người lái MQ-9 Reaper sẽ làm nhiệm vụ giám sát Biển Đông.

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, 30 chiếc UAV Reaper mới có tổng trị giá 370,9 triệu USD. Tính đến thời điểm tháng 9/2015, USAF đã vận hành phi đội 93 chiếc Reaper và số máy bay MQ-9 Reaper mới này sẽ thay thế cho những chiếc MQ-1 Predator, vũ khí chính của USAF trong các phi vụ không kích bằng UAV, vào năm 2019.

MQ-9 được trang bị bom GBU-12 điều khiển bằng laser, tên lửa không đối đất AGM-114 Hellfire II, tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder và bom thông minh GBU-38 JDAM. Máy bay này có thể bay liên tục 14 giờ đồng hồ trong điều kiện mang tối đa bom hoặc tên lửa.

Trước đó, ngày 23/8, Tạp chí Business Insider có bài viết cho biết giữa lúc tình hình biển Đông đang căng thẳng, Mỹ đang theo dõi chặt chẽ và một loại vũ khí được coi là thích hợp cho khu vực này gần như đã sẵn sàng cho việc triển khai: tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II.

"F-35 sẽ phát huy hoàn toàn sức mạnh trong môi trường đó (tức Biển Đông)”, đại tá không quân Mỹ về hưu John "JV" Venable nói với Business Insider.

Tiêm kích F-35C, phiên bản dùng cho tàu sân bay -Ảnh: Lockheed Martin

Với giá khoảng 100 triệu USD/chiếc, F-35 là loại chiến đấu cơ tàng hình (thế hệ thứ 5) đắt đỏ nhất của Mỹ do Lockheed Martin chế tạo.

Từ tháng 7/2015, Thủy quân lục chiến Mỹ đã trở thành binh chủng đầu tiên có phi đội F-35B sẵn sàng chiến đấu. Đến tháng 8.2016, Không lực Mỹ cũng đưa vào tác chiến phi đội F-35A đầu tiên. Còn Hải quân Mỹ đang cấp tập cho F-35C thực nghiệm cất hạ cánh liên tục trên tàu sân bay USS George Washington ngoài khơi bờ biển bang Virginia trong tháng 8 này.

Dự kiến đến tháng 2/2018, Hải quân Mỹ sẽ có các phi đội F-35C đầu tiên bố trí trên các tàu sân bay.

Tiêm kích F-35C thực tập cất hạ cánh trên tàu sân bay USS George Washington ngoài khơi bờ biển bang Virginia, ngày 23.8.2016 – The Aviationist

Theo cựu đại tá Venable, "Mỹ có được 3 loại máy bay chiến đấu này hoạt động ở môi trường biển Đông là một lợi thế phi thường". Ông Venable vốn là một phi công lái máy bay chiến đấu, cựu chỉ huy phi đội bay biểu diễn Thunderbirds của Không lực Mỹ.

Biển Đông, khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên và là tuyến đường biển nhộn nhịp nhất, đang là một trong những khu vực gia tăng quân sự hóa nhiều nhất của thế giới, theo nhận định của Business Insider.

Hiện tại, Mỹ với lực lượng hải quân lớn nhất thế giới đang chiếm ưu thế thống trị ở khu vực; tuy nhiên, ưu thế này đang thay đổi khi Trung Quốc đang mở rộng sức mạnh hải quân.

Theo cựu đại tá Venable, tiêm kích F-35, với thiết kế tàng hình và trang bị các thiết bị điện tử tiên tiến, sẽ phát huy sức mạnh ở khu vực đầy căng thẳng ở biển Đông.

"Trung Quốc nên sợ Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ vũ trang loại tiêm kích tàng hình này”, ông Venable nói với Business Insider.

Minh Đức

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/the-gioi/trung-quoc-ruc-rich-cai-to-my-chuan-bi-trien-khai-chien-dau-co-ra-bien-dong-81810/