Trung Quốc rót nhiều tỷ USD vào các nước vùng Caucasus

Các công ty Trung Quốc đang đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng, giữ quyền kiểm soát một số cơ sở hạ tầng ở các nước vùng Caucasus.

Chia sẻ trên The New York Times, ông Scott Mi, doanh nhân 32 tuổi người miền Tây Trung Quốc, người đứng đầu của Hualing Group Georgia, cho biết 9 trong tổng 27 tòa nhà trong dự án Tbilisi Sea New City (tạm dịch là Thành phố mới bên bờ biển Tbilisi) của tập đoàn ông xây dựng ở ngoại ô thủ đô Tbilisi, Gruzia (Georgia) đã hoàn thiện.

Dự án nằm gần một hồ chứa nước nhân tạo, có từ thời Liên Xô cũ. Tại đây, một khách sạn năm sao với phòng họp lớn nhất khu vực đã được xây dựng, và gần đó là một trung tâm mua sắm mới, cùng với năm sân bóng đá nhỏ.

Tbilisi Sea New City là sự lắp ghép một bản sao của Trung Quốc vào vùng đất cằn cỗi này. Đi qua những vườn đá cảnh là những dãy phố với tường cao trông giống hệt như các dự án bất động sản từng làm biến đổi cảnh quan đô thị của Trung Quốc.

Khách sạn 5 sao Hotels and Preference ở thành phố Hualing Tbilisi Sea New.

Thế nhưng, các khâu thiết thi công tại Tbilisi Sea New City đều được các công nhân người Trung Quốc thực hiện, việc này ban đầu cũng khuấy động sự tức giận và thậm chí tạo ra các cuộc biểu tình. Nhưng cảm xúc đó dần bị phai mờ bởi trong số nhiều “đại dự án” ở Gruzia, thì các dự án của Trung Quốc mới triển khai thực sự và đang tạo ra những công việc về quản lý và những việc khác cho người Gruzia.

Điểm khác ở đây, đó là trái ngược với sự tồi tàn của những chung cư kiểu Liên Xô cũ ở vùng lân cận, các tòa nhà mới do người Trung Quốc xây dựng đã tạo ra một hạ tầng tương đối hiện đại, với thang máy có thể hoạt động được và hành lang chung cư không nồng nặc mùi nước tiểu.

Các hoạt động kinh tế kiểu Trung Quốc đang hiện diện tại một quốc gia được Bắc Kinh coi là “mắt xích quan trọng trong “Con đường tơ lụa mới”, nối châu Á và châu Âu. Nơi đây cũng được coi là “chiến trường” của sự đối đầu chưa được giải quyết dứt điểm và có khả năng bùng phát giữa Moscow và phương Tây.

Sau 25 năm kể từ khi tách khỏi Liên Xô và tự tuyên bố là nhà nước độc lập, Gruzia đã lâm vào bất ổn liên miên. Nếu như Moscow và Washington rơi vào cuộc đối đầu ồn ào để tranh giành ảnh hưởng tại đây, thì Bắc Kinh lại âm thầm trở thành “ngư ông đắc lợi”.

Ông Mi cho hay, gần như tất cả các căn hộ của những tòa nhà được xây dựng cho đến nay đều đã được bán hết. Người mua phần lớn những căn hộ này là Chính phủ Gruzia, vì họ muốn tạo chỗ ở cho người tị nạn từ các vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng bởi những vụ xung đột ly khai.

Các khối nhà chung cư y chang ở Trung Quốc ở Georgia

Đến nay, Tập đoàn Hualing đã đầu tư nửa tỉ USD Mỹ, trở thành nhà đầu tư tư nhân lớn nhất của Gruzia ngoài các lĩnh vực liên quan đến năng lượng.

Bên cạnh thành phố Hualing Tbilisi Sea New, Hualing Group đã "bơm" nửa tỷ USD vào Georgia để thực hiện một loạt các dự án quy mô lớn trong đó bao gồm cả Khu công nghiệp Kutaisi, nhiều khách sạn sang trọng khác nhau, một nhà máy khai thác gỗ lớn, một doanh nghiệp xuất khẩu rượu vang, một chương trình trồng chè lớn, và sở hữu 90% cổ phần của ngân hàng Basisbank.

Ông Mi cho biết, công ty của ông tham gia vào chương trình chính sách kinh tế và đối ngoại của nhà nước Trung Quốc - một kế hoạch trị giá hàng tỉ USD, được Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố năm 2013.

Kế hoạch nói trên có tên gọi chính thức là “sáng kiến vành đai và con đường”, nhưng được biết đến nhiều hơn với tên gọi “Con đường tơ lụa mới”. Nó không chỉ liên quan đến phát triển đường sắt, cảng biển, cơ sở hạ tầng khác mà còn thúc đẩy sự hiện diện kinh tế của Trung Quốc ở một loạt các quốc gia trải dài từ Trung Á đến vùng Caucasus và Đông Âu.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nghi ngờ khá nhiều về sự đầu tư trên, ông Levan Akhvlediani, Giám đốc điều hành của Anaklia Development Consortium, một công ty xây dựng và quản lý cảng biển ở Anaklia: “Tiền của Trung Quốc không phải là tự do như nhiều người tưởng tượng”.

Ông Levan khẳng định: “Họ không chỉ đổ tiền vào. Họ thường muốn kiểm soát, và nếu họ không có được quyền kiểm soát thì họ không quan tâm”.

Trong một diễn biến liên quan, theo The Diplomat, lý do để Trung Quốc quan tâm tới Georgia không phải vì vị trí địa lý chiến lược của nước này mà là để che dấu sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc. Nền kinh tế của Trung Quốc đang phát triển ở mức thấp nhất trong vòng 25 năm qua.

Trong khi đó, Bắc Kinh đang cần tiền để thực hiện các dự án thuộc sáng kiến Một vành đai, Một con đường (OBOR) ở nhiều nước khác nhau. Đa số các dự án đều dài hạn, do vậy Trung Quốc sẽ không thể đạt được bất cứ lợi ích vật chất nào trong thời gian ngắn.

Với tình hình kinh tế hiện tại, Trung Quốc phải cắt giảm chi tiêu nhưng không thể bỏ được OBOR bởi đó là một kế hoạch quan trọng, mang tính biểu tượng của Trung Quốc hiện tại. Đó cũng là một trong những kế hoạch cốt lõi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Để kết nối với Châu Âu, Trung Quốc sẽ phải chi tiêu rất nhiều tiền vào các cơ sở hạ tầng tại Belarus và Hungary. Cân nhắc tình hình kinh tế, Bắc Kinh bắt đầu tìm kiếm một lựa chọn thay thế ít tốn kém hơn và Georgia là sự lựa chọn đó.

Sơn Ca(Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/trung-quoc-rot-nhieu-ty-usd-vao-cac-nuoc-vung-caucasus-3322931/