Trung Quốc ra Điều luật yêu cầu các hãng công nghệ cung cấp mã nguồn sản phẩm

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc tìm cách truy cập vào mã nguồn độc quyền của sản phẩm được phát triển bởi các công ty nước ngoài. Hồi đầu năm, đã có thông tin cho rằng chính phủ Trung Quốc muốn truy cập vào mã nguồn của hệ điều hành iOS.

Trung Quốc sắp ban hành điều luật mới

Phát biểu với Ủy ban Technical Committee 260, Cơ quan tiêu chuẩn an ninh mạng quốc gia Trung Quốc, hiện đang nghiên cứu để ban hành điều luật mới yêu cầu các công ty Công nghệ phải chia sẻ mã nguồn của họ, Microsoft nhấn mạnh, việc chia sẻ mã nguồn của chính mình không thể chứng minh được với khách hàng rằng sản phẩm của mình là an toàn, bảo mật và có khả năng kiểm soát.

Microsoft, Intel và IBM là 3 trong số rất nhiều công ty đã lên tiếng phản đối kế hoạch của Trung Quốc khi đưa ra yêu cầu được quyền truy cập vào mã nguồn của các sản phẩm phần mềm cũng như các sản phẩm công nghệ nhằm kiểm soát những dấu hiệu chứng tỏ thiết bị đã bị tin tặc xâm nhập (hackerproof) hoặc sản phẩm đó có chứa mã độc hay không (backdoors).

Trụ sở của Microsoft ở Trung Quốc

Đặc biệt, Microsoft cho rằng việc trao quyền truy cập mã nguồn cho một ai đó là đi ngược lại với ý tưởng tăng cường bảo mật trên thiết bị. Còn các hãng công nghệ khác lại cho rằng, đòi hỏi này của chính phủ Trung Quốc chẳng khác nào đặt sản phẩm của họ vào tay tin tặc hoặc các đối thủ cạnh tranh.

Microsoft giải thích rằng việc hãng này phát triển một Trung tâm Transparency Center ở Bắc Kinh, Trung Quốc, cho phép các bên liên quan có thể theo dõi mã code của sản phẩm. Tuy nhiên, vấn đề chia sẻ mã nguồn là một yêu cầu không thể chấp thuận được vì như thế có thể đặt sản phẩm vào vòng nguy hiểm và không an toàn.

Theo Thời báo phố Wall, Intel cũng phản đối kế hoạch trên của Trung Quốc và cho rằng việc cung cấp cho bên ngoài truy cập vào mã nguồn sản phẩm chắc chắn sẽ làm tổn hại đến quá trình đổi mới công nghệ và làm giảm khả năng bảo mật của chính sản phẩm đó. Được biết, Trung Quốc sẽ ban hành các điều luật mới và có hiệu lực từ tháng 6/2017.

Apple cũng phản đối kế hoạch của Trung Quốc

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc tìm cách truy cập vào mã nguồn độc quyền của sản phẩm được phát triển bởi các công ty nước ngoài. Hồi đầu năm, đã có thông tin cho rằng chính phủ Trung Quốc muốn truy cập vào mã nguồn của hệ điều hành iOS. Yêu cầu này đã nhanh chóng bị Apple bác bỏ, vì công ty đã cam kết sẽ bảo vệ người dùng và từ chối cộng tác với chính phủ nếu muốn can thiệp vào vấn đề bảo mật.

Bản thân Apple cũng đang gặp khó khăn trong việc triển khai hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc, một phần vì mối quan hệ với chính quyền Bắc Kinh. Vào tháng 4 vừa qua, ứng dụng iTunes của Apple và các cửa hàng iBooks đã đột ngột bị cấm hoạt động ở Trung Quốc vì một lý do không được tiết lộ. Bên cạnh đó, tháng 5, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành điều tra Apple theo các vấn đề bảo mật không tiết lộ.

Một số tờ báo địa phương cho rằng, hầu hết các công ty Công nghệ nước ngoài đang hoạt động hoặc liên doanh với các doanh nghiệp tại Trung Quốc đã công khai thách thức chính sách của Chính phủ nước này.

Mặc dù, Trung Quốc không ngừng thúc đẩy việc xây dựng các điều luật mới về bảo mật, chia sẻ mã nguồn để quản lý các công ty như Microsoft và IBM, trong khi các công ty này lại gần như không có khả năng phản ứng lại, các nhà phân tích không cho rằng những điều luật trên có thể sẽ khiến những công ty này phải chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Trung Quốc vẫn là thị trường công nghệ lớn nhất thế giới và các công ty nước ngoài muốn tận dụng tối đa cơ hội này để triển khai các kế hoạch sản xuất, kinh doanh cũng như thu hồi vốn đầu tư. Tuy nhiên, tranh chấp giữa các hãng công nghệ và chính quyền Bắc Kinh vẫn chưa có hồi kết, trong khi thời hạn chót để các điều luật trên trở thành hiện thực là tháng 6/2017 đang đến rất gần.

Hoàng Thanh (Theo SMedia)

Nguồn XHTT: http://xahoithongtin.com.vn/thi-truong/201612/trung-quoc-yeu-cau-cac-hang-cong-nghe-cung-cap-ma-nguon-cua-san-pham-549457/