Trung Quốc: Quân đội làm kinh tế

Hồ sơ này góp phần “giải mã” cho những trọng án tham nhũng liên quan đến quân đội và quan chức cấp cao Trung Quốc bị phanh phui trong 2 năm qua

Giữa những năm 80 của thế kỷ trước, nền kinh tế Trung Quốc còn nghèo nàn và lạc hậu. Tuy nhiên, nhu cầu ngân sách cho quốc phòng là rất lớn. Trước tình hình đó, lãnh đạo Trung Quốc lúc bấy giờ là Đặng Tiểu Bình cho quân đội làm kinh tế là để ‘’tăng gia’’ cải thiện cuộc sống. Châm ngôn của ông Đặng là “Dĩ quân dưỡng quân’’ (Lấy quân đội nuôi quân đội).

‘’Dĩ quân dưỡng quân’’ và sự tha hóa

Sau vài năm, hàng loạt tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp (DN) quân đội ra đời ở Trung Quốc. Những DN này phủ bóng rộng khắp nền kinh tế. Đến đầu những năm 1990, DN quân đội đã hoạt động hầu hết trong mọi lĩnh vực kinh tế tại Trung Quốc.

Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Từ Tài Hậu là tướng quân đội cao cấp bị ngã ngựa trong chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc Ảnh: ĐA CHIỀU

Đến thời Giang Trạch Dân thì nhà lãnh đạo này chính thức đưa DN quân đội thành một đế chế hùng mạnh. Ông nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc sau sự biến Thiên An Môn (ngày 4-6-1989). Được đánh giá ít vốn liếng chính trị, lại không phải là “lão thành cách mạng”, trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Giang ít được ủng hộ. Để gầy dựng sự nghiệp chính trị và củng cố quyền lực, ông “hào phóng” mở cửa cho quân đội tự do làm ăn. Chính nhờ những quyền lực được ban dưới thời của Giang Trạch Dân nên những DN này mau chóng lớn mạnh và phát triển không ngừng. Và tất nhiên, tham nhũng, sai phạm trong quân đội cũng tăng theo.

Được trao cho quyền lực vô biên, những quan chức quân đội cao cấp cũng tự do dùng quyền hành mình có cho quân đội nhúng vào các hoạt động kinh tế.

Chẳng những thế, quân đội còn đi buôn lậu. Một báo cáo được công bố cho biết ngày 26-7-1998, Hạm đội Biển Bắc điều cả một lực lượng hùng hậu gồm 4 pháo hạm, 2 tàu ngầm, một tàu khu hạm có tải trọng 4.000 tấn để hộ tống một tàu vận tải của quân đội chở hơn 70.000 tấn dầu tinh chế. Đây là lượng dầu quân đội buôn lậu để thu lợi. Trong cuộc truy bắt với quy mô lớn không kém khi cả quân đội, công an, hải quan được huy động để chống lại đội tàu buôn lậu hùng hậu này mà báo chí Trung Quốc gọi là “trận pháo chiến Hoàng Hải” (Hoàng Hải pháo chiến), có đến 87 người thương vong. Tuy nhiên, không có ai bị xử phạt.

Tại một hội nghị toàn quân vào tháng 9-1998, Thủ tướng Chu Dung Cơ đã nói rằng buôn lậu làm nhà nước thất thoát hơn 800 tỉ USD mỗi năm, trong đó quân đội đã chiếm phần lớn trong hoạt động thu lợi bất chính này. Quân đội cũng đã trốn thuế chí ít 500 tỉ USD mỗi năm. 80% trong số đó đã vào túi các tướng lĩnh quân đội ở nhiều cấp bậc.

Cấm mà như không

Trong hội nghị Quân ủy Trung ương cuối năm 1998, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trì Hạo Điền đã báo cáo: So với năm 1994, thu nhập kinh tế của quân đội đã bị các tướng lĩnh cấp trung và cao cấp lấy đi mất 80%, trong đó có 50% cho các cuộc liên hoan, du lịch ở nước ngoài, xây biệt thự nghỉ dưỡng xa xỉ và sắm xe sang. Trước đó, năm 1996, Thủ tướng Chu Dung Cơ đề nghị quân đội nên bị cấm làm kinh tế.

Ngân sách quốc phòng khổng lồ cũng là điều kiện thuận lợi để các quan chức quân đội Trung Quốc trục lợi. Chủ tịch Giang Trạch Dân buộc lòng phải ban hành một lệnh cấm quân đội làm kinh tế.

Nhưng lệnh cấm chỉ là bề nổi. Nó được đánh giá là lỏng lẻo. Ngay bản thân tuyên bố của ông Giang cũng không thấy tính răn đe khi nhà lãnh đạo này vẫn cho các DN quân đội tham gia những hoạt động kinh tế chủ chốt như xây dựng. Hàng loạt công trình trọng điểm trong giai đoạn phát triển kinh tế thần kỳ của Trung Quốc vào những năm 1990 và thập niên đầu của thế kỷ XXI đã được giao cho các DN quân đội. Thế nên, tham nhũng vẫn tiếp diễn.

Cạnh đó, chế độ bảo hiểm y tế quân nhân ưu ái cũng là “mỏ vàng’’ tham nhũng. Hằng năm, truyền thông vẫn đưa tin nhiều quan chức, chủ yếu là cấp trung và cấp thấp, dính đến các vụ tham nhũng bảo hiểm y tế như lập hồ sơ giả, kê khai hồ sơ khám chữa bệnh và cấp dược phẩm khống. Những kẻ sai phạm cũng chỉ bị xử phạt nhẹ và Bắc Kinh vẫn lúng túng trong việc thiết lập cơ chế hạn chế tham nhũng trong quân đội.

Tiếp tục lệnh cấm năm 1998 của Giang Trạch Dân, nhiều chỉ thị của Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã được ban hành, vẫn hướng đến mục đích giảm bớt các hoạt động kinh tế trong quân đội. Đối phó lại, các tướng lĩnh và DN quân đội đẩy mạnh hoạt động bán, chuyển nhượng cổ phần và chia tài sản. Nhiều tài sản quân sự đã được cổ phần hóa, hàng ngàn tòa chung cư cao cấp và biệt thự cùng hàng chục ô tô công đã được chuyển mục đích sử dụng hoặc rơi vào tay các công ty sân sau của quân đội. Nhiều DN quân đội biến thành các công ty cổ phần hoặc công ty tư nhân trong giai đoạn này.

Bước chuyển tiếp Hồ Cẩm Đào

Được sự hậu thuẫn của ông Giang Trạch Dân, năm 1999, tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XV của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Hồ Cẩm Đào lúc đó chỉ là nhân vật thứ năm trong Bộ Chính trị nhưng được bầu giữ chức phó chủ tịch quân ủy trung ương.

Ông Hồ Cẩm Đào phải đối mặt với một thách thức lớn. Cải tổ quân đội Trung Quốc theo chỉ thị là dần dần tách quân đội ra khỏi các hoạt động kinh tế nhưng điều này sẽ gặp khó khăn rất lớn từ nhóm lợi ích trong quân đội.

Tháng 2-2000, ông Hồ Cẩm Đào đọc báo cáo trước Quân ủy Trung ương rằng quân đội đã không còn tham gia các hoạt động kinh tế. Tuy gặp nhiều phản đối song cuối cùng, báo cáo vẫn được thông qua. Hai phó chủ tịch Quân ủy Trung ương khác là Trương Vạn Niên và Trì Hạo Điền vắng mặt. Sự vắng mặt này không tránh khỏi suy đoán rằng do ông Giang sắp xếp. Năm 2003, cả 2 vị tướng chủ chốt trong việc công kích quân đội tham nhũng này đều được cho về hưu. Thay vào đó là Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu, 2 tướng quân đội được đánh giá là khá thân cận và trung thành với ông Giang Trạch Dân.

Ông Hồ Cẩm Đào được bầu làm Chủ tịch Trung Quốc vào năm 2003 nhưng ông Giang Trạch Dân vẫn nắm vị trí Chủ tịch Quân ủy trung ương đến năm 2004 mới bàn giao. Dưới thời của ông Hồ Cẩm Đào, nhiều trọng án tham nhũng trong quân đội vẫn tiếp diễn và chỉ được phanh phui vài năm gần đây.

Kỳ tới: Những đại án rúng động

Vài tháng sau lệnh cấm mùa hè năm 1998, 130 vụ việc lớn - nhỏ đã xảy ra liên quan đến sai phạm trong các cấp quân đội. Trong đó, phải kể đến các vụ nổi bật của tham mưu trưởng quân khu tỉnh Hồ Bắc, chủ nhiệm ban nhà ở công vụ quân khu tỉnh Liêu Ninh, trưởng hậu cần quân khu cảnh bị Tế Nam. Cả ba phải trốn ra nước ngoài do bị cáo buộc liên quan đến tham nhũng, nay quen gọi là ‘’vi phạm kỷ luật Đảng nghiêm trọng’’.

ĐẶNG VĂN THUẬN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/trung-quoc-quan-doi-lam-kinh-te-20160407215640494.htm