Trung Quốc phủ nhận giả thuyết về đội quân đất nung Tần Thủy Hoàng

Đội quân đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng (259-210 trước Công nguyên) của Trung Quốc, hiện đang là trung tâm của một cuộc tranh cãi căng thẳng.

Các học giả Trung Quốc đang bác bỏ những giả thuyết cho rằng người Trung Quốc xưa kia đã lấy cảm hứng từ nghệ thuật điêu khắc của Hy lạp để tạo dựng nên hàng ngàn chiến binh thầm lặng và bí ẩn.

Từ bộ phim của National Geographic và BBC

8.000 bức tượng bằng đất sét, được làm vào khoảng năm 250 trước Công nguyên được đặt trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng để bảo vệ vị Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Lăng mộ hiện là điểm thu hút khách tham quan lớn đồng thời là một biểu tượng của nghệ thuật Trung Quốc cổ đại với sự tinh vi quân sự của đất nước có nền văn minh 5.000 năm.

Đặt câu hỏi về nguồn gốc của đội quân binh mã đất nung là điều hết sức nhạy cảm, đặc biệt Trung Quốc vốn tự hào với những phát minh đã làm thay đổi thế giới, từ thuốc súng tới la bàn và nghề in.

Mới dây, sử gia nghệ thuật Lukas Nickel thuộc trường Đại học Vienna (Áo) đã đưa ra những giả thuyết, cho rằng những sự cách tân trong nghệ thuật của người Hy Lạp và cả các nghệ nhân Hy Lạp cổ đại đã có tác động trực tiếp tới đội quân đất nung này. Những giả thuyết của Nickel đã được đưa vào bộ phim tài liệu được phát sóng trên kênh National Geographic BBC hồi đầu tháng.

Đội quân đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng

Tuy nhiên, sau khi bộ phim tài liệu được phát sóng, nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã chỉ trích BBC và đặt vấn đề làm sao mà người Hy Lạp có thể tạo được ảnh hưởng tới Trung Quốc cổ đại.

Tại lăng mộ Tần Thủy Hoàng, khách tham quan từ khắp Trung Quốc chen chân nhau để chiêm ngưỡng hàng ngàn bức tượng đất nung và chụp ảnh "tự sướng" trước đội quân này.

Dong Shenghua, một khách tham quan đến từ Bắc Kinh khẳng định giả thiết liên quan đến Hy Lạp là "không thể" và chỉ ra rằng các nét đặc trưng châu Á của hàng ngàn bức tượng và sự tinh tế của nghệ nhân cổ đại "tuyệt hảo tới mức chúng ta không thể làm được những bức tượng như vậy trong thời nay". "Chúng ta có 5.000 năm lịch sử, còn nước Anh có bao nhiêu năm" - Dong Shenghua đặt vấn đề.

Ma Dongling, một khách tham quan đến từ Quảng Tây, cũng khẳng định không thể có chuyện người Trung Quốc cổ đại lấy cảm hứng từ hải ngoại trong khi Trung Quốc thời đó đã rất sáng kiến. "Tần Thủy Hoàng là hoàng đế đầu tiên trên thế giới lệnh làm đội quân đất nung này để đặt trong lăng mộ của mình".

“Chỉ là giả thuyết”

Zhang Weixing, nhà khảo cổ hàng đầu của Bảo tàng Binh mã đất nung, nói rằng, các chất liệu, kỹ thuật và công nghệ làm gốm được sử dụng để làm tượng đều là của người Trung Quốc.

"Hoàn toàn không có bằng chứng thực tế khi nói lăng mộ Tần Thủy Hoàng có liên quan đến Hy Lạp cổ đại. Điều này chỉ tồn tại trong giả thuyết của học giả"- Zhang Weixing khẳng định.

Tranh cãi về đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng

Nhà nghiên cứu Sun Jiachun đang gây nên một cuộc tranh cãi mới khi ông tuyên bố rằng, đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng được sử dụng như những mô hình để huấn luyện quân sự.

Ông Weixing nói thêm, là Hoàng đế, Tần Thủy Hoàng không chỉ sáng kiến tạo dựng đội quân đất nung, mà còn có một loạt sự cách tân khác, như tiêu chuẩn hóa các đơn vị phép đo của Trung Quốc gồm trọng lượng và đơn vị đo, hệ thống tiền tệ, chiều dài các trục bánh xe để tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển trên hệ thống đường bộ và để dễ tính thuế và thu thuế. Thuế trả bằng lúa, phải dùng thuyền, xe chở đến các quận và kinh đô. Hoàng đế cũng phát triển một mạng lưới rộng lớn đường giao thông và kênh kết nối các tỉnh để cải thiện thương mại...

"Ai tạo ảnh hưởng tới ai, điều này thật khó nói. Dù nghệ thuật điêu khắc của Hy Lạp cũng đã tạo ảnh hưởng tới Ai Cập và nhiều nước" – Weixing nói.

Chứng minh cho giả thuyết của mình, sử gia nghệ thuật Nickel đã đưa ra nhiều tài liệu hồ sơ cổ nói về bức tượng khổng lồ ở phía Tây khu mộ. Theo ông, những bức tượng này là bằng chứng về mối liên hệ có được giữa Trung Quốc và phương Tây và là nguồn cảm hứng Tần Thủy Hoàng lệnh tạo ra 11 bức tượng khổng lồ khác. Những bức tượng này cao khoảng 11,55m, chiều dài chân khoảng 1,38m.

Nghiên cứu sâu hơn có thể thấy nhiều khả năng các đế chế nước ngoài đã tạo mô hình cho đời Tần. "Tôi nghĩ rằng Tần Thủy Hoàng đã chịu nhiều ảnh hưởng từ nước ngoài hơn người ta nghĩ, từ việc điều hành một đế chế ra sao tới cách quản lý nhà nước như thế nào" – Nickel nói.

Nickel thừa nhận, những giả thuyết của mình không thuyết phục được giới học giả Trung Quốc.

Li Xiuzhen, nhà khảo cổ hàng đầu của Bảo tàng Binh mã đất nung ở Tây An, khẳng định: "Có thể người Trung Quốc cổ đại có tiếp xúc với văn hóa hải ngoại, song như vậy không có nghĩa là họ chịu ảnh hưởng. Đội quân đất nung độc đáo trên thế giới và do chính người đời Tần tạo nên".

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/tranh-cai-quanh-doi-quan-dat-nung-cua-tan-thuy-hoang-n20161029073602843.htm