Trung Quốc, Philippines lập cơ chế giải quyết tranh chấp Biển Đông

Thông cáo chung chính thức công bố ngày 21.10 sau cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết hai nước sẽ thiết lập một cơ chế song phương để giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông.

Tổng thống Duterte phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư và thương mại Philippines-Trung Quốc ở Bắc Kinh ngày 20.10 - Ảnh: Reuters

Thông cáo chung nêu rõ: “Hai bên đồng ý cùng tiếp tục thảo luận về các biện pháp xây dựng lòng tin cũng như sẽ kiềm chế các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông”.

Thông cáo chung cho biết: “Các tranh chấp sẽ được giải quyết bằng tham vấn và đàm phán thân thiện giữa các quốc gia có liên quan trực tiếp đến tranh chấp”.

Thông cáo chung khẳng định cơ chế song phương mới này nhằm bổ sung cho những cơ chế đã có trước đây, bao gồm thảo luận thường xuyên về các mối quan tâm của hai bên liên quan đến vấn đề Biển Đông; thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin và tự kiềm chế khi có hoạt động trên Biển Đông.

Trong thông cáo chung, Trung Quốc và Philippines tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định, tự do hàng hải và hàng không.

Hai nước cũng cam kết tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông 2002 (DOC) và cố gắng xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) sớm nhất có thể.

Ngoài ra, lực lượng cảnh sát biển hai nước sẽ hợp tác trong các hoạt động cứu trợ nhân đạo, môi trường và trong những tình huống khẩn cấp ở Biển Đông.

Theo ông Vương Hàn Linh, chuyên gia về các vấn đề hàng hải và luật quốc tế thuộc Học viên Khoa học xã hội Trung Quốc, cơ chế giải quyết song phương tranh chấp Biển Đông là chiến thắng ngoại giao của Trung Quốc, nhưng Philippines cũng sẽ hưởng lợi về mặt kinh tế khi có quan hệ tốt với Bắc Kinh.

Trước đó trong cuộc gặp tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) hôm 20.10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi Philippines là “anh em” và khẳng định hai bên có thể cùng nhau giải quyết các tranh chấp một cách thỏa đáng.

Trong khi đó ngày 22.10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ngang ngược tuyên bố việc Mỹ hôm trước đó cho tàu khu trục USS Decatur tuần tra gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, là hành động “mang tính khiêu khích”.

Cẩm Bình (theo South China Morning Post)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/dien-bien-bien-dong-c-124/trung-quoc-philippines-lap-co-che-giai-quyet-tranh-chap-bien-dong-45676.html